📞

UKVFTA giúp nông sản Việt phát huy lợi thế cạnh tranh, chinh phục thị trường Vương quốc Anh

Chu Văn 09:28 | 04/03/2024
Xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Vương quốc Anh duy trì mức tăng trưởng tốt trong gần 3 năm qua, một phần nhờ thực thi Hiệp định UKVFTA.
Theo Hiệp định UKVFTA, 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả được xóa bỏ ngay. (Nguồn: Báo Công Thương)

Xuất khẩu Việt Nam sang Anh đầu năm 2024 ghi nhận kết quả đáng khích lệ với giá trị xuất khẩu trong tháng 1 tăng hơn 57% so với cùng kỳ năm ngoái. Gần 3 năm qua, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Anh, đặc biệt là nông sản, liên tục duy trì đà tăng trưởng, kể cả năm 2023 khi kinh tế xứ sở sương mù hứng chịu lạm phát cao và tăng trưởng chậm.

Đây là thành quả những nỗ lực của doanh nghiệp và các cơ quan chức năng, đồng thời phản ánh lợi ích của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Anh (UKVFTA) kể từ khi thỏa thuận này có hiệu lực vào tháng 5/2021.

Nông sản Việt Nam được yêu thích

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1/2024, giá trị xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Anh đạt gần 780,5 triệu USD, tăng hơn 57%so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó Việt Nam đạt thặng dư thương mại hơn 730,9 triệu USD. Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu đều tăng trưởng tốt, đặc biệt là nông sản, như cà phê, tăng 218,5%; hạt điều tăng gần 61%; hạt tiêu tăng hơn 60%; rau quả tăng hơn 56%; và thủy sản tăng hơn 26%.

Năm 2023, nhiều nông sản xuất khẩu sang Anh cũng tăng trưởng cao, như rau quả, tăng gần 17% (24,3 triệu USD); hạt điều, tăng 13% (gần 97,8 triệu USD); cà phê, hơn 11% (hơn 101,1 triệu USD). Tổng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản của nước ta sang quốc gia châu Âu này đạt hơn 770 triệu USD vào năm ngoái, chiếm hơn 12% tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Anh.

Đáng chú ý, trong năm 2023, nhiều trái cây đặc sản lần đầu xuất khẩu chính ngạch sang Anh như cam Canh, bưởi Diễn, cam Cao Phong, quýt Cao Phong, bưởi đỏ Tân Lạc, sầu riêng Ri6, vải u hồng, vải thiều không hạt… nhận được phản hồi tích cực từ thị trường. Một số nông sản thực phẩm và trái cây tươi đã có mặt tại các chuỗi siêu thị cao cấp và trung lưu của Anh như Whole Food, Marks & Spencer (M&S), Waitrose…

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Giám đốc điều hành công ty cổ phần R.Y.B (Hòa Bình), doanh nghiệp chuyên xuất khẩu trái cây tươi đặc sản sang Anh và châu Âu, cho biết, năm 2023, các sản phẩm trái cây tươi và nông phẩm đặc sản của tỉnh Hòa Bình được công ty xuất khẩu sang Anh đều bán chạy và được khách hàng đánh giá cao, trong đó có bưởi Diễn, bưởi đỏ Tân Lạc, trà xanh, trà san tuyết cổ thụ, hồng trà, tinh bột nghệ, quế điếu thanh...

Ông Thái Trần, Giám đốc điều hành công ty TT Meridian, doanh nghiệp chuyên phân phối nông sản Việt Nam tại Anh, cho biết, vải thiều, bưởi da xanh, dừa xiêm, măng cụt, ổi lê, chanh leo, thanh long… là những mặt hàng công ty bán tốt tại Anh trong năm qua. Ông nhận định đây là những trái cây có khả năng cạnh tranh tại thị trường này.

Được biết, năm 2023, TT Meridian nhập khẩu nhiều mặt hàng trái cây mới sang Anh như sầu riêng, vải u hồng, vải thiều không hạt, ổi lê… nhằm thăm dò thị trường đồng thời xây dựng thương hiệu trái cây Việt Nam tại Anh. Giám đốc TT Meridian chia sẻ, mảng kinh doanh trái cây và nông sản Việt trong năm 2023 đem lại hiệu quả tích cực về tài chính, đồng thời giúp công ty mở rộng độ bao phủ thị trường.

