Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời chất vấn lĩnh vực ngoại giao chiều ngày 18/3. |
Trả lời câu hỏi của đại biểu liên quan đến hợp tác Việt Nam - Lào, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, Bộ Ngoại giao nêu rõ, với tinh thần không có giới hạn trong hợp tác đoàn kết giữa hai nước.
Về câu hỏi của đại biểu liên quan đến thúc đẩy hợp tác của các địa phương, Bộ trưởng khẳng định, trong các hoạt động luôn chú ý lồng ghép các nội dung, dự án trọng điểm của các địa phương vào các hoạt động ngoại giao. Tăng cường hoạt động xúc tiến, tổ chức hội nghị gặp gỡ, quảng bá hình ảnh của các địa phương; Hỗ trợ các địa phương phát triển chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược phát triển vùng; Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ đối ngoại tại các địa phương.
Về thúc đẩy du lịch và miễn thị thực đơn phương, Bộ trưởng khẳng định phát triển du lịch là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước, trong đó thị thực là một trong những khâu quan trọng để đẩy nhanh hợp tác Việt Nam với các quốc gia. Việt Nam cũng đã gia hạn thời gian lưu trú tại Việt Nam; tiến hành cấp visa điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập cảnh.
Bộ Ngoại giao cũng đang tổng kết thí điểm 13 nước thực hiện miễn thị thực, từ đó tham mưu Chính phủ có nên tiếp tục mở rộng thực hiện miễn thị thực hay không, và miễn thị thực đối với thị trường nào, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.
Đại biểu Lý Tiết Hạnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho biết, trong bối cảnh hiện nay, Bình Định đang tìm kiếm các đối tác từ Trung Đông, tuy nhiên đây là thị trường mới, ngoài sự nỗ lực của địa phương, sự phối hợp của Trung ương, các địa phương rất cần các thông tin, dự báo tình hình, hỗ trợ pháp lý, ban hành các chính sách mới phù hợp, trong đó có việc đào tạo đội ngũ lao động để tương thích với thị trường lao động mới…
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết các biện pháp mà Bộ Ngoại giao có thể hỗ trợ các địa phương (trong đó có tỉnh Bình Định) để tăng cường hợp tác quốc tế với Trung Đông?
Đại biểu Trần Đình Gia - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh nêu rõ, những năm qua, các đại phương có biên giới với nước bạn Lào luôn chú trọng triển khai các hoạt động đối ngoại, ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng các công trình an sinh xã hội, chuyển giao khoa học kỹ thuật… nhằm củng cố thắt chặt mối quan hệ hữu nghị với nhân dân các tỉnh nước bạn Lào dọc theo tuyến biên giới. Tuy nhiên, đại biểu nhận thấy, việc hỗ trợ này vẫn còn vướng mắc về pháp lý, nhiều tỉnh đã đề xuất với Trung ương, Chính phủ và Quốc hội nhưng đến nay chưa được tháo gỡ.
Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết tháo gỡ vấn đề này trong thời gian tới như thế nào?
Trả lời câu hỏi chất vấn, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, đối với việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược quan trọng, chúng ta đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định. Cả 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, chúng ta đều đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hoặc đối tác chiến lược. Điều này thể hiện sự quan tâm, hiểu biết, tin cậy chính trị đã cao hơn rất nhiều.
Đi kèm với tin cậy chính trị là việc tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực đối tác có thể mạnh, tranh thủ không chỉ thị trường, mà còn về lao động, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, hợp tác văn hóa… Tất cả những lĩnh vực này, chúng ta đều đã xây dựng những nội dung, nội hàm cụ thể với từng đối tác.
Về vấn đề liên quan đến công dân Việt Nam ở Campuchia, Bộ trưởng cho biết cộng đồng người Việt Nam ở Campuchia hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, địa vị pháp lý còn thấp, đời sống còn thiếu thốn. Vừa qua, các cấp có thẩm quyền đã ban hành, chỉ đạo lập Ban Chỉ đạo quốc gia để hỗ trợ, nhằm tập trung hỗ trợ cấp căn cước công dân, cho nhập quốc tịch Campuchia, phối hợp với chính phủ nước bạn để tái cơ cấu công việc cho đồng bào.
Trên tinh thần quan hệ láng giềng tốt đẹp giữa Việt Nam và Campuchia, lãnh đạo cấp cao nước ta cũng rất quan tâm đến nội dung này trong các cuộc trao đổi, tiếp xúc. Bộ Ngoại giao cũng có kế hoạch, đề án cụ thể để triển khai công tác hỗ trợ, nâng cao địa vị pháp lý và đời sống của người Việt tại Campuchia.
Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho biết, Nghị quyết 225 được Chính phủ ban hành năm 2023 về công tác đưa người Việt Nam đi làm việc nước ngoài trong tình hình mới.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân đề nghị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết Bộ Ngoại giao đã xây dựng kế hoạch, giải pháp trọng tâm như thế nào để công tác bảo hộ công dân và công tác phổ biến pháp luật cho người lao động đến với các quốc gia có tiềm năng về lao động chất lượng cao một cách hiệu quả, hạn chế được tình trạng người lao động Việt Nam vi phạm pháp luật ở nước sở tại làm ảnh hưởng đển hình ảnh, uy tín người lao động Việt Nam, cũng như chủ trương của Nhà nước ta trong công tác này?
Đại biểu Dương Minh Ánh - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội. |
Đại biểu Dương Minh Ánh - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội cho biết, hiện nay, có khoảng 70.000 người Việt Nam đã và đang sinh sống lâu dài tại Campuchia nhưng chưa được công nhận quyền công dân tại nước sở tại. Nhiều người sống khổ sở tại khu ổ chuột của Campuchia.
Với trách nhiệm của mình, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, Bộ Ngoại giao đã có những động thái gì để thúc đẩy tiến trình giải quyết công nhận quyền công dân cho người Việt Nam đang sinh sống tại Campuchia để đảm bảo quyền con người cho họ?
Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội nêu rõ, nhân dân phấn khởi và đánh giá rất cao những thành công của hoạt động đối ngoại trong những năm vừa qua. Thời gian qua, Việt Nam ký kết nâng cấp quan hệ ngoại giao lên mức đối tác chiến lược toàn diện với một số quốc gia lớn, rất lớn.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho cử tri và nhân dân biết một cách khái quát ý nghĩa của việc nâng cấp quan hệ ngoại giao như vậy trong việc nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam để đóng góp vào đảm bảo hòa bình, an ninh quốc gia và quốc tế ở một thế giới đầy biến động và phức tạp như hiện nay?
