📞

Ứng phó với biến động tài chính, Đức và Nhật Bản 'bắt tay' làm điều này

Minh Hằng 19:37 | 18/03/2023
Đức và Nhật Bản ngày 18/3 đã nhất trí phối hợp chặt chẽ trong ứng phó với những biến động tài chính bắt nguồn từ những vấn đề của các ngân hàng phương Tây, đồng thời theo dõi sát sao các thị trường và kinh tế toàn cầu.
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki (trái) và người đồng cấp Đức Christian Lindner. (Nguồn: AFP)

Nội dung nhất trí trên được đưa ra trong cuộc họp kéo dài 45 phút giữa Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Suzuki Shunichi và người đồng cấp Đức Christian Lindner nhân chuyến thăm của Bộ trưởng Đức tới Tokyo để tham dự các hoạt động tham vấn song phương.

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh các cổ phiếu ngân hàng trên toàn cầu lao đao sau vụ Ngân hàng Silicon Valley (Mỹ) sụp đổ và sau đó là ngân hàng Credit Suisse buộc phải vay 54 tỷ USD từ Ngân hàng trung ương Thụy Sỹ để duy trì ổn định.

Những diễn biến dồn dập đã khiến nhiều người hoài nghi về những lỗ hổng khác có thể tiềm ẩn trong hệ thống tài chính.

Các Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản và Đức gặp nhau sau khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio kích hoạt cơ chế tham vấn chính phủ đầu tiên với sự tham gia của nhiều thành viên Nội các từ cả 2 nước, để thảo luận về các cách thức đảm bảo an ninh kinh tế.

Theo một quan chức Nhật Bản, trong cuộc họp, Bộ trưởng Suzuki đã trao đổi với người đồng cấp Đức rằng các thị trường tài chính đã bắt đầu lo ngại rủi ro, đồng thời cho biết Bộ Tài chính Nhật Bản sẽ thận trọng theo dõi các diễn biến và phối hợp với ngân hàng trung ương cùng các nhà quản lý nước ngoài. Ông Suzuki cũng khẳng định hệ thống tài chính Nhật Bản nhìn chung ổn định. Hai bên nhất trí cần theo dõi sát sao các diễn biến tài chính và phối hợp khi cần thiết.

Năm 2023, Nhật Bản tiếp quản từ Đức vai trò Chủ tịch luân phiên của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).

Hai ông Suzuki và Lindner đã nhất trí nỗ lực để đạt thỏa thuận về thuế kỹ thuật số toàn cầu và đi đến triển khai thỏa thuận này, từng bước giải quyết vấn đề nợ của các nước đang phát triển phù hợp khuôn khổ của Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và hàng đầu thế giới (G20). Hai bên cũng thống nhất ý kiến cần phải củng cố các chuỗi cung ứng như một yếu tố đảm bảo an ninh kinh tế.

(theo AFP)