Hội nghị có sự tham dự của Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres, Thủ tướng nước chủ nhà Barbados kiêm Chủ tịch UNCTAD-15 Mia Amor Mottley, Tổng thống Kenya kiêm Chủ tịch UNCTAD-14 ông Uhuru Kenyatta, tân Tổng thư ký UNCTAD bà Rebeca Grynspan, Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, Cao ủy Nhân quyền LHQ Michelle Bachelet, Giám đốc điều hành UNEP bà Inger Andersen… cùng nhiều nhà lãnh đạo các nước, các Bộ trưởng, đại diện của 195 thành viên UNCTAD, đại diện các tổ chức quốc tế và các Phái đoàn đại diện thường trực các nước tại Geneva.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Hội nghị UNCTAD-15. |
Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị theo hình thức trực tuyến và Phái đoàn Việt Nam tại Geneva tham dự trực tiếp tại trụ sở Liên hợp quốc tại Geneva.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có bài phát biểu tại phiên thảo luận chung của UNCTAD-15. Bộ trưởng kêu gọi tăng cường chủ nghĩa đa phương và hợp tác quốc tế nhằm ứng phó với đại dịch, phục hồi bền vững và bao trùm hậu đại dịch, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, bảo đảm tiếp cận vaccine Covid-19 công bằng và sớm nhất, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong chia sẻ vaccine cũng như hợp tác về công nghệ sản xuất vaccine.
Tổng thư ký LHQ António Guterres mô tả Hội nghị UNCTAD-15 là “Thế vận hội của các cuộc thảo luận về thương mại, phát triển, đầu tư, chính sách và công nghệ”.
Để xây dựng lại tốt hơn hậu Covid-19, thế giới cần đảm bảo tiếp cận vaccine, một chiến lược toàn diện xoay quanh việc cải cách cấu trúc nợ quốc tế, đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục, bảo trợ xã hội toàn dân, chăm sóc sức khỏe và việc làm, đảm bảo các quy tắc thương mại mở và công bằng để kích hoạt lại động lực thương mại và đầu tư, để tất cả các nước có thể cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng bất kể vị trí của họ trên bậc thang phát triển.
Tổng thư ký António Guterres đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng một nền kinh tế xanh toàn cầu và kêu gọi các nước đưa ra những cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc (COP26) sắp tới và các nhà tài trợ cũng như các ngân hàng phát triển đa phương cần phân bổ ít nhất 50% nguồn tài chính khí hậu của họ cho các hoạt động giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tổng Giám đốc WTO Ngozi và Tổng Giám đốc WHO Tedros nhấn mạnh vai trò của thương mại đối với phát triển và phục hồi sau đại dịch, cho rằng thương mại đảm bảo chuỗi cung ứng không bị gián đoạn và vận chuyển vaccine, mở ra cơ hội kinh tế cho các nước đang phát triển và đóng vai trò quan trọng giúp các nước thích ứng với việc thay đổi mô hình cung ứng, ứng phó biến đổi khí hậu như hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo và lộ trình phát triển ít phát thải carbon cho phép vận chuyển hàng hóa và dịch vụ sáng tạo.
Toàn cảnh Hội nghị UNCTAD-15 tại đầu cầu tại trụ sở Liên hợp quốc tại Geneva. |
Tổng Giám đốc WHO Tedros nhấn mạnh rằng thương mại đóng một vai trò quan trọng; khẳng định chìa khóa để chấm dứt đại dịch là tiêm chủng vaccine cho phần lớn dân số thế giới (theo kế hoạch tiêm chủng toàn cầu nhằm đạt tiêm chủng cho 40% dân số trên toàn thế giới vào cuối năm nay và 70% trong nửa đầu năm 2022); và nêu rõ, trách nhiệm hiện đang nằm ở các nước G20 - chiếm hơn 80% GDP toàn cầu và 80% năng lực sản xuất vaccine của thế giới.