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời chất vấn lĩnh vực ngoại giao. |
Trả lời câu hỏi về quy hoạch cửa khẩu, Bộ trưởng Ngoại giao cho biết, quy hoạch và phát triển cửa khẩu kinh tế là định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, vừa đảm bảo được củng cố quốc phòng, an ninh đồng thời tạo cơ sở để phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển với các nước láng giềng.
Thời gian qua, hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền phát triển nhanh về số lượng, đa dạng về quy mô, tính chất và cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân giao lưu, thông thương hàng hóa. Trong gian đoạn mới, nâng tầm quan hệ và nâng cấp quan hệ, làm sâu sắc hơn quan hệ với nước láng giềng thì việc nâng cấp cửa khẩu, mở rộng cửa khẩu v.v là nhiệm vụ rất quan trọng không phải chỉ của các cơ quan trung ương và của các địa phương, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cho biết Bộ Ngoại giao đang phối hợp với các cơ quan liên quan ở Trung ương, phối hợp với các địa phương để khảo sát, đánh giá, triển khai theo lộ trình từng cặp cửa khẩu mới, nâng cấp sang những loại hình mới như cửa khẩu thông minh. Do đó, phải phối hợp các bộ, ngành , đồng thời trao đổi với phía đối tác, nhất là 3 nước láng giềng để thống nhất triển khai.
Về ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao khẳng định việc triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển là trọng tâm. Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành chương trình hành động về triển khai công tác ngoại giao kinh tế, vùng phát triển. Các bộ, ngành, các địa phương cũng đã cụ thể hóa xây dựng kế hoạch riêng của mình về công tác ngoại giao kinh tế. Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng đã chủ trì, chỉ đạo 3 Hội nghị về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển.
Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, trong thời gian tới, điều quan trọng nhất là khai thác được những tiềm năng hợp tác với các đối tác mà Việt Nam đã nâng tầm, nâng cấp quan hệ. Đồng thời là tạo ra những nguồn lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Hiện nay, Bộ đang phối hợp với các bộ, ngành triển khai một số việc: Thứ nhất là chỉ đạo các cơ quan đại diện tiếp tục hỗ trợ các tỉnh các doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư du lịch, quảng bá các sản phẩm thế mạnh vào khu vực Trung Đông, châu Phi, đặc biệt là khu vực vùng Vịnh. Thứ hai là tiếp tục hỗ trợ xuất khẩu các sản phẩm thế mạnh nhất là các sản phẩm đồ gỗ sang các thị trường Trung Đông, châu Phi. Kêu gọi đầu tư của các quỹ đầu tư khu vực Trung Đông vào các lĩnh vực mà họ rất quan tâm. Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục tìm kiếm, giới thiệu các Đại sứ, doanh nghiệp, các nhà đầu tư khu vực Trung Đông tiềm năng.
Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp Halal phải xây dựng được một hệ sinh thái của ngành công nghiệp Halal. Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục lồng ghép những nội dung về hợp tác Halal giữa Việt Nam với các đối tác Hồi giáo trong các tiếp xúc của lãnh đạo cấp cao. Thúc đẩy xây dựng và hoàn thiện thể chế khuôn khổ pháp lý, chính sách nhà nước và pháp luật liên quan đến chứng nhận các sản phẩm Halal tại Việt Nam và hợp tác quốc tế về ngành Halal; xây dựng các bộ tiêu chuẩn thống nhất về ngành công nghiệp Halal; tăng cường xúc tiến, quảng bá các sản phẩm Halal để hỗ trợ kết nối doanh nghiệp, các địa phương của ta với các thị trường Halal. Đồng thời, nâng cao nhận thức và thông tin tuyên truyền, quảng bá về đẩy mạnh giao lưu, tìm hiểu văn hóa.
Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre cho biết, thị trường Trung Đông, Châu Phi đang nổi lên là một trong những thị trường rất là tiềm năng của xuất khẩu Việt Nam, nhất là cho xuất khẩu các sản phẩm như: thủy sản, nông sản, trái cây. Được biết, vừa qua Bộ Ngoại giao cũng đã hỗ trợ nhiều tỉnh, thành trong khu vực tiếp cận thị trường này.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết là thông qua các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao sẽ có những giải pháp như thế nào để giúp cho các địa phương cũng như các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu nông, thủy sản, trái cây sang thị trường Trung Đông cũng như Châu Phi, đặc biệt là các cái sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn Halal?
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước cho biết, ngành Ngoại giao và đối ngoại nước ta đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, là điểm sáng và là một trong những quốc gia dẫn đầu khu vực về tham gia các khuôn khổ hợp tác kinh tế quốc tế. Đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng ngoại giao về kinh tế vẫn còn nhiều dư địa để hỗ trợ cho các địa phương nói riêng và của cả nước nói chung trong phát triển kinh tế, đối ngoại, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh, quảng bá hình ảnh và nâng cao vị thế của đất nước. Vậy giải pháp của Bộ trưởng trong thời gian tới để nâng cao chất lượng của ngoại giao kinh tế?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về việc truyền bá văn hóa Việt Nam, duy trì phát triển tiếng Việt trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài, Bộ trưởng cho biết, đây là một trong những trọng tâm của công tác ngoại giao văn hóa và công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Thời gian qua, Bộ đã tích cực xây dựng đề án, chiến lược, cụ thể hóa bằng kế hoạch công tác.
Cụ thể, Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức sự kiện ngày Việt Nam, tuần phim, ẩm thực Việt Nam để quảng bá văn hóa Việt Nam. Các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài đều có góc trưng bày sản phẩm văn hóa ở trụ sở, đặc biệt là ở phòng tiếp khách, tiếp công dân. Bộ cũng phối hợp thành lập các trung tâm văn hóa Việt Nam, nghiên cứu Việt Nam tại các trường đại học, viện nghiên cứu ở nước sở tại.
Về việc duy trì dạy tiếng Việt cho các thế hệ người Việt ở nước ngoài, đây là vấn đề Đảng, Nhà nước rất quan tâm. Bộ đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục đào tạo và các trường đại học để triển khai việc hỗ trợ các hội đoàn người Việt xây dựng các trường, lớp tiếng Việt, qua đó duy trì, phát huy được giá trị văn hóa Việt Nam. Các cơ quan đã xây dựng giáo trình dạy tiếng Việt dành riêng cho đối tượng người Việt tại nước ngoài, cung cấp sách giáo khoa, tài liệu giảng dạy cho các cơ sở giáo dục, đào tạo về tiếng Việt. Bộ Ngoại giao đã hỗ trợ hơn 70.000 các loại sách giáo khoa tiếng Việt, nhiều văn hóa phẩm tiếng Việt đi kèm để hỗ trợ việc giảng dạy tiếng Việt ở nước ngoài.
Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các hội đoàn người Việt ở nước ngoài thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức dạy tiếng Việt, vận động chính quyền các nước hỗ trợ các cơ sở giảng dạy tiếng Việt của kiều bào ta, đưa tiếng Việt vào hệ thống giáo dục sở tại phù hợp với cấp học, hỗ trợ xây dựng các cơ sở vật chất, xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả giữa Bộ Ngoại giao với Bộ Giáo dục đào tạo trong việc giảng dạy tiếng Việt ở nước ngoài.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị. |
Đại biểu Hoàng Đức Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị cho biết, hiện nay, nước ta đã miễn thị thực nhập cảnh đơn phương cho 13 nước nhằm hỗ trợ phát triển du lịch Việt Nam. Đại biểu Hoàng Đức Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị đề nghị bộ trưởng cho biết, Bộ Ngoại giao cần có giải pháp gì để các nước nói trên miễn thị thực song phương cho công dân Việt Nam trên nguyên tắc có đi có lại?
Cũng theo Đại biểu Hoàng Đức Thắng, thời gian vừa qua, còn tồn tại tình trạng bất cập, hạn chế trong công tác cán bộ ngành ngoại giao. Bộ trưởng có ý kiến gì và có biện pháp gì để ngăn chặn những tiêu cực trong nội bộ Ngành?
Đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng chất vấn Bộ trưởng Ngoại giao về tình trạng người Việt Nam vi phạm pháp luật ở nước ngoài. Theo đó, cư trú lao động bất hợp pháp vi phạm pháp luật vẫn đang xảy ra. Đây là vấn đề không mới, tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Tạo nhận thấy, số lượng này tăng lên trong những năm gần đây, gây lo ngại. Do đó, đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và giải pháp phối hợp với các nước bạn để khắc phục hạn chế dần tình trạng trên và từng bước nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Về vấn đề thẻ vàng IUU, đại biểu Nguyễn Tạo cho rằng, 7 năm qua việc khắc phục thẻ vàng vẫn chưa được gỡ bỏ, nguy cơ thẻ đỏ là sẽ bị cấm xuất khẩu hải sản sang thị trường châu Âu và việc xây dựng nền thủy sản Việt Nam sẽ thiếu bền vững trong thời gian tới. Do đó, đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp trong thời gian tới?
Đại biểu Tạ Đình Thi - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội cho biết, trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, Chính phủ giao cho Bộ Ngoại giao chủ trì xây dựng Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030, trong đó có nhiệm vụ quan trọng là chú trọng truyền bá văn hóa Việt Nam, dạy tiếng Việt cho người nước ngoài ở Việt Nam và người Việt Nam ở nước ngoài, xây dựng dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài…
Đại biểu Tạ Đình Thi đề nghị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, thời gian quan ngành ngoại giao đã thực nhiện những nhiệm vụ này như thế nào? Đại biểu đề nghị Bộ trưởng nêu cụ thể những kết quả đạt được, những vướng mắc và phương hướng trong thời gian sắp tới?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Minh Tâm, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, đưa nông lâm thủy sản ra thế giới thời gian qua được triển khai rất hiệu quả. Bộ Ngoại giao cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký kết hợp tác quảng bá, xúc tiến sản phẩm nông nghiệp Việt Nam ra thế giới. Hiện Bộ Ngoại giao cũng đang tham mưu giúp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chính phủ biết các chính sách mới về an toàn thực phẩm, chính sách về các sản phẩm liên quan đến gỗ và rừng, vấn đề gỡ thẻ vàng…
Bộ Ngoại giao cũng giao nhiệm vụ cho các đại sứ trực tiếp tham gia vào quá trình xuất khẩu những mặt hàng nông sản mới vào các thị trường xuất khẩu.
Về chất vấn liên quan đến chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, Bộ trưởng khẳng định, các quốc gia đi trước Việt Nam một bước, do vậy chúng ta cần học hỏi kinh nghiệm, tận dụng các thành quả và tăng cường hợp tác về vốn, khoa học công nghệ để chuyển đổi xanh. Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục tăng cường cung cấp thông tin cho các địa phương, doanh nghiệp về tiêu chuẩn mới, xu hướng mới, nhất là lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Tổng hợp kinh nghiệm quốc tế, tư vấn chính sách về các vấn đề địa phương quan tâm liên quan đến chuyển đổi xanh, năng lượng tái tạo; hỗ trợ các địa phương thiết lập và tăng cường mối quan hệ của các địa phương với các đối tác. Đồng thời, hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại, giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân giữa hai bên.
Về vấn đề di cư bất hợp pháp đã đặt ra vấn đề quan trọng trong việc thiết lập cơ chế xử lý khủng hoảng. Bộ Ngoại giao đã thành lập Ban chỉ đạo xử lý khủng hoảng để kịp thời xử lý vấn đề này, khi có sự cố xảy ra, có phương án phù hợp để đưa công dân Việt Nam về nước an toàn; đồng thời dự báo trước tình hình thế giới còn tiếp tục diễn biến phức tạp, cần có biện pháp ứng phó kịp thời trong thời gian tới.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cũng trả lời chất vấn của đại biểu liên quan đến các giải pháp hỗ trợ người Việt tại Campuchia, trong đó Bộ Ngoại giao đã trình Chính phủ Đề án phân giới cắm mốc biên giới, bước đầu triển khai có kết quả, giúp bà con giảm bớt khó khăn, ổn định cuộc sống.
Đại biểu Nguyễn Công Long - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai. |
Đại biểu Nguyễn Công Long - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho biết, thời gian vừa qua, việc tiến hành phân giới cắm mốc giữa Việt Nam và Campuchia đã thực hiện đạt những kết quả rất quan trọng. Tuy nhiên, kết quả của quá trình này thì cũng có một bộ phận rất lớn đồng bào ta sinh sống ở khu vực biên giới lâm vào tình cảnh hết sức khó khăn.
Đề nghị Bộ trưởng cho biết là các chính sách cũng như kết quả hỗ trợ đối với bộ phận rất lớn đồng bào ta như thế nào và kế hoạch sắp tới của Chính phủ đối với công tác này là gì?
