Một điều chắc chắn là Uran là nhiên liệu hiệu quả hơn nhiều các loại nhiên liệu có nguồn gốc từ hóa thạch. Năng lượng của một thỏi kích cỡ một đốt ngón tay của kim loại này tương đương với 481 khối khí đốt, 806kg than hoặc 564 lít dầu. Nhu cầu về Uran đang vượt xa nguồn cung, bởi các mỏ Uran của toàn thế giới chỉ đáp ứng nổi 62% nhu cầu. Người ta dự báo, đến năm 2015 nhu cầu về kim loại hiếm này sẽ đạt mức 264 triệu Bảng Anh so với mức 171 triệu Bảng hiện nay.
Các cường quốc kinh tế đều hướng vào Uran
Các nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới vừa mới nhận ra tầm quan trọng của Uran. Một số trung tâm nghiên cứu khẳng định rằng Uran là nguồn năng lượng duy nhất có thể đáp ứng được nhu cầu về năng lượng ngày càng tăng nhanh. Do giá dầu và các nguồn nhiên liệu hóa thạch khác tăng cao nên nhiều chính phủ đã xem xét lại vai trò chiến lược của Uran. Ngoài ra còn vì lý do an ninh năng lượng, các nước như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu và một số khu vực khác không muốn bị lệ thuộc quá nhiều vào các nguồn cung cấp thiếu ổn định như Venezuela, Nigeria, Iran và ngay cả Nga. Nếu như dầu hỏa chỉ tồn trữ được vài ba tuần thì Uran có thể cất kỹ trong kho lâu dài. Trước nguy cơ cạn kiệt dầu khí, giải pháp thay thế duy nhất là Uran. Mọi nguồn năng lượng khác như thủy điện, sức giáo, hay năng lượng sinh học đều chưa thể cùng lúc thay thế được dầu lửa và khí đốt. Vì lẽ đó, các nước sử dụng nhiều năng lượng đã quyết định xây dựng hàng loạt nhà máy điện hạt nhân mới.
Một tấn Uran có thể sản xuất được 40 gigawatt giờ điện, tương đương với đốt 16.000 tấn than hoặc 80.000 thùng dầu. Sử dụng năng lượng hạt nhân ít làm ô nhiễm môi trường và giảm thiểu được hiệu ứng nhà kính, vì theo tính toán, lượng khí nhà kính do năng lượng hạt nhân thải ra ít hơn 47 lần so với năng lượng từ khí đốt và 97 lần ít hơn so với nhà máy điện chạy than. Một lò phản ứng tiêu chuẩn có công suất 1GWh mỗi năm sử dụng hết 200 tấn Uran, trong khi khối lương khai thác hiện thời mỗi năm trên toàn thế giới là 46.000 tấn. Sự thiếu hụt vừa qua được bổ sung bằng nguồn Uran thu hồi khi hủy bỏ vũ khí hạt nhân của Nga. Tuy nhiên, nguồn này đã bắt đầu cạn kiệt.
Lợi thế của năng lượng hạt nhân còn thể hiện là năng lượng duy nhất có thể đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng cao. Năng lượng thủy điện, sức gió chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu và luôn phụ thuộc vào điều kiện thời tiết. Còn sử dụng năng lượng sinh học lại dẫn đến tình trạng thiếu đất cho nông nghiệp và đòi hỏi phải có trình độ công nghệ cao. Ngược lại, năng lượng hạt nhân có tiềm năng vô hạn. Nước Pháp sản xuất tới 78% điện năng từ các nhà máy điện hạt nhân. Còn tỷ lệ này ở Mỹ là 20%, cường quốc điện hạt nhân với 103 nhà máy điện có tổng công suất là 780.000 MWh. Trung Quốc dự tính đến năm 2020 sẽ tăng năng lượng hạt nhân lên gấp 5 lần và nếu thế thì tỷ lệ năng lượng hạt nhân ở nước này vẫn chỉ là 4%, nghĩa là không gian phát triển còn rất lớn.
Đến giữa năm 2006, thế giới có 442 nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động, 28 chiếc khác đang xây dựng, 38 chiếc nữa đã được duyệt và 115 chiếc khác đang nằm trong dự kiến. Riêng Trung Quốc có kế hoạch, mỗi năm sẽ xây mới 2 lò phản ứng có công suất 1.000 MW. Theo dự báo của World Nuclear Association, như vậy Trung Quốc sẽ tăng nhu cầu Uran từ 3 triệu Bảng Anh lên 10 triệu vào năm 2010 và 18 triệu vào năm 2020. Ấn Độ càng ngày càng thiếu điện nghiêm trọng, họ muốn đến năm 2020 sẽ đưa tiếp 33 nhà máy điện hạt nhân vào sử dụng. Còn Nga, cường quốc về nhiên liệu hóa thạch, cũng có chương trình tăng tỷ trọng năng lượng hạt nhân từ 15% lên 25% vào năm 2030, nghĩa là đến lúc đó nước này phải có thêm từ 42 đến 58 nhà máy điện hạt nhân. Ở Mỹ, Tổng thống Bush năm ngoái đã thông qua chương trình phát triển năng lượng hạt nhân nhằm đối phó với mức tăng nhu cầu năng lượng thêm 50% trong vòng 20 năm tới. Hàn Quốc sản xuất tới 40% năng lượng từ các lò phản ứng hạt nhân và dự tính tỷ lệ này sẽ tăng lên 60% vào năm 2030. Canada có kế hoạch chi 18 tỷ USD để hiện đại hóa và xây mới nhà máy điện hạt nhân.
Kiếm lợi nhuận cao từ khai thác Uran
Trước nhu cầu tăng nhanh về Uran, nhiều nước đang tính cách làm sao thu nhiều lợi nhuận từ nhiên liệu này. Có hai cách để đón đầu làn sóng bùng nổ Uran. Thứ nhất là mua trực tiếp Uran và thứ hai là mua các công ty đang khai thác Uran. Gọi là trực tiếp nhưng vẫn phải qua môi giới Nufcor Uranium, một quỹ do hãng Nufcor chuyên kinh doanh Uran sáng lập. Khả năng thứ hai là mua các hãng đang khai thác Uran.
Tuyết Mai