Nhỏ Bình thường Lớn

Chạy đua vũ trang: Hệ lụy và vai trò của ngoại giao (kỳ cuối)

TGVN. Chạy đua vũ trang là một hiện thực nghiệt ngã, chứng tỏ thách thức an ninh, cạnh tranh chiến lược, đối đầu gia tăng, thiếu lòng tin giữa các quốc gia; đe dọa hòa bình, an ninh, ổn định và môi trường của khu vực, thế giới.
Vai trò của ngoại giao trong ngăn ngừa chạy đua vũ trang: Bức tranh đa sắc màu (kỳ 1)

Vai trò của ngoại giao trong ngăn ngừa chạy đua vũ trang: Bức tranh đa sắc màu (kỳ 1)

Cuộc chạy đua vũ trang khiến cho Trái đất - ngôi nhà chung của nhân loại mong manh hơn bao giờ hết. Chỉ một tính toán chiến lược sai lầm, thậm chí một trục trặc của hệ thống chỉ huy, điều khiển là xung đột vũ trang, chiến tranh có thể xảy ra.

Nguyên nhân và thủ đoạn

Cùng với kinh tế, khoa học công nghệ, văn hóa, ngoại giao, sức mạnh quân sự là một tiêu chí quan trọng xác lập vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Một số nước lớn phát triển sức mạnh quân sự, nhất là vũ khí hạt nhân, tạo ưu thế tuyệt đối, nhằm bảo vệ vị thế siêu cường, tranh giành lợi ích chiến lược, răn đe “đánh đòn phủ đầu”, sẵn sàng sử dụng sức mạnh khuất phục, chiếm đoạt lãnh thổ, tài nguyên, buộc nước khác phải tuân theo sự “dẫn dắt”, áp đặt của mình.

Kích thích chạy đua vũ trang để bán vũ khí thu lợi nhuận khổng lồ là ý đồ của một số nước lớn, nước có nền khoa học công nghệ, công nghiệp quốc phòng phát triển. Syria trở thành chiến trường thử nghiệm, quảng cáo các loại vũ khí mới của Mỹ, Nga, Israel..., kích thích mạnh mẽ xuất nhập khẩu vũ khí trang bị quân sự, chạy đua vũ trang trong khu vực.

Lôi kéo đối phương vào cuộc chạy đua vũ trang, làm kinh tế sa sút, dẫn đến mất ổn định xã hội cũng là một thủ đoạn của nước lớn. Điều này từng diễn ra trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô trước đây. Ý đồ, chính sách, chiến lược và hành động của một số nước lớn là nguyên nhân cơ bản, quyết định, động lực của chạy đua vũ trang.

Các nước đang phát triển, chậm phát triển cũng phải chạy theo để bảo vệ độc lập, chủ quyền, hòa bình, an ninh và lợi ích quốc gia. Nhiều người lập luận: xây nhà thì phải có tường rào, lắp đặt hệ thống camera, thiết bị phòng, chữa cháy... để bảo vệ; chi phí rẻ hơn nhiều so với hậu quả nếu xảy ra xung đột vũ trang, chiến tranh.

Điều đó cần thiết, nếu tăng cường sức mạnh quân sự vừa đủ để phòng ngừa, ngăn chặn, sẵn sàng đối phó hiệu quả với các nguy cơ, thách thức an ninh. Đây là tình trạng của số đông các nước. Họ không phải là động lực thúc đẩy chạy đua vũ trang.

Chạy đua vũ trang: Hệ lụy và vai trò của ngoại giao (kỳ cuối)
Chạy đua vũ trang khiến cho Trái đất - ngôi nhà chung của nhân loại mong manh hơn bao giờ hết.

Trước xu thế chạy đua vũ trang, sự can dự, cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ-Trung Quốc và các nước lớn khác, ASEAN, nhất là các nước có tranh chấp chủ quyền biển đảo phải tăng cường sức mạnh quân sự để đối phó với các thách thức an ninh, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ ổn định nội địa.

Sự bất ổn, nội chiến, xung đột vũ trang, can dự quân sự của nước lớn ở Trung Đông, Bắc Phi buộc các nước trong khu vực tăng cường sức mạnh quân sự, điển hình như Saudi Arabia (xếp thứ 5 thế giới về ngân sách quốc phòng).

Tuy nhiên, nếu tăng cường sức mạnh quân sự quá mức cần thiết, không chỉ tổn hại kinh tế, xã hội, môi trường của nước mình mà có thể gây lo ngại cho các nước khác, vô hình trung kích thích “cuộc đua”. Triều Tiên, Iran… tăng cường sức mạnh quân sự, trong đó có các loại vũ khí chiến lược, vũ khí hủy diệt lớn, để bảo vệ quyền tồn tại, buộc Mỹ và phương Tây phải cân nhắc, tính toán khi có ý đồ gây chiến tranh.

Ý đồ, chính sách, chiến lược và hành động của một số nước lớn là nguyên nhân cơ bản, quyết định, động lực của chạy đua vũ trang.

Triều Tiên liên tiếp tiến hành các vụ thử hạt nhân còn là “con bài để mặc cả”, đòi Mỹ và phương Tây nhương bộ trong thương lượng đàm phán. Nhưng chính Triều Tiên, Iran lại bị các nước lớn, các nước trong khu vực coi là một thách thức an ninh!

