📞

Vai trò của nữ đại biểu Quốc hội trong sự phát triển của Việt Nam

Lê An 17:08 | 05/02/2021
TGVN. Nghiên cứu mới nhất do Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội (USSH), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam và các đối tác đồng thực hiện đã khẳng định vai trò quan trọng của nữ đại biểu Quốc hội trong sự phát triển của Việt Nam giai đoạn 2016-2021.

Với sự tài trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT), Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam và UNDP Việt Nam, trong khuôn khổ chương trình Chỉ số hiệu quả Quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), kết quả nghiên cứu đã kịp thời cung cấp dẫn chứng thực tiễn về đóng góp của phụ nữ trong sự phát triển kinh tế, xã hội và chính trị của đất nước suốt 5 năm qua.

Đây cũng là cơ sở quan trọng để cử tri và xã hội tin tưởng hơn vào các ứng cử viên nữ trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp năm 2021.

Bà Caitlin Wiesen, Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam. (Nguồn: UNDP)

Khẳng định tiếng nói của nữ giới trong Quốc hội

Ông Robin Bednall, Quyền tham tán kinh tế và hợp tác phát triển, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, cho biết: “Trong năm 2020, phụ nữ trên khắp thế giới đã gánh vác rất nhiều việc quan trọng và cấp thiết do tác động của đại dịch Covid-19. Vì vậy, nghiên cứu công bố hôm nay về năng lực, đóng góp, vị thế và tiếng nói của phụ nữ vô cùng kịp thời”.

Quốc hội khóa XIV (2016-2021) là nhiệm kỳ đầu tiên Việt Nam có nữ chủ tịch Quốc hội và 26,7% đại biểu là nữ. Theo báo cáo Phát triển con người năm 2020 của UNDP, Việt Nam đứng thứ 65 trên 162 Quốc gia và nằm trong nhóm 1/3 các nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội.

Nghiên cứu “Vai trò của nữ đại biểu Quốc hội trong sự phát triển của Việt Nam giai đoạn 2016-2021” cho thấy, nam đại biểu Quốc hội chủ động hơn trong việc tiếp xúc với cử tri, song nữ đại biểu Quốc hội tiếp xúc với cư tri qua mạng xã hội thường xuyên hơn nam đại biểu.

Trong kế hoạch hành động, nữ đại biểu quan tâm hơn tới các lĩnh vực về giáo dục và đào tạo; y tế; văn hoá, thể thao và du lịch; dân tộc; lao động thương binh và xã hội; tôn giáo và tín ngưỡng hơn so với nam đại biểu. Không có sự khác biệt đáng kể giữa nam và nữ đại biểu về thời gian dành cho các hoạt động với tư cách đại biểu Quốc hội, cũng như trong việc giải quyết các đơn thư khiếu nại, kiến