Binh sĩ Ukraine lái thiết giáp ở Sumy, giáp vùng Kursk của Nga. (Nguồn: Reuters) |
Theo Wall Street Journal ngày 17/8, Ukraine đã triển khai 6.000 quân đến vùng biên giới Kursk của Nga và khoảng 4.000 quân tham gia các hoạt động hỗ trợ tại vùng biên giới Sumy của Ukraine.
Trước đó, truyền thông Nga cho biết rạng sáng ngày 6/8, hàng trăm quân Ukraine đã đột kích vào vùng Kursk với sự hỗ trợ của các xe bọc thép. Đây là cuộc đột kích lớn nhất kể từ khi xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra hồi tháng 2/2022.
Đến nay, Ukraine vẫn khá kín tiếng về quy mô cuộc đột kích. Giới chức nước này chỉ công bố các bước tiến tại Kursk.
Tổng Tư lệnh Lực lượng vũ trang Ukraine Oleksandr Syrskyi ngày 16/8 cho biết quân đội nước này tiếp tục tăng cường vị trí ở Kursk sau khi tiến sâu hơn 30 km, kiểm soát hơn 1.150 km2 ở đây.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cùng ngày cũng đánh giá cuộc đột kích đang diễn ra đúng theo kế hoạch và quân đội Ukraine ngày càng mở rộng kiểm soát ở Kursk.
Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ, lực lượng Ukraine tiếp tục đạt bước tiến tại Kursk, đặc biệt ở các khu vực Đông Nam thị trấn chiến lược Sudzha.
Kiev khẳng định, mục tiêu cuối cùng của chiến dịch đột kích không phải là chiếm giữ lãnh thổ Nga mà nhằm bảo vệ người dân các vùng biên giới Ukraine khỏi làn sóng tấn công của Moscow và buộc Nga phải chuyển bớt quân ở Ukraine về phòng thủ biên giới.
Ngoài ra, Tổng thống Zelensky kêu gọi các đối tác phương Tây dỡ bỏ chính sách cấm Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ tầm xa để tấn công mục tiêu quân sự bên trong lãnh thổ Nga.
"Chúng tôi đang làm mọi thứ có thể để cung cấp cho lực lượng của mình vũ khí và quân tiếp viện. Về vấn đề này, điều quan trọng là các đối tác phải dỡ bỏ rào cản ngăn cản chúng tôi làm suy yếu các vị thế của Nga theo yêu cầu của diễn biến tại thực địa", ông Zelensky nói.
Theo Tổng thống Ukraine, năng lực tấn công tầm xa là câu trả lời cho tất cả các vấn đề quan trọng nhất và chiến lược nhất của cuộc xung đột. Ông tuyên bố sẽ tiếp tục những nỗ lực ngoại giao để có được sự chấp thuận của các đồng minh, đối tác phương Tây, trong đó có Mỹ, Anh, Pháp.