📞

UNCLOS 1982: Hiến chương về đại dương

09:43 | 24/07/2014
Tuy có những hạn chế nhất định, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 là một trong các cơ chế tài phán hiếm hoi mở ra khả năng cho các quốc gia có thể đơn phương đưa một tranh chấp ra các cơ quan tài phán quốc tế.

Điều ước quốc tế đồ sộ nhất

UNCLOS được thông qua tại phiên họp thứ 11 của Hội nghị Liên hợp quốc (LHQ) về Luật Biển lần thứ ba – hội nghị pháp điển hóa luật quốc tế dài nhất trong lịch sử, kéo dài 9 năm từ 1973 đến 1982. Đây là điều ước quốc tế đồ sộ nhất với 320 điều và 9 phụ lục, điều chỉnh hầu hết mọi khía cạnh liên quan đến đại dương và hoạt động của các quốc gia trên biển.

UNCLOS lần đầu tiên đã xác lập vùng đặc quyền kinh tế cho các quốc gia ven biển, xác định chiều rộng của các vùng biển thuộc thẩm quyền quốc gia ven biển, đồng thời xây dựng và hoàn thiện quy chế pháp lý của hầu hết các vùng biển trên thế giới. Ngoài ra, UNCLOS đã xây dựng nên một cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc. Tuy còn có những hạn chế nhất định, đây là một trong các cơ chế tài phán hiếm hoi mở ra khả năng cho các quốc gia có thể đơn phương đưa một tranh chấp ra các cơ quan tài phán quốc tế.

Bắt đầu có hiệu lực từ năm 1994 - 12 tháng sau khi có đủ 60 quốc gia phê chuẩn, đến nay, sau 20 năm có hiệu lực, Công ước có 166 thành viên, bao gồm cả Liên minh châu Âu. Sự tham gia rộng rãi của các quốc gia cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế đối với các quy định của văn bản pháp luật này.

Bên cạnh đó, đã có nhiều quy định của UNCLOS trở thành tập quán quốc tế ràng buộc tất cả các quốc gia, bất kể đó có phải là quốc gia thành viên hay không. Là văn bản pháp lý quan trọng nhất điều chỉnh quyền và nghĩa vụ của các quốc gia hoạt động trên đại dương, UNCLOS thường được nhắc đến như một bản Hiến chương về đại dương.

Tuy nhiên, cách gọi đó không có ý nghĩa làm tăng giá trị hiệu lực hoặc tính ràng buộc của UNCLOS. Trên nguyên tắc, các quy định chỉ ràng buộc các quốc gia ký kết, trừ những quy định đồng thời là quy phạm tập quán quốc tế. Từ góc độ thực tế, UNCLOS 1982 đã gần như thay thế Công ước Luật biển 1958. Còn về mặt pháp lý, điều này không phải là đương nhiên mà còn phụ thuộc vào việc các quốc gia nào ký kết cũng như phạm vi và đối tượng điều chỉnh của các công ước.

Việt Nam và UNCLOS 1982

Ngày 25/7/1994, với việc phê chuẩn của Quốc hội, Việt Nam trở thành quốc gia thứ ba ở khu vực Đông Nam Á phê chuẩn UNCLOS 1982, sau Philippines (1984) và Indonesia (1986).

Với tư cách là thành viên của UNCLOS, Việt Nam đã ban hành và điều chỉnh các quy định pháp luật trong nước để phù hợp với quy định của Công ước. Gần đây nhất, Luật biển đã được Quốc hội thông qua và bắt đầu có hiệu lực từ năm 2013. Luật biển Việt Nam quy định đầy đủ quy chế pháp lý của các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, đồng thời có các quy định khác phù hợp với UNCLOS. Trong đó Luật Biển đã khẳng định rõ ràng nguyên tắc “giải quyết các tranh chấp biển, đảo với các nước khác bằng biện pháp hòa bình phù hợp với UNCLOS 1982, pháp luật và thực tiễn quốc tế”.

Trên thực tế, Việt Nam đã tiến hành đàm phán và ký kết các hiệp định phân định biển và các thỏa thuận khác với các nước liên quan như Hiệp định phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa với Thái Lan (1997), Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc (2000), Hiệp định phân định thềm lục địa với Indonesia (2003), Thỏa thuận khai thác chung thềm lục địa chồng lấn với Malaysia (1992) hay Hiệp định về vùng nước lịch sử với Cambodia (1982). Đối với các vùng biển chưa phân định Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy quá trình đàm phán để đạt được một đường phân định công bằng. Đối với các vấn đề ở Biển Đông, Việt Nam cùng với các nước ASEAN và Trung Quốc đã ký Tuyên bố Ứng xử trên Biển Đông (DOC) năm 2002. DOC quy định cụ thể các nguyên tắc như tôn trọng luật quốc tế trong đó có UNCLOS, hợp tác xây dựng niềm tin, hòa bình giải quyết tranh chấp và tự kiềm chế.

Về vụ việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 hôm 2/5 trên Biển Đông, Việt Nam đã có phản ứng và hành động phù hợp với UNCLOS 1982 và luật quốc tế. Các tuyên bố của lãnh đạo cấp cao, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao và các đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài thể hiện rõ lập trường nhất quán của Việt Nam tuân thủ UNCLOS và áp dụng mọi biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp, bao gồm cả việc sử dụng biện pháp tư pháp được nêu ra trong Phần XV của Công ước nếu cần thiết.

Trong trường hợp có các tình huống tranh chấp như trên, việc một quốc gia thành viên không tuân thủ UNCLOS và xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia thành viên khác có thể dẫn đến việc quốc gia bị hại sẽ đơn phương kiện quốc gia vi phạm ra các cơ chế tài phán quốc tế quy định trong UNCLOS. Nếu hai bên không thoả thuận lựa chọn được một cơ chế tài phán cụ thể thì quốc gia bị hại có thể kiện ra Toà Trọng tài theo Phụ lục VII. Mặc dù có thể có những hạn chế về thẩm quyền của Toà và quốc gia vi phạm có thể từ chối không tham gia vụ kiện nhưng Toà vẫn được thành lập và sẽ yêu cầu các bên đệ trình các bản lập luận của họ. Trên cơ sở đó, Toà sẽ tiến hành xem xét lập luận và bằng chứng của các bên hoặc một bên để quyết định Toà có thẩm quyền trong vụ việc hay không. Trong trường hợp Toà quyết định có thẩm quyền, Toà sẽ xét xử và đưa ra phán quyết có giá trị ràng buộc với các bên. Như vậy, bên bị tuyên vi phạm có nghĩa vụ, theo quy định của UNCLOS và luật quốc tế, thực hiện theo phán quyết của Toà. Việc không tuân thủ phán quyết sẽ bị dư luận quốc tế lên án và có thể gây ra những ảnh hưởng đến vị thế và vai trò của quốc gia đó trên trường quốc tế, điều mà các nước đều không muốn gánh chịu.

Phạm Lan Dung & Trần Hữu Duy Minh