📞

Ukraine thúc Mỹ và phương Tây ‘tấn công tổng lực’ Nga trên mặt trận này, hiến kế thêm đòn trừng phạt, rốt ráo bịt các lỗ hổng

Minh Anh 09:33 | 01/03/2024
Nga đã thiệt hại ít nhất 400 tỷ USD, sau hơn 17.000 lệnh trừng phạt đánh váo các cá nhân và tổ chức, kể từ khi xung đột với Ukraine khởi phát. Tuy nhiên, theo Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal, "dù đây là đòn mạnh đối với Moscow, thì vẫn cần phải tấn công nhiều hơn nữa".
Trong tình hình xung đột Nga-Ukraine, Kiev đánh giá 17.000 lệnh trừng phạt gây thiệt hại khoảng 400 tỷ USD là một đòn mạnh đối với Nga, nhưng chưa đủ. (Nguồn: weforum.org)

Tại một cuộc họp chính phủ mới đây, bình luận thêm về tình hình hai bên trong xung đột, ông Shmyhal lưu ý, trong khi Ukraine ngoài được viện trợ quân sự, tài chính và nhân đạo, thì đối phương đang phải chịu áp lực trừng phạt đang tiếp tục gia tăng.

Đề cập việc Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU) gần đây đều tung ra các gói trừng phạt mới lên Moscow, người đứng đầu chính phủ Ukraine nhấn mạnh: “Đặc biệt, Mỹ đã mở rộng trừng phạt Nga sang các công ty năng lượng, doanh nghiệp sản xuất vi điện tử cho ngành công nghiệp quốc phòng, ngân hàng và công nghệ thông tin, cũng như hậu cần dầu mỏ”.

Người đứng đầu chính phủ Ukraine cũng cho biết, các đối tác của Anh đã cập nhật danh sách trừng phạt của họ thêm 100 vị trí, do đó, áp lực sẽ gia tăng đối với những ai muốn giúp Nga lách các hạn chế về buôn bán dầu mỏ. Các lệnh trừng phạt cũng sẽ mở rộng tầm ảnh hưởng đến lĩnh vực kim cương, sản xuất đồng, kẽm, thép…

Trong khi đó, Canada đã chỉ định thêm 163 cá nhân và tổ chức khác, bao gồm các công ty hậu cần, công ty quốc phòng và các chuyên gia có tầm ảnh hưởng. Australia và New Zealand cũng góp phần vào nỗ lực nhằm làm suy yếu Nga.

"Chúng tôi rất biết ơn EU về gói trừng phạt thứ 13 đánh vào Nga. Các lệnh trừng phạt mới nhất áp dụng cho các nhà sản xuất vũ khí và điện tử. Các hạn chế xuất khẩu nghiêm ngặt hơn đã được thực hiện, bao gồm cả các công ty có trụ sở ở nước thứ ba", Thủ tướng Shmyhal nhấn mạnh.

Ngày 24/2, Đại sứ Ukraine tại Mỹ Oksana Markarova cũng đã lên tiếng hoan nghênh gói trừng phạt mới nhất của Mỹ đánh vào Nga. Bà Đại sứ cũng thông báo thêm, phía Ukraine sẽ tiếp tục tích cực hợp tác với Nhà Trắng về gói trừng phạt Nga tiếp theo, để có thể sẽ sớm ra mắt.

Đánh giá gói trừng phạt mới nhất nhằm vào hơn 500 cá nhân và tổ chức trong các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế Nga, Đại sứ Oksana Markarova cho rằng, “Đây là một gói trừng phạt toàn diện. Nó không chỉ bao gồm một phần lớn hoạt động sản xuất quốc phòng của Nga - vốn rất quan trọng, mà phần lớn nhắm vào những người tham gia vào hoạt động sản xuất này - các nhà cung cấp và những người phục vụ ngành công nghiệp quốc phòng Nga”.

Bà Markarova cũng cho rằng, lệnh trừng phạt mới của Mỹ là “cú đánh mạnh” vào lĩnh vực tài chính Nga, trong đó không chỉ bao gồm các lệnh trừng phạt đối với 9 ngân hàng và quỹ đầu tư của Moscow mà còn cả hệ thống thanh toán “Mir”.

Nhà ngoại giao này nhận xét, điều này rất quan trọng trong việc hạn chế khả năng tài trợ cho nỗ lực triển khai quân sự của Nga, bao gồm cả việc tăng cường dự trữ và bổ sung kho vũ khí. Trong đó, Ukraine sẽ không ngừng cung cấp cho Mỹ thông tin về hoạt động của các tổ chức tài chính Nga, nhằm tiếp tục đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với hàng trăm ngân hàng Nga khác.

Đại sứ Ukraine tại Mỹ Oksana Markarova cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì và tăng cường các hạn chế đối với ngành năng lượng Nga, bao gồm cả về giới hạn giá dầu. Hơn nữa, điều quan trọng không kém là xác định và quy trách nhiệm cho những người hỗ trợ Moscow lách các lệnh trừng phạt hiện có.

“Chúng tôi tin rằng, các biện pháp trừng phạt không kém phần quan trọng so với việc cung cấp vũ khí và hỗ trợ tài chính cho Ukraine”. Bà Đại sứ đề cao hiệu quả trừng phạt kinh tế và đảm bảo rằng, phía Ukraine sẽ hợp tác chặt chẽ với các đối tác Mỹ để đạt được mục tiêu này “tích cực như trước”.

Trong khi đó, tổng kết hiệu quả các lệnh trừng phạt Nga từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, theo Thủ tướng Ukraine, 17.000 lệnh trừng phạt gây thiệt hại khoảng 400 tỷ USD là một đòn mạnh đối với Nga, nhưng "thậm chí còn có thể và phải làm nhiều hơn nữa".

Theo “hiến kế” của Kiev, Mỹ và phương Tây cần đưa ra các biện pháp trừng phạt chống lại Rosatom, ngắt kết nối tất cả các ngân hàng Nga và Belarus khỏi SWIFT, hạn chế việc EU nhập khẩu khí hóa lỏng, vàng, quặng sắt, titan, nhôm, đồng, niken và palladium của Nga, đồng thời ngăn chặn xuất khẩu nông sản Nga bằng cách cấm các nước thành viên EU nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp của nước này.

Ông Shmyhal lưu ý thêm, điều quan trọng nhất là phải ngăn chặn một cách đáng tin cậy tất cả các lỗ hổng hiện đang cho phép Nga lách các lệnh trừng phạt.

"Nga thu được ít lợi nhuận hơn đồng nghĩa với việc ít tên lửa và máy bay không người lái bay tới Ukraine hơn, ít tổn thất ở phía trước và sau này hơn, đồng thời tiến gần hơn đến một nền hòa bình Nga-Ukraine", Thủ tướng Ukraine bày tỏ quan điểm.

(theo Ukrinform)