Nỗ lực mở rộng thị trường

Bà Hoàng Lê Hằng, Bí thư thứ nhất, Thương vụ Việt Nam tại Anh, cho biết, xuất khẩu nông sản Việt Nam duy trì mức tăng trưởng tốt trong 3 năm qua một phần nhờ thực thi UKVFTA. Theo Hiệp định, 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả được xóa bỏ ngay. Điều này tạo lợi thế cạnh tranh cho nhiều nông phẩm Việt Nam so với sản phẩm cùng loại có xuất xứ từ những nước chưa có hiệp định thương mại tự do với Anh.

Sự năng động, tích cực của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Anh, cùng với sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đại sứ quán Việt Nam tại Anh và các hiệp hội nghề như Hiệp hội Rau quả Việt Nam, VICOFA, VASEP, HAWA… cũng góp phần duy trì thành tích xuất khẩu nông sản sang Anh.

Trong hai năm qua, Cục Xúc tiến Thương mại và Thương vụ Việt Nam tại Anh tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, hội thảo chuyên đề cập nhật thông tin thị trường Anh, hướng dẫn, kết nối doanh nghiệp, tổ chức các gian hàng giới thiệu tiềm năng xuất khẩu sản phẩm Việt Nam tại các hội chợ lớn tại Anh chuyên về nông sản, thực phẩm, như VEGFEST, Speciality & Fine Food Fair, Tuần hàng Việt Nam… thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam và các nhà nhập khẩu hàng Việt Nam tại Anh.

Thách thức ngày càng lớn

Tuy nhiên, theo bà Hoàng Lê Hằng, xuất khẩu hàng hóa nói chung và nông sản nói riêng sẽ đối mặt không ít thách thức trong năm 2024 trong bối cảnh xung đột Biển Đỏ gây trở ngại lớn đối với xuất khẩu hàng hóa sang Anh bằng đường biển khi hành trình tàu kéo dài thêm từ 10 -15 ngày và cước tàu tăng, với nhóm hàng nông sản, rau quả tươi sẽ bị ảnh hưởng trong thời gian tới.

Thêm vào đó, nhu cầu thị trường Anh giảm do kinh tế suy thoái, lạm phát cao và người dân thắt chặt chi tiêu khi chi phí sinh hoạt tăng và lo ngại tình hình kinh tế bấp bênh. Chỉ số niềm tin tiêu dùng (CCI) tại nước này liên tục ở mức âm trong những tháng gần đây.

Bưởi Diễn Hòa Bình có mặt trên các kệ tại siêu thị Vương quốc Anh. (Nguồn: TTXVN)

Ông Thái Trần đồng tình khi nói rằng, với nền kinh tế Anh đang rơi vào suy thoái sau hai quý liên tiếp tăng trưởng âm và được dự báo sẽ đi ngang trong năm 2024, nhu cầu của thị trường này về nông sản, trái cây nhiệt đới - vốn có giá bán cao hơn trái cây ôn đới - khó có khả năng tăng trưởng cao trong năm nay, trừ một số nông sản có thế mạnh như thanh long, chanh leo và vải thiều.

Việc tuân thủ các quy định của Anh và châu Âu về chống mất rừng và suy thoái rừng; yêu cầu về chứng chỉ xanh và thương mại công bằng (fair trade); xu hướng tiêu dùng sản phẩm hữu cơ và cho người ăn kiêng… cũng là những yếu tố khiến doanh nghiệp phải tăng đầu tư, kéo theo chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm tăng.

Mặc dù vậy, bà Hoàng Lê Hằng nhận định vẫn còn nhiều dư địa để Việt Nam tăng xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang Anh, quốc gia hiện nhập khẩu khoảng 40% nhu cầu lương thực-thực phẩm, trong đó có gần 12,5 tỷ Bảng rau quả; hơn 6 tỷ Bảng ngũ cốc; hơn 4,8 tỷ Bảng cà phê, trà, ca cao; gần 3,7 tỷ Bảng hải sản. Thị trường Anh với gần 68 triệu dân, thu nhập bình quân cao, nhu cầu đa dạng với cộng đồng người gốc Á hơn 5,5 triệu người là tiềm năng các nhà xuất khẩu Việt Nam có thể khai thác.

