Nhỏ Bình thường Lớn

UNDP kiến nghị cải cách chính sách tài khóa về nhiên liệu hóa thạch

Ngày 18-6, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam, Viện quản lý kinh tế Trung ương và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức họp báo công bố tài liệu “Tăng trưởng xanh và chính sách tài khóa về nhiên liệu hóa thạch ở Việt Nam – các kiến nghị về lộ trình cải cách chính sách”. Trong đó tài liệu đưa ra khuyến nghị: “Việt Nam cần tiến dần đến dỡ bỏ trợ giá nhiên liệu hóa thạch và áp dụng định giá các bon”.

Trình bày những điểm chính tại họp báo, bà Michaela Prokop, cố vấn chính sách về kinh tế của UNDP ghi nhận cam kết của Chính phủ Việt Nam theo hướng tăng trưởng xanh, trong đó có việc tái cấu trúc ngành năng lượng. Bà Michaela Prokop cho biết: giá năng lượng của Việt Nam thấp so với các nước khác trong khu vực. Mặc dù đã có tăng giá đáng kể, giá bán lẻ trung bình không thay đổi trong giai đoạn từ năm 2008-2013, trên thực tế là thấp hơn so với thời kỳ 5 năm trước đó, khi tính theo giá cố định năm 2002 có tính đến các yếu tố lạm phát.

Tài liệu này đã phân tích các tác động của trợ giá nhiên liệu hóa thạch lên nền kinh tế, môi trường và sức khỏe của người dân. “Trợ giá dẫn tới nguồn thu của Nhà nước bị mất đi và mức nợ của các doanh nghiệp Nhà nước trong lĩnh vực năng lượng tăng lên, và người dân sẽ phải gánh nợ,” tài liệu nhấn mạnh. Trợ giá gián tiếp giao động từ 1.2 đến 4.49 tỉ đô la Mỹ mỗi năm trong giai đoạn từ 2007-2012. Tài liệu cho rằng “trợ giá mang lại nhiều lợi ích cho người giàu hơn người nghèo” và kết luận rằng “người dân Việt Nam phải trả một giá rất đắt cho trợ giá năng lượng”.

Tiến sĩ Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam, nhấn mạnh sự cần thiết phải đẩy nhanh các nỗ lực cải cách năng lượng nếu Việt Nam muốn phát triển theo hướng tăng trưởng bền vững và bao trùm hơn.

Tài liệu nêu rõ những lợi ích của việc dỡ bỏ trợ giá nhiên liệu hóa thạch và áp dụng định giá các bon, bao gồm nâng cao hiệu suất năng lượng, tăng nguồn cung năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và tăng trưởng GDP cao hơn trong trung hạn. Cải cách chính sách tài khóa nhiên liệu hóa thạch cũng đem lại tác động tích cực đối với sức khỏe của người dân đồng thời phát thải khí nhà kính gây ra biến đổi khí hậu cũng sẽ giảm.

Tài liệu thảo luận nhấn mạnh: “cải cách chính sách tài khóa nhiên liệu hóa thạch đòi hỏi phải làm nhiều việc hơn là chỉ có tăng giá”. Tự do hóa giá năng lượng trong điều kiện độc quyền và thiếu những quy định pháp lý mạnh và độc lập chỉ làm gia tăng tình trạng hiệu suất năng lượng thấp và vẫn không tháo gỡ được những rào cản chính đối với việc thu hút thêm đầu tư nước ngoài và từ khu vực tư nhân trong nước vào ngành năng lượng.

“Cải cách chính sách tài khóa nhiên liệu hóa thạch đòi hỏi phải cải cách tổng thể ngành năng lượng, bao gồm tăng cường năng lực cạnh tranh trong các thị trường năng lượng, nâng cao hiệu suất của các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực năng lượng và áp dụng mức giá minh bạch và theo định hướng giá thị trường,” tiến sĩ Mehta nói. “Cần có các biện pháp để bảo vệ người nghèo và dễ bị tổn thương cũng như các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều nhất từ những tác động ngắn hạn của việc tăng giá năng lượng”.

Đặc biệt tài liệu đưa ra các lựa chọn cải cách cụ thể cho từng vấn đề để có thể cải cách hiệu quả chính sách tài khóa nhiên liệu hóa thạch. Gần đây, Chính phủ đổi mới hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho người nghèo nhưng cần tăng cường hơn nữa và đưa vào khuôn khổ bảo trợ xã hội rộng lớn hơn. Tương tự như vậy, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần được hỗ trợ để chuyển đổi sang sản suất năng lượng hiệu suất cao hơn và các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp hiện nay cần được đẩy mạnh vì mục đích này.

Tài liệu được dựa trên các những phát hiện từ các nghiên cứu quốc tế và ở Việt Nam trong 3 năm qua. Các nghiên cứu viên từ Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ; Trung tâm Phân tích và dự báo thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội; Viện Năng lượng; Viện Tài chính; Liên minh năng lượng; Sáng kiến trợ giá toàn cầu/ Viện quốc tế về Phát triển bền vững có các nghiên cứu đóng góp cho Tài liệu tham khảo này và các báo cáo nghiên cứu của họ cũng được chia sẻ.

L. Ngọc (theo UNDP)