📞

Ung thư ở trẻ em: Không quá lo ngại nếu phát hiện sớm

10:34 | 27/08/2008
Những nghiên cứu mới đây cho biết, ung thư ở trẻ em chiếm tỷ lệ không lớn (chỉ 1-2% so với bệnh ung thư nói chung), nhưng do gia đình thường phát hiện ra khi bệnh quá muộn, khiến việc chữa trị gặp nhiều khó khăn.

Ở những nước phát triển, có đến 2/3 trẻ mắc ung thư có cơ hội được chữa khỏi bệnh nếu như bệnh này được phát hiện kịp thời. Tại Việt Nam, chúng ta chưa có thống kê chính thức về tỉ lệ trẻ tử vong do ung thư so với tổng số trẻ bị mắc, tuy nhiên, phần lớn các trường hợp được phát hiện đều ở giai đoạn khá muộn.

 

Về khách quan, việc chỉ có các bệnh viện lớn ở Trung ương mới đủ điều kiện để làm những xét nghiệm và chẩn đoán ung thư ở trẻ em ở hai trung tâm là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là một trong những lý do khiến các ca bệnh ung thư ở trẻ em thường không được phát hiện sớm. Tuy nhiên, theo Bác sỹ Trần Khánh Chương – Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh, nguyên nhân chính, là do các bậc cha mẹ thường nhầm lẫn triệu chứng bệnh lý của ung thư với các loại bệnh khác, do đó, không tìm đến các cơ sở y tế để làm xét nghiệm cần thiết. Thậm chí nhiều người vẫn quan niệm sai lầm rằng ung thư thì không thể chữa khỏi nên không hợp tác với bác sĩ trong việc điều trị cho trẻ.

Một số biện pháp phòng tránh ung thư ở trẻ (do bội nhiễm):

 

- Không hút thuốc. Giáo dục trẻ em tránh xa thuốc lá cũng như khu vực có khói thuốc lá.

- Chế độ dinh dưỡng, luyện tập hợp lý, phù hợp với lứa tuổi và đặc biệt không để trẻ thừa cân, béo phì.

- Tiêm ngừa vắc xin viêm gan B (virus viêm gan B chính là tác nhân dẫn tới ung thư gan ở trẻ em).

- Tiêm ngừa vắc xin HPV (virus u nhú là tác nhân dẫn tới ung thư tử cung ở các bé gái)

 

Trên thế giới, các nghiên cứu cho thấy có đến 65% trẻ mắc ung thư do bị đột biến gien trong thời kỳ phôi thai. Hai nguyên nhân chính gây nên tình trạng này là người mẹ nhiễm bức xạ (nhiễm các chất phóng xạ hạt nhân) và do nhiễm hóa chất trong nông nghiệp, công nghiệp. Một nguyên nhân khác làm trẻ bị ung thư là do nhiễm trùng hoặc nhiễm siêu vi khi còn là bào thai. Người ta xếp những nguyên nhân trên vào dạng ung thư bẩm sinh. Ngoài ra, trẻ còn có thể bị ung thư do tiếp xúc liên tục với khói thuốc lá trong thời gian dài (hút thuốc thụ động), chế độ dinh dưỡng, luyện tập không hợp lý, trẻ bị thừa cân, béo phì và không được tiêm chủng đầy đủ.

 

Những loại ung thư thường gặp ở trẻ em, nhất là ung thư hệ tạo huyết, bệnh bạch cầu lympho cấp, nhũn bướu não, bướu võng mạc… Đặc điểm của ung thư ở trẻ em là xuất phát từ những tế bào non, tăng sinh rất mạnh, nên diễn tiến của bệnh rất nhanh.

 

Trong một buổi tư vấn tại Trường Tiểu học Quốc tế VIP (Hà Nội) tổ chức cách đây chưa lâu với chủ đề: Tìm hiểu và phòng ngừa ung thư ở trẻ em, Bác sĩ Anselm Chi-wai Lee, chuyên gia y tế cao cấp tư vấn và điều trị ung thư nhi tại Trung tâm Ung thư Parkway (Singapore) cho biết, đối với ung thư trẻ em, điều quan trọng hơn cả, là phải phòng ngừa và phát hiện sớm.

 

Theo các chuyên gia, ngay khi nhận thấy những dấu hiệu đáng ngờ, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám để được tư vấn tới các chuyên khoa liên quan cũng như làm các xét nghiệm cụ thể (kiểm tra máu, sinh thiết tủy xương, chẩn đoán hình ảnh - X-quang, chụp CT, chụp cộng hưởng từ, chụp xương, chụp kiểm tra u thần kinh nội tiết…).

 

Với sự phát triển của khoa học công nghệ hiện nay, nếu được phát hiện sớm, có đến 2/3 các ca bệnh được chữa trị khỏi hoàn toàn mà không ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ về sau.       

Một số triệu chứng cho thấy trẻ có khả năng mắc ung thư

1.  Sốt cao kéo dài và có vết bầm, chảy máu dưới da.

2.  Trẻ xanh xao và mệt mỏi vô cớ.

3.  Có một khối u, hạch hoặc chỗ sưng bất thường.

4.  Đau một khớp xương kéo dài hoặc đi tập tễnh.

5.  Nhức đầu tăng dần, có kèm nôn ói vào buổi sáng.

6.  Mắt nhìn kém bất chợt hoặc có đốm trắng ở tròng đen mắt.

7. Trẻ sụt cân, bụng to và sờ thấy bướu.

           

Hạ Vũ