Bên cạnh đó, việc Anh gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng tạo hiệu ứng tích cực khi người tiêu dùng và các nhà phân phối quốc gia này quan tâm hơn tới sản phẩm của các nước thành viên CPTPP, trong đó có Việt Nam.

Chung tay khắc phục khó khăn

Theo bà Hoàng Lê Hằng, để duy trì tăng trường xuất khẩu nông sản sang Anh, ngoài yếu tố chất lượng và giá cả, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cần nghiên cứu, nắm bắt nhu cầu thị trường, theo đó, xu hướng tiêu dùng sản phẩm hữu cơ, thân thiện môi trường gắn với phát triển bền vững ngày càng tăng tại quốc gia châu Âu.

Các doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần liên tục cập nhật các quy định, chính sách liên quan, bà Hoàng Lê Hằng lưu ý, đồng thời dẫn quy định mới của Anh về kiểm soát biên giới đối với thực vật và sản phẩm thực vật BTOM.

Theo đó, tất cả thực vật và sản phẩm thực vật nhập khẩu vào Anh phải có chứng nhận kiểm dịch thực vật, các yêu cầu đối với giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật khác nhau tùy thuộc vào loại thực vật hoặc sản phẩm thực vật, trong khi hệ thống kiểm soát biên giới sẽ bao gồm các cơ chế SPS (vệ sinh và kiểm dịch thực vật) nhằm kiểm soát nhập khẩu không chỉ trong trồng trọt mà còn đối với một số loại thực phẩm.

Từ tháng 4/2024, hộ chiếu thực vật là yêu cầu bắt buộc đối với nhiều loại thực vật, sản phẩm thực vật tại Anh và được số hóa cho người dùng. Hệ thống hộ chiếu thực vật mới giúp các doanh nghiệp buôn bán thực vật và sản phẩm thực vật xuất khẩu dễ dàng hơn.

Giám đốc điều hành công ty TT Meridian Thái Trần cũng nhận định, cơ hội mở rộng thị trường tại Anh là lớn. Tuy nhiên, để cạnh tranh, đặc biệt trong thời đại công nghệ hiện nay, các doanh nghiệp cần liên tục nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp để tạo ra sản phẩm không chỉ ngon, chất lượng ổn định, mà còn có thời gian bán hàng trên kệ (shelf life) dài. Theo ông, dung lượng thị trường hàng nông sản Việt ở Anh tăng hay không phụ thuộc lớn vào shelf life của sản phẩm bởi các nhà phân phối sẽ không mặn mà với thời gian bán hàng trên kệ ngắn.

Mặt khác, nông sản Việt cũng phải cạnh tranh khốc liệt với hàng từ Thái Lan, Malaysia hay các nước nhiệt đới vùng Mỹ Latinh, châu Phi. Do đó, theo ông Thái Trần, các nhà sản xuất và xuất khẩu nông sản cần rất lưu ý tính cạnh tranh về giá, đặc biệt trong bối cảnh từ nửa cuối năm 2023, khủng hoảng ở Biển Đỏ khiến chi phí logistics đường biển và đường bay đều tăng cao.

Để hỗ trợ xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Anh, Giám đốc điều hành công ty TT Meridian khuyến nghị Việt Nam đàm phán để Anh dỡ bỏ yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với một số loại trái cây hoặc đối với sản phẩm của các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản uy tín của Việt Nam. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp nội địa hướng đến tính chuyên nghiệp để được vào “bảng xếp hạng” uy tín mà còn giúp giảm đáng kể chi phí nhập khẩu, đặc biệt với các lô hàng vận chuyển đường hàng không.

Vị doanh nhân này cũng đề xuất thực hiện chiến lược "Xây dựng thương hiệu nông sản Việt ở Anh" và phong trào "Người Việt ở Anh tin dùng và ủng hộ hàng Việt" nhằm nâng cao nhận thức về chất lượng, giá trị của nông sản Việt ở sở tại. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thanh Hương cho rằng, cần có những chương trình quảng bá nông sản Việt trên toàn nước Anh.