Một hình ảnh không đẹp xảy ra ở trận đấu Khánh Hòa - Thanh Hóa khi Pape Omar của Thanh Hóa không những nhận thẻ đỏ vì đá thô bạo và tấn công đối thủ mà còn khiêu khích các CĐV Khánh Hòa khi bị đuổi khỏi sân.
Chính HLV Petrovic của Thanh Hóa đã phải ngao ngán nói rằng, ông đã nhiều lần nhắc nhở Omar nhưng không được. Ông Petrovic nhận xét cầu thủ Việt Nam rất hay mất bình tĩnh nên thay vì kiểm soát bóng và chơi bóng đồng đội một cách nhịp nhàng thì chỉ phá bóng lên cho xong nhiệm vụ.
Bao lực tại V-League đang ngày càng bùng phát mạnh - Ảnh: Gia Hưng |
Một người mới đến như ông Petrovic nhưng ngay sau 2 vòng đấu đã nhận ra rằng V-League thực sự xấu xí, các cầu thủ không biết chơi bóng mà chỉ …phá bóng. HLV người Serbia từng dẫn dắt Sao Đỏ Belgrade vô địch Cúp châu Âu 1991 đã nói lên sự thật dù mất lòng.
Bạo lực chẳng phải là điều gì mới mẻ với bóng đá Việt Nam. Thậm chí bạo lực chính là một trong những nguyên nhân khiến đội tuyển Việt Nam thất bại tại AFF Cup 2016. Suốt hành trình dự AFF Cup 2016, không ít trường hợp phạm lỗi của tuyển Việt Nam khiến dư luận ngán ngẩm. Điển hình là pha vào bóng của tiền vệ Trọng Hoàng với cầu thủ Indonesia. Rất may, tiền vệ xứ Nghệ thoát được tấm thẻ đỏ trực tiếp (chỉ bị thẻ vàng) dù theo nhận định đó là pha phạm lỗi rất nguy hiểm, mang tính triệt hạ.
Theo Tổng Thư ký VFF Lê Hoài Anh, những sai sót cá nhân liên quan đến hành vi bạo lực như trường hợp thẻ đỏ của thủ môn Nguyên Mạnh hay trung vệ Đình Luật, cộng với 8 thẻ vàng tính từ vòng bảng đến bán kết, là điều khiến dư luận không hài lòng với thầy trò HLV Nguyễn Hữu Thắng.
Bạo lực ở đội tuyển được bắt nguồn từ V-League. Chính vì thế, chỉ xử lý dứt điểm tình trạng này ở sân chơi quốc nội, mới mong ĐTQG thực sự “sạch”.
Thường trực VFF đã có chỉ đạo liên quan đến việc sửa đổi bổ sung quy định về kỷ luật theo hướng tăng nặng đối với các hành vi phạm lỗi thô bạo, hành vi gây phản cảm khi thi đấu. Các trọng tài cũng sẽ phải kiên quyết áp dụng chặt chẽ luật thi đấu khi điều hành, tạo ý thức chấp hành luật đối với cầu thủ.
Theo đó, có 19 điều luật được thay đổi để thắt chặt kỷ luật. BTC cam kết sẽ trừng phạt nặng những hành vi phi thể thao. Những hành vi gây tổn hại đến sức khỏe của đối thủ trước đây bị phạt 10-15 triệu đồng sẽ được tăng lên từ 40-50 triệu đồng. Bên cạnh đó, cầu thủ vi phạm bị treo giò 3-5 hoặc 8 trận thậm chí lên đến 24 tháng nếu gây ra chấn thương nặng.
Dù kiên quyết xử lý bạo lực theo cách tăng nặng các án phạt, nhưng dường như đây chỉ là cách làm mang tính đối phó, chưa giải quyết được cái gốc của vấn đề. Vấn đề giáo dục cầu thủ, không bao che cho các hành vi vi phạm ở các đội bóng đang gần như không được quan tâm đúng mức.
Vấn đề bạo lực ở V-League cũng giống như tắc đường, kẹt xe ở các thành phố lớn. Chỉ dựa vào các án phạt nặng là chưa đủ, mà cần có ý thức của người tham gia giao thông, mà muốn có ý thức chẳng còn cách nào khác là phải giáo dục thường xuyên.