Chiến lược, chính sách quốc phòng hòa bình, tự vệ

Mặc dù đứng trước nhiều thách thức, nhưng Việt Nam luôn kiên định chiến lược, chính sách quốc phòng mang tính hòa bình, tự vệ; phương châm “4 không”: Không liên minh quân sự, không liên kết với nước này chống nước kia, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam chống lại nước khác, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Việt Nam chủ trương và luôn hành động theo quan điểm giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế.

Việt Nam duy trì số lượng, cơ cấu tổ chức quân đội, nghiên cứu, cải tiến, chế tạo và mua sắm vũ khí trang bị quân sự đáp ứng yêu cầu ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ, xử lý thắng lợi các tình huống quốc phòng và sẵn sàng đánh thắng mọi hình thái chiến tranh xâm lược.

Quy mô lực lượng và vũ khí trang bị quân đội bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc nhưng không trở thành gánh nặng của nền kinh tế.

Việt Nam phản đối các hoạt động chạy đua vũ trang; cam kết thực hiện nghiêm túc các công ước, nghị định, hiệp định quốc tế liên quan đến quốc phòng đã ký kết. Là một thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc, Việt Nam phát triển quan hệ, tăng cường hợp tác quốc phòng đa phương, nỗ lực cùng các nước ngăn chặn, đẩy lùi các nguy cơ, thách thức đối với hòa bình, phát triển của thế giới, khu vực.

Nỗ lực chung đẩy lùi chạy đua vũ trang

Nguy cơ, thách thức an ninh vẫn tồn tại dưới nhiều hình thức. Còn nguy cơ, thách thức an ninh thì các nước còn phải lo phòng bị. Để cho việc tăng cường sức mạnh quân sự, bảo vệ đất nước không trở thành chạy đua vũ trang, cộng đồng các quốc gia cần nỗ lực, chung tay thực hiện đồng bộ các giải pháp chủ yếu sau:

Trước hết, cộng đồng các quốc gia, nhất là các nước lớn phải tuân thủ nguyên tắc trong Hiến chương Liên hợp quốc: không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng trong quan hệ quốc tế; giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Hai là, thực hiện nghiêm túc cam kết, trách nhiệm, nghĩa vụ trong các công ước, hiệp định, hiệp ước đã ký kết về cấm phổ biến các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt, hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (như SEANWFZ của các nước Đông Nam Á), giải trừ quân bị...; tiếp tục xây dựng các công ước, hiệp định, hiệp ước khác có hiệu lực, thiết thực.

Ba là, các quốc gia cần công khai, minh bạch về chính sách quốc phòng, ngân sách quốc phòng, hoạt động xuất, nhập khẩu vũ khí phương tiện quân sự; có sự giám sát quốc tế.

Bốn là, phát huy vai trò của Liên hợp quốc, các tổ chức khu vực, các diễn đàn an ninh trong thực thi nguyên tắc Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, các công ước, nghị định, hiệp định, hiệp ước về ngăn chặn chạy đua vũ trang dưới mọi hình thức; hoạt động gìn giữ hòa bình, ngăn ngừa xung đột, chiến tranh.

Vai trò của ngoại giao

Thiếu hay mất lòng tin giữa các quốc gia là một nhân tố thúc đẩy chạy đua vũ trang, đồng thời là nhân tố quan trọng cản trở việc ngăn chặn chạy đua vũ trang. Bốn giải pháp chủ yếu nêu trên khó thực hiện được nếu không có lòng tin, các bên không chịu ngồi lại với nhau, không hợp tác với nhau. Do đó, ngoại giao được xem như chìa khóa mở một trong những cánh cửa trên con đường nhiều rào cản.

Và đó cũng là giải pháp thứ năm, đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế đa phương và song phương, trên các lĩnh vực, trong đó có quốc phòng, an ninh.

Trong các cuộc kháng chiến của Việt Nam, cùng với đấu tranh chính trị, quân sự, ngoại giao cũng là một mặt trận quan trọng. Ngoại giao thúc đẩy đàm phán, thương lượng, ký kết các hiệp định ngừng bắn, kết thúc chiến tranh, giảm bớt tổn thất xương máu cho cả hai bên. Đó cũng là bài học có giá trị đối với thế giới và khu vực.

Thông qua các hoạt động ngoại giao, trao đổi thông tin, từng bước giải tỏa nghi kị, tạo không khí để hợp tác, xây dựng lòng tin giữa các quốc gia. Qua đó, thúc đẩy thương lượng, đàm phán xây dựng các cơ chế phòng ngừa, giám sát, tìm kiếm các biện pháp giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp, xung đột, vì lợi ích của các bên và lợi ích chung của thế giới, khu vực.

Trắc nghiệm về Ngoại giao Việt Nam - Có thể bạn chưa biết (kỳ 2)

Trắc nghiệm về Ngoại giao Việt Nam - Có thể bạn chưa biết (kỳ 2)

Mời bạn tham gia bài trắc nghiệm về Ngoại giao Việt Nam.

Ngoại giao đa phương: Mỗi thời mỗi khác nhưng luôn tỏa sáng

Ngoại giao đa phương: Mỗi thời mỗi khác nhưng luôn tỏa sáng

TGVN. Một phần sự nghiệp không nhỏ của bà Tôn Nữ Thị Ninh - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội gắn ...

Xây dựng lòng tin chiến lược – kỳ vọng và thách thức

Xây dựng lòng tin chiến lược – kỳ vọng và thách thức

TGVN. Lòng tin luôn là khởi nguồn, nền tảng vững chắc của mọi mối quan hệ giữa các quốc gia, dân tộc. Xây dựng lòng ...

Vũ Đăng Minh