Tổng thư ký UNCTAD Grynspan nhấn mạnh, thế giới đang đứng ở một thời điểm quan trọng trong lịch sử của chủ nghĩa đa phương trong bối cảnh có nhiều thách thức phải đối mặt. Bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine và khả năng phục hồi từ đại dịch giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển đòi hỏi một hình thức đa phương mới phù hợp với tất cả các quốc gia.
Bà Grynspan cho rằng cần phải nỗ lực tạo ra một hệ thống đa phương bao trùm, hiệu quả và cải tổ UNCTAD theo hướng tăng cường tiếng nói mạnh mẽ và có ảnh hưởng của các nước đang phát triển.
Trước sự tàn phá của đại dịch Covid-19, để phục hồi từ đại dịch, các nhà lãnh đạo đều kêu gọi tăng cường khả năng tiếp cận vaccine Covid-19, đồng thời cần đoàn kết hơn nữa và hành động nhiều hơn để ứng phó với chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, tình trạng nợ cao của các nước đang phát triển, khủng hoảng khí hậu và các thách thức toàn cầu cấp bách khác.
Bên cạnh đó, các đại biểu tại Hội nghị cũng nhấn mạnh sự cần thiết chuyển đổi sang nền kinh tế số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp và đại dịch Covid-19, đồng thời cảnh báo về khoảng cách số giữa các nước giàu và nghèo, giữa nam và nữ, giữa thành thị và nông thôn. Đặc biệt, nhiều lãnh đạo các tổ chức quốc tế và các nước đang phát triển cũng kêu gọi tạm thời miễn trừ các quy tắc sở hữu trí tuệ để tạo điều kiện cho việc chuyển giao công nghệ và gia tăng sản xuất vaccine trên toàn thế giới.
Ngoài Khóa họp chính diễn ra từ ngày 3-7/10, UNCTAD-15 còn bao gồm nhiều hội nghị bên lề diễn ra trước thềm Hội nghị như Hội nghị Bộ trưởng Nhóm G77 và Trung Quốc, Hội nghị Bộ trưởng Nhóm các đảo quốc nhỏ đang phát triển, Hội nghị Bộ trưởng Nhóm các nước đang phát triển không có biển, Diễn đàn Giới và Thương mại, Diễn đàn Thanh niên, Diễn đàn các Tổ chức xã hội…
Tổng cộng, Hội nghị UNCTAD-15 có sự tham dự của 5.300 đại biểu và hơn 100 bài phát biểu của đại diện các quốc gia thành viên.
Bế mạc ngày 7/10, UNCTAD-15 thông qua Tuyên bố chính trị và Thỏa ước Bridgetown (the Bridgetown Covenant), trong đó kêu gọi giải quyết bất bình đẳng và tính dễ bị tổn thương và mang lại thịnh vượng cho tất cả mọi người, với các giải pháp chủ yếu bao gồm: Tiếp cận công bằng với vaccine và thuốc điều trị Covid-19, đề cao vai trò của hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, đa dạng hóa và hướng đến nền kinh tế tự cường, thúc đẩy tài trợ cho phát triển và ứng phó với biến đổi khí hậu, xử lý vấn đề nợ và chu chuyển tài chính bất hợp pháp,
Các tuyên bố cũng nhấn mạnh cải cách chủ nghĩa đa phương và tăng cường vai trò của UNCTAD trong xây dựng năng lực và hỗ trợ kỹ thuật cho các nước đang phát triển; thể hiện cam kết của UNCTAD và các nước thành viên trong ứng phó với các thách thức về thương mại và phát triển trong quá trình phục hồi mang tính bao trùm và bền vững từ đại dịch Covid-19.
| Miễn dịch tạo ra do mắc Covid-19 và tiêm vaccine khác nhau thế nào? Hầu hết những người đã tiêm vaccine phòng Covid-19 tạo ra sự miễn dịch hiệu quả cao hơn, tồn tại lâu hơn so với người ... |
| Việt Nam và Singapore trao đổi kinh nghiệm ứng phó Covid-19 và phục hồi kinh tế Ngày 13/9, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ hội đàm trực tuyến với Bí thư Thường trực Bộ Ngoại giao Singapore Chee Wee Kiong ... |