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk cho biết, hiện nay, việc gia tăng số lượng công dân Việt Nam bị lừa đảo đi làm việc nhẹ lương cao, bị cưỡng bức lao động tại một số nước trong khu vực Đông Nam Á đã kéo theo nhiều hệ luỵ phức tạp và đặt ra nhiều thách thức trong công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết, Bộ Ngoại giao đã hoàn thiện quy trình xử lý công tác bảo hộ công dân Việt Nam khi phát sinh những vấn đề mới về sự cố khó khăn của công dân ta nước ngoài như thế nào? Đề nghị Bộ trưởng cho biết thêm, ngoài các giải pháp trong báo cáo của Bộ thì cần có những giải pháp mang tính chiến lược như nào để giải quyết căn cơ tình trạng này trong thời gian tới?
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho biết, vừa qua, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đang gặp nhiều rào cản trong việc đưa nông sản Việt Nam thâm nhập vào thị trường thế giới. Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao, những nỗ lực của Bộ trong thời gian qua mới chỉ mang tính sự vụ, khi có vụ việc mới hỗ trợ thực hiện các biện pháp bảo hộ, trợ giúp pháp lý. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ có giải pháp như thế nào để phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan hỗ trợ doanh nghiệp chủ động tìm kiếm, tra cứu thông tin để đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp?
Bên cạnh đó, Bộ trưởng có đề cập đến kinh tế xanh, kinh tế số, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết, các địa phương sẽ có những cơ hội, thách thức như thế nào để tranh thủ thời cơ mới, nhất là qua quan hệ đối tác gần gũi mà Việt Nam đã và đang chuẩn bị xây dựng? Bộ Ngoại giao có thể hỗ trợ như nào đối với các địa phương trong những mối quan hệ này?
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời chất vấn lĩnh vực ngoại giao. |
Trả lời câu hỏi chất vấn về vấn đề lừa đảo cưỡng bức lao động, Bộ trưởng Ngoại giao cho biết, đây là tình trạng diễn ra chủ yếu từ năm 2020 đến nay, là vấn đề phức tạp. Bộ đã phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị tổ chức giải cứu và đưa nhiều người về nước. Tới đây, cần tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành tăng cường tuyên truyền, cảnh báo người dân, hỗ trợ cung cấp thông tin để các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các đường dây đưa người ra nước ngoài làm việc trái pháp luật.
Bên cạnh đó, cần chủ động hợp tác với các nước trong khu vực để tìm giải pháp chung trong đấu tranh, ngăn chặn loại tội phạm này, thúc đẩy quá trình hợp tác lao động, di cư hợp pháp có tổ chức, ngăn chặn di cư bất hợp pháp. Đồng thời, tiếp tục triển khai các công tác bảo hộ công dân, hỗ trợ triển khai đưa về nước, hợp tác chặt chẽ với các nước sở tại để giải cứu công dân là nạn nhân của nạn buôn người, cưỡng bức lao động.
Về cơ sở vật chất của các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, Bộ trưởng cho biết, hiện nay, chúng ta co quan hệ ngoại giao với tất cả các nước, có 94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có 39 cơ quan đại diện đã mua được cơ sở vật chất, hoặc đi thuê. Bộ đã xây dựng đề án, chiến lược theo hướng có kế hoạch cụ thể, lâu dài để chuẩn hóa các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài.
Về vấn đề giải quyết hệ quả đối ngoại để phục vụ phát triển kinh tế, Bộ trưởng cho biết, việc nâng cấp quan hệ của ta với các đối tác, các thị trường trọng yếu là cơ hội tốt để thúc đẩy hợp tác thương mại đầu tư. Bộ sẽ tiếp tục cụ thể hóa các nội dung hợp tác, tham mưu hoạch định chính sách đối ngoại dựa trên đặc thù 6 vùng kinh tế, trên cơ sở đó cụ thể hóa thành hướng hợp tác của từng địa phương, để mối quan hệ hợp tác đạt được hiệu quả thực chất.
Đại biểu Nguyễn Quốc Luận - Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái cho biết, thời gian qua công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế ở nước ta tiếp tục được tăng cường, mở rộng. Tuy nhiên, nhiều địa phương vẫn còn đang lúng túng, đặc biệt là trong việc chủ động tham gia các Hiệp định tự do thế hệ mới.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết cụ thể các giải pháp hỗ trợ các địa phương trong vấn đề này trong thời gian tới?
Đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương đề nghị, Bộ trưởng cho biết Bộ Ngoại giao có căn cứ vào nguồn lực của nước ta và tình hình kinh tế, thị trường giá cả của mỗi nước để lập kế hoạch, đề nghị các cấp có thẩm quyền cho phép nâng cấp các Đại sứ quán của Việt Nam ở nước ngoài hay không?
Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho biết, hiện nay có tình trạng người Việt Nam, chủ yếu là giới trẻ đi lao động ở nước ngoài nhưng làm việc trong các sòng bạc lừa đảo, các cơ sở mại dâm. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết giải pháp để phát hiện, hỗ trợ người dân.
Trả lời đại biểu Lê Hữu Trí, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, việc làm sâu sắc quan hệ với các nước đối tác đã tạo ra rất nhiều cơ hội để tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học, công nghệ, giáo dục - đào tạo và giao lưu Nhân dân, du lịch v.v.Trên cơ sở tin cậy chính trị được củng cố, tăng cường, thì Bộ Ngoại giao đặt ra các trọng tâm trong ngoại giao kinh tế thời gian tới.
Thứ nhất là phải phát huy hiệu quả các khuôn khổ quan hệ đã thiết lập và nâng tầm quan hệ; qua đó xác định những trọng tâm hợp tác trong từng lĩnh vực với các đối tác và trên cơ sở đó sẽ thông tin cho các địa phương, bộ ngành để cùng nhau phối hợp triển khai để tranh thủ tốt nhất cơ hội mở ra.
Thứ hai là tăng cường công tác nghiên cứu, phát hiện và kết nối các cơ hội để làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống.
Thứ ba là đẩy mạnh thu hút nguồn lực phục vụ cho thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới là tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, hợp tác về chuyển đổi năng lượng.
Thứ tư là hỗ trợ các ngành, các lĩnh vực địa phương, doanh nghiệp có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với thực tiễn của đất nước ta; triển khai bằng các dự án hợp tác rất cụ thể.
Thứ năm là phát huy lợi thế, nâng cao hơn nữa vai trò ngoại giao trong nghiên cứu, tham mưu phục vụ cho điều hành của Chính phủ và các cơ quan của Đảng và Nhà nước ta.
