Việc mua chung vũ khí cho Ukraine vẫn đang bị chậm lại do tranh cãi giữa các quốc gia thành viên EU. (Nguồn: Reuters) |
Trên mạng Twitter, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba bày tỏ không hài lòng khi EU không có khả năng thực hiện quyết định mua chung vũ khí cho Ukraine do tranh cãi giữa các quốc gia thành viên.
Theo Ngoại trưởng Ukraine, đây là phép thử xem liệu EU có quyền tự chủ chiến lược trong quá trình đưa ra những quyết sách an ninh quan trọng mới hay không. Đối với Ukraine, cái giá phải trả cho việc không hành động được của EU là rất lớn.
Cụ thể, mặc dù EU đã phê duyệt cơ chế mua sắm tổng thể và phân bổ 2 tỷ Euro cho mục đích này, song các quốc gia thành viên vẫn tiếp tục tranh cãi về một số chi tiết, chẳng hạn như những hợp đồng này nên được giới hạn bao nhiêu cho các nhà sản xuất EU và liệu các công ty từ Mỹ và Anh có nên được đưa vào chương trình hay không.
Tờ Politico trích dẫn nguồn tin từ giới ngoại giao tiết lộ Pháp và Ba Lan ngày 19/4 đã tranh cãi với nhau khi Đại sứ của hai nước này tại EU không thống nhất được phương án giải quyết mâu thuẫn liên quan đến các hợp đồng chung của liên minh nhằm mua đạn dược cho Kiev.
Ở một diễn biến khác, phát biểu trên kênh truyền hình TV Prva ngày 20/4, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic tuyên bố ông không còn tin tưởng vào phương Tây.
Theo ông Aleksandar Vucic, các đại diện phương Tây kêu gọi Belgrade gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và lấy Nga ra dọa, nhưng chính NATO mới là mối đe dọa đối với nước này.
Nhà lãnh đạo Serbia khẳng định rằng Belgrade tuân thủ quy chế trung lập quân sự theo nghị quyết của quốc hội được thông qua năm 2007, đồng thời tham gia chương trình Đối tác vì hòa bình của NATO.
Tổng thống Aleksandar Vucic cũng nhắc lại rằng ngày 23/4 đánh dấu tròn 24 năm xảy ra cuộc không kích của NATO vào tòa nhà Đài phát thanh và truyền hình Serbia làm 16 nhân viên cơ quan này thiệt mạng.