Thứ sáu là tham gia đóng góp tích cực vào các cơ chế hợp tác kinh tế đa phương, duy trì được chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tại phiên chất vấn chiều ngày 18/3. |
Trả lời câu hỏi về các biện pháp đảm bảo an ninh cho công dân ta tại các nước xảy ra xung đột, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, thời gian qua, xung đột xảy ra nhiều nơi trên thế giới. Khi xung đột xảy ra thì Bộ đã phối hợp để triển khai sơ tán ngay công dân về nơi an toàn. Đến nay mọi việc được triển khai tốt. Công tác bảo hộ công dân của ta được tiến hành rất kịp thời.
Trong thời gian tới, Bộ sẽ tập trung vào vào công tác dự báo tình hình, dự đoán nguy cơ xung đột giữa các nước hoặc xung đột nội bộ để kịp thời sơ tán công dân; tiếp tục thông tin cảnh báo cho các địa phương; phối hợp chặt chẽ với các đối tác Việt Nam.
Trả lời câu hỏi của đại biểu về vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ trưởng nêu rõ di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho đất nước ta, cho dân tộc ta vượt cả tính phổ quát và vượt thời đại được nhiều nước quan tâm. UNESCO cũng đã ra vinh danh Người là Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất. Trong thời gian tới, Bộ tiếp tục triển khai các hoạt động vinh danh, tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua các hoạt động như phối hợp với các bạn xây dựng Quảng trường Hồ Chí Minh, đại lộ Hồ Chí Minh, Tượng đài Hồ Chí Minh, đặt tên đường… Đồng thời, tổ chức những buổi trao đổi về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó là các hội nghị, tọa đàm, xuất bản các tác phẩm của Bác bằng nhiều thứ tiếng, chiếu phim…
Trả lời câu hỏi của đại biểu Tráng A Dương, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, thời gian qua Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động - Thương binh Xã hội phối hợp chặt chẽ trong việc mà đưa người lao động chúng ta ra nước ngoài. Đặc biệt là vai trò của Cơ quan đại diện phối hợp với Ban Quản lý lao động. Tuy nhiên, không phải nước nào chúng ta cũng có cơ quan đại diện. Do đó, Bộ đề nghị phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý lao động đồng thời Đại sứ kiêm nhiệm phát huy vai trò ở các nước địa bàn đó cùng phối hợp với Ban quản lý lao động.
Đại biểu Tráng A Dương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cho biết, Việt Nam đã thành lập Ban quản lý lao động ở một số quốc gia, vùng lãnh thổ có đông lao động Việt Nam làm việc. Cơ quan này đã phát huy có hiệu quả vai trò, trách nhiệm của mình đối với công dân Việt Nam ở nước ngoài, nhất là trong những trường hợp giải cứu, bảo vệ công dân Việt Nam khỏi nước sở tại.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay, công tác bảo hộ công dân đối với người lao động di trú còn gặp nhiều khó khăn nhưng cơ chế của Việt Nam với các quốc gia sở tại vẫn còn là một khâu yếu, nhất là địa bàn chưa có cơ quan đại diện ngoại giao. Vì vậy, xin Bộ trưởng cho biết những giải pháp khắc phục tình trạng trên trong thời gian tới?
Đại biểu Tráng A Dương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang chất vấn chiều ngày 18/3. |
Đại biểu Lã Thanh Tân - Đoàn ĐBQH Tp. Hải Phòng đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Bộ đã triển khai các biện pháp gì để nhằm bảo hộ, bảo đảm an toàn cho công dân Việt Nam tại các địa bàn xảy ra xung đột trong thời gian vừa qua? Những khó khăn và giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới?
Thứ hai, đề nghị Bộ trưởng cho biết những điểm nhấn trong việc lan tỏa tư tưởng, phong cách đạo đức, phẩm chất tốt đẹp của người Việt Nam thông qua việc vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài? Thời gian tới, Bộ có những giải pháp nào để nâng cao hiệu quả công tác này?
Đại biểu Lê Hữu Trí - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa đề nghị Bộ trưởng cho biết trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động khó lường, quan hệ giữa nước ta với các đối tác trong khu vực thời gian tới có những thời cơ và thách thức gì?
Bộ Ngoại giao đã và sẽ tham mưu Chính phủ có các kế hoạch, chương trình hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư, du lịch với các đối tác thương mại lớn chủ chốt của Việt Nam như thế nào và hỗ trợ gì cho các địa phương trước những thời cơ và thách thức mới?
Trả lời chất vấn đại biểu Nguyễn Quang Huân, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định, đây là nhiệm vụ được Bộ Ngoại giao quan tâm, chú trọng triển khai. Bộ cũng đã ham khảo kinh nghiệm các nước về chính sách phát triển du lịch của các nước để tham mưu Chính phủ kịp thời điều chỉnh. Các cơ quan đại diện ở các nước đều có nhiệm vụ quảng bá văn hóa, giao các cơ quan đại diện hàng năm tổ chức ngày văn hóa, tuần văn hóa Việt Nam ở nước ngoài. Chủ động xây dựng kế hoạch ngoại giao văn hóa, mới đây nhất tại Nhật Bản tổ chức lễ hội phở, thu hút nhiều người quan tâm.
Bộ Ngoại giao cũng đề nghị các địa phương xây dựng các video clip của các địa phương để quảng bá hình ảnh. Đồng thời, ngay tại trụ sở các cơ quan đại diện của Việt Nam cũng được trang trí mang đậm hình ảnh đất nước con người Việt Nam.
Cùng với đó, Bộ Ngoại giao cũng tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan tạo điều kiện tốt nhất hoạt động xuất nhập cảnh, không chỉ trực tiếp mà còn tiến hành trực tuyến.
Đối với chất của đại biểu Phạm Thị Kiều về việc bảo tồn mà phát huy di sản, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, các di sản văn hóa nói riêng và danh hiệu UNESCO nói chung được cộng đồng quốc tế đã công nhận không chỉ là tài sản quý báu, phản ánh đậm nét bản sắc văn hóa của quốc gia, dân tộc Việt Nam, mà còn có giá trị toàn cầu. Do đó, việc quảng bá những hình ảnh về di sản này nhằm phát huy được sức mạnh mềm, vừa nâng cao vị thế hình ảnh của đất nước ta, dân tộc ta trên trường quốc tế, điều quan trọng hơn là đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ Ngoại giao sẽ đề xuất các chính sách để thúc đẩy thực chất, hiệu quả hợp tác giữa Việt Nam UNESCO và cũng đề nghị UNESCO hướng dẫn chúng ta và chúng tôi cũng thông tin đầy đủ đến các địa phương, khi các di sản được công nhận cần làm những việc gì để bảo tồn và phát huy giá trị di sản đó, phục vụ phát triển kinh tế xã hội một cách bền và vững lâu dài.
Cùng với đó, Bộ Ngoại giao cũng mời nhiều lãnh đạo cấp cao của UNESCO sang thăm, kết hợp tổ chức hội nghị lần đầu tiên của UNESCO về bảo tồn phát huy các di sản văn hóa.
Ngoài ra, Bộ Ngoại giao hỗ trợ các địa phương xây dựng hồ sơ đề nghị tiếp tục công nhận di sản của Việt Nam đúng mẫu mã để được xét duyệt. Đồng thời tiếp tục quảng bá giới thiệu về các di sản của Việt Nam với bạn bè thế giới như các biện pháp đã triển khai thời gian qua.
Về những vướng mắc liên quan đến thể chế, Bộ trưởng cho biết, riêng trong năm 2023, Bộ Ngoại giao đã chủ trì 104 hoạt động song phương và đa phương của lãnh đạo Đảng và Nhà nước; 504 cam kết, thỏa thuận quốc tế. Thực tế triển khai thời gian qua về cơ bản đạt được kết quả rất tốt, kể cả về thương mại, đầu tư và hợp tác trên các lĩnh vực của ta với các đối tác rất sâu sắc, nhưng mà vẫn còn có những vướng mắc. Trong đó một số vướng mắc như tiến độ triển khai các dự án hợp tác của Việt Nam còn chậm, chương trình hợp tác chưa được như kỳ vọng, chậm tiến độ. Nguyên nhân có cả khách quan và chủ quan, cả về trình độ, năng lực và thể chế, vì vậy Bộ Ngoại giao đã làm việc với các cơ quan liên quan tháo gỡ.
Về công tác bảo hộ công dân đối với thanh thiếu niên, Bộ trưởng khẳng định thời gian gần đây có rất nhiều người di cư theo lời dụụ dỗ của các nhóm khác nhau với khẩu hiệu việc nhẹ lương cao. Bộ trưởng cho biết, Bộ Ngoại giao cũng đã phối hợp cơ quan trong nước tổ chức đưa về nước an toàn và phối hợp với các đối tác ngăn chặn những trường hợp di cư bất hợp pháp. Đồng thời, thông tin, tuyên truyền, phổ biến cho các địa phương về vấn đề này.
Đại biểu Phạm Thị Kiều - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông đề nghị Bộ trưởng Ngoại giao cho biết, Bộ đã thực hiện những hoạt động gì để hỗ trợ các địa phương trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa được UNESCO, qua đó nâng tầm văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế?
Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Phạm Thị Kiều, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, chủ động, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, hiện nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 193 nước thành viên của Liên hợp quốc, có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 7 nước.
Bộ trưởng nêu rõ, trong việc thiết lập, nâng cấp quan hệ với các đối tác, chúng ta quan tâm đến các nội hàm quan trọng như: tạo dựng tin cậy chính trị cao hơn với các đối tác, từ những thế mạnh của từng đối tác để thúc đẩy khuôn khổ thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo một cách sâu sắc hơn, toàn diện hơn. Chúng ta cũng tìm ra những đột phá trong quan hệ của nước ta với đối tác, ví dụ tiêu biểu nhất là ta đã đưa ra đột phá tăng cường kết nối hạ tầng với nước bạn Trung Quốc, trong đó, các tỉnh miền bắc của ta sẽ có kết nối đường sắt liên thông với các tỉnh sâu trong nội địa Trung Quốc, kết nối với các nước Trung Á và Đông Âu.
Với Hoa Kỳ, đột phá của nước ta là hợp tác phát triển công nghiệp bán dẫn, tiếp tục củng cố hợp tác thương mại, đầu tư. Với Australia, chúng ta chọn trọng tâm là hợp tác về nông nghiệp công nghệ cao và giáo dục đào tạo. Với Nhật Bản, ngoài lĩnh vực hợp tác truyền thống, chúng ta đã thỏa thuận để khoản ODA thế hệ mới phải ưu đãi hơn, thuận tiện hơn cho việc giải ngân, hỗ trợ Việt Nam trong phát triển hạ tầng, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng.
Về vấn đề chuyên gia, trí thức kiều bào ở nước ngoài, Bộ trưởng cho biết đây là đội ngũ lớn, đóng góp lớn vào phát triển kinh tế, xã hội. Bộ đã cùng các bộ, ngành địa phương tìm các giải pháp để tổ chức mạng lưới tri thức kiều bào, vận động lập hội tri thức khoa học công nghệ; kết nối cộng đồng tri thức bằng các diễn đàn, để cộng đồng này có thể đóng góp tri thức, nguồn lực vào phát triển đất nước.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương chất vấn Bộ trưởng Ngoại giao về kết quả của việc triển khai Chiến lược ngoại giao văn hóa trong việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, thúc đẩy du lịch, phát triển kinh tế xã hội. Trong thời gian tới, Bộ trưởng có những tham mưu để tiếp tục nâng cao hiệu quả của chiến lược Bộ Ngoại giao Văn hóa?
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp đột phá để tăng cường hoạt động kết nối các mạng lưới tri thức toàn cầu người Việt Nam theo từng nhóm lĩnh vực thiết yếu và có chế độ đãi ngộ xứng đáng cho tri thức là người Việt Nam có đóng góp thiết thực cho Tổ quốc?
Đại biểu Lê Thị Song An - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An cho biết, đến nay Việt Nam đã nâng cấp quan hệ ngoại giao lên đối tác chiến lược toàn diện với nhiều quốc gia, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Điều này mở ra nhiều cơ hội và không ít thách thức để thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước và các địa phương.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp hiệu quả nào trong việc thúc đẩy quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong thời gian tới?
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời chất vấn lĩnh vực ngoại giao. |
Trả lời đại biểu Phạm Văn Hòa về công tác bảo hộ công dân, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, từ sau đại dịch Covid-19 thì giao lưu giữa Việt Nam và quốc tế được triển khai mạnh mẽ. Năm 2022 có khoảng 3,8 triệu lượt công dân của Việt Nam ra nước ngoài. Nhưng năm 2023 lên đến hơn 10 triệu lượt người ra nước ngoài lao động và học tập. Số du học sinh của ta quay trở lại học ở các nước tăng lên nhanh. Trong bối cảnh đó, xảy ra một số vi phạm pháp luật các nước ảnh hưởng đến hợp tác của nước ta với các đối tác.
Do đó, vừa qua Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo cho các bộ, ngành liên quan phải xây dựng một quy trình, quy chế để đào tạo đội ngũ lao động nước ta sang nước ngoài lao động đảm bảo vừa chấp hành tốt nội quy định của nước sở tại, đồng thời cũng là đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của nước sở tại và của quan hệ giữa hai nước.
Về các du học sinh ra nước ngoài rất đông, qua trao đổi cho thấy các nhiều du học sinh có nguyện vọng về đất nước cống hiến phục vụ nhưng cũng đặt câu hỏi trong điều kiện mà bên đó vẫn còn nhiều điều kiện để mà các em sau khi học xong ở lại làm việc, đóng góp.
Lãnh đạo cấp cao của ta cũng đã trả lời với bà con cử tri khi tiếp xúc với kiều bào cũng nói rõ là nếu các cháu học sinh thấy rằng nếu có thể phát huy được vai trò công việc của mình sau khi học xong ở nước sở tại cũng chính là góp phần đóng góp và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, những quan trọng hơn là làm cầu nối hữu nghị giữa hai nước. Đồng thời những tri thức của các bạn cũng được trau dồi được thể hiện trên thực tế. (còn tiếp)
Đại biểu Lý Thị Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cho biết, Hà Giang là địa phương tiếp giáp với Trung Quốc, trong thời gian qua, việc tập trung phát triển các cửa khẩu đã góp phần triển khai tích cực các thỏa thuận hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Đại biểu cho biết, trong năm 2023, một số cửa khẩu trên địa bàn tỉnh đã được thông quan với cửa khẩu Trung Quốc, nâng lên cửa khẩu quốc tế. Việc nâng cấp các cửa khẩu này, tỉnh Hà Giang đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Bộ Ngoại giao.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, trong thời gian tới, Bộ có giải pháp gì để tiếp tục giúp các địa phương biên giới phát huy cơ chế song phương hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc, nhất là việc nâng cấp các cửa khẩu để các địa phương phát huy lợi thế về kinh tế cửa khẩu thương mại, đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới.
Đại biểu Lưu Bá Mạc - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho biết, hiện nay, Việt Nam đã có 3 công viên địa chất toàn cầu, được UNESCO công nhận tại các địa phương, như: tại Hà Giang, Cao Bằng, Đắk Nông. Để tiếp tục góp phần nâng tầm giá trị cũng như quảng bá di sản văn hóa và tài nguyên du lịch của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, đến nay đã có một số địa phương, trong đó bao gồm tỉnh Lạng Sơn, cũng đang trong quá trình xây dựng, phát triển công viên địa chất toàn cầu.
Trong lĩnh vực ngoại giao, đại biểu Lưu Bá Mạc đề nghị Bộ trưởng cho biết đã có những giải pháp gì để đẩy mạnh công tác hỗ trợ các địa phương trong quá trình xây dựng, phát triển công viên địa chất toàn cầu, trình UNESCO công nhận, cũng như quảng bá sau khi được UNESCO công nhận. Từ đó, góp phần thu hút nhiều hơn khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam.
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp
Đại biểu Phạm Văn Hòa đặt 2 câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Ngoại giao. Thứ nhất, việc bảo hộ công dân trên các lĩnh vực ở nước ngoài sau đại dịch Covid-19 được sự đồng tình của nhân dân cả nước. Việt kiều rất cảm ơn Bộ Ngoại giao, tuy nhiên có không ít trường hợp du học sinh, giảng viên các trường đại học trong nước cử đi tu nghiệp ở nước ngoài không về nước làm ảnh hưởng đến các đối tượng khác đi học khó khăn.
Vậy trách nhiệm của Đại sứ quán, Tổng lãnh sự có biện pháp gì can thiệp trục xuất các đối tượng này về nước để lập lại kỷ cương?
Thứ hai, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có giải pháp gì để doanh nghiệp trong nước thuận lợi xuất khẩu hàng hóa và hạn chế đến mức thấp nhất bị lừa gạt hoặc tranh chấp?
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời chất vấn. |
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, các nước trên thế giới rất quan tâm và coi Việt Nam là điểm đến an toàn, với nhiều danh lam, thắng cảnh. Trong xu thế mở cửa, hội nhập sâu rộng, không chỉ các nước đến Việt Nam mà công dân Việt Nam cũng có nhu cầu đi du lịch, tìm kiếm cơ hội phát triển sản xuất kinh doanh. Vì vậy, Bộ Ngoại giao phối hợp với cơ quan chức năng đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh, gần đây nhất Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh.
Ngoài ra, hiện có 13 nước Việt Nam miễn thị thực đơn phương - đây là địa bàn du lịch trọng điểm có nhiều khách du lịch đến Việt Nam
Bộ Ngoại giao cũng đàm phán với 15 nước thực hiện miễn thị thực song phương, để tạo điều kiện hoạt động xuất nhập cảnh thông thoáng hơn. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao đang đàm phán miễn thị thực song phương đối với nhiều nước về thị thực công vụ.
Về quy hoạch biên giới và triển khai các thỏa thuận, Bộ trưởng cho biết, hiện có 25 tỉnh giáp biên giới trên bộ với các nước láng giềng, thời gian qua Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành quy hoạch tổng thể về việc nâng cấp các cửa khẩu của Việt Nam với đối tác láng giềng xung quanh, phù hợp với Luật Quy hoạch 2017 và Quy hoạch tổng thể Quốc gia thời kỳ 2021-2030 đã được Quốc hội thông qua. Những kết quả quan trọng này sẽ giúp cho việc triển khai ngoại giao kinh tế cũng như hợp tác kinh tế qua biên giới giữa Việt Nam với các nước láng giềng.
Bộ Ngoại giao xác định, việc phân định biên giới cắm mốc với các nước láng giềng là thành quả quan trọng nhất là đã bảo vệ được đường biên vững chắc, lâu dài nhưng quan trọng hơn là phải khai thác được đường biên giới hòa bình hữu nghị, cùng phát triển, cùng có lợi. Vì vậy, Bộ Ngoại giao nhanh chóng phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng các quy hoạch tất cả các cửa khẩu, phối hợp với các đối tác nâng cấp cửa khẩu để đảm bảo lưu thông hàng hóa, con người giữa các nước.
Trả lời chất vấn đại biểu về ngoại giao văn hóa, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định, chiến lược ngoại giao văn hóa giai đoạn 2021-2030 đã được Bộ Ngoại giao tham mưu Chính phủ ban hành. Đây là sự phát triển kế tiếp của chiến lược ngoại giao văn hóa giai đoạn 2011-2020; đồng thời có một số nội dung mới.
Để triển khai chiến lược ngoại giao văn hóa, Bộ trưởng cho rằng, hoạt động ngoại giao văn hóa không chỉ giúp nâng cao quảng bá được hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam ra thế giới và ngược lại qua giao lưu văn hóa cũng tiếp thu những tinh hoa văn hóa của thế giới.
Với tinh thần đó, Bộ Ngoại giao đã chủ động hợp tác phối hợp với các tổ chức quốc tế trong đó đặc biệt là Tổ chức Văn hóa, Giáo dục và Khoa học của Liên hợp quốc.
Hiện nay, trong UNESCO có 7 cơ chế quan trọng nhất, Việt Nam được bạn bè quốc tế tín nhiệm bầu vào 5 vị trí quan trọng nhất, trong đó có Ủy ban di sản thế giới. Đây là cơ chế hợp tác liên thông để chúng ta phối hợp với bạn bè quốc tế trong việc nâng cao hợp tác văn hóa.
Ở cấp độ quốc gia, hoạt động ngoại giao văn hóa cũng giúp tạo dấu ấn rất quan trọng thân thiện với bạn bè; hoạt động đối ngoại của lãnh đạo cấp cao của chúng ta thời gian qua cũng được tô đậm bởi những hoạt động ngoại giao văn hóa. Bộ trưởng cũng đánh giá rất cao trong thời gian qua các địa phương trên cả nước đều chú ý đến việc xây dựng hình ảnh thương hiệu cũng như quảng bá hình ảnh của địa phương mình trong các lễ hội, được bạn bè quốc tế đánh giá rất cao.
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông đề nghị, Bộ trưởng Ngoại giao cho biết kết quả của việc triển khai chiến lược ngoại giao văn hóa trong việc quảng bá văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nhằm thúc đẩy du lịch, phát triển kinh tế xã hội, xây dựng thương hiệu của Việt Nam nói chung và của các địa phương nói riêng?
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn, chất vấn cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1199/QĐ-TTg, ngày 14/10/2023 về phê duyệt quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc, thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đề nghị Bộ trưởng cho biết tình hình triển khai thực hiện, lộ trình và giải pháp thúc đẩy các thỏa thuận hợp tác, thu hút đầu tư trong thời gian tới để các địa phương biên giới có điều kiện mở mới, nâng cấp các cửa khẩu, phát huy hết tiềm năng, thế mạnh và lợi thế sẵn có của vùng biên giới để phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện, nâng cao đời sống của nhân dân khu vực biên giới.
Đại biểu Tạ Thị Yên - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên cho biết, trong nhiều năm trở lại đây, Việt Nam là điểm đến ưa thích của khách du lịch, đã ký kết các thỏa thuận miễn thị thực đối với một số nước nhằm thu hút du lịch… Tuy nhiên hiện mới chỉ có một số ít nước miễn thị thực cho công dân Việt Nam và việc xin thị thức cho công dân Việt Nam còn khó khăn. Do đó đề nghị Bộ trưởng cho biết vai trò của Bộ Ngoại giao trong vấn đề này và giải pháp để cải thiện tình hình, tạo điều kiện cho công dân Việt Nam khi đi ra nước ngoài và ngược lại.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu về nhóm vấn đề chất vấn
Phát biểu tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cảm ơn Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức phiên chất vấn, đây vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm khi được báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội, đồng bào cử tri cả nước về kết quả công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước nói chung, của ngành ngoại giao nói riêng.
Bộ trưởng Ngoại giao cho biết, thời gian qua, tình hình thế giới trải qua nhiều biến động, bên cạnh những thuận lợi, cũng xuất hiện nhiều khó khăn, thách thức mới gay gắt hơn trước, đặt ra nhiều nhiệm vụ mới nặng nề cho công tác đối ngoại, ngành ngoại giao. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngành ngoại giao đã phát huy mạnh mẽ bản sắc ngoại giao cây tre Việt Nam, triển khai đồng bộ, sáng tạo trên 4 trụ cột thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Ngoại giao.
Việc triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả 4 trụ cột ngoại giao đã đem lại những kết quả toàn diện, quan trọng. Ngành ngoại giao đã hỗ trợ và trực tiếp tham mưu, phối hợp với các bộ ngành tổ chức các hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao diễn ra ở khắp các châu lục và nhiều diễn đàn, cơ chế đa phương, qua đó, củng cố vững chắc cục diện đối ngoại thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ tổ quốc, tạo dựng được sự tin cậy chính trị ngày càng cao, thúc đẩy hợp tác quốc tế sâu sắc và toàn diện trên nhiều lĩnh vực.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời chất vấn lĩnh vực ngoại giao chiều ngày 18/3. |
Nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngoại giao gồm: (1) Công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài; tình trạng vi phạm pháp luật của công dân Việt Nam ở nước ngoài và của người nước ngoài tại Việt Nam; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam; (2) Thực trạng việc triển khai các thỏa thuận song phương, đa phương và giải pháp thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư; công tác hỗ trợ mở rộng thị trường hàng hóa xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tránh bị lừa đảo; (3) Hoạt động xúc tiến và quảng bá du lịch Việt Nam với thế giới và việc miễn thị thực nhập cảnh cho công dân các nước vào Việt Nam để phát triển du lịch; (4) Công tác quản lý, sắp xếp, kiện toàn, nâng cao trình độ, năng lực tổ chức bộ máy ngành ngoại giao (kể cả các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài); giải pháp tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động ngoại giao.
Trách nhiệm trả lời chính: Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Bộ trưởng các Bộ: Công an, Quốc phòng, Tư pháp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ; Tổng Thanh tra Chính phủ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Phiên Chất vấn và trả lời chất vấn được kết nối trực tuyến tại 62 điểm cầu tại các tỉnh/thành phố trong cả nước; được tường thuật trực tiếp trên Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam.
| ASEAN-Australia: Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gặp Bộ trưởng Ngoại giao Australia Penny Wong Ngày 5/3, trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao Đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Australia, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn ... |
| Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tiếp Hạ nghị sĩ, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Ngày 12/3, tại Trụ sở Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tiếp ông Komura Masahiro, Hạ nghị sĩ, Thứ trưởng Bộ ... |
| Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tiếp Đại sứ Lào tại Việt Nam Chiều 13/3, tại trụ sở Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước ... |
| Chiều nay (18/3), Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 31, chiều nay 18/3, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Phiên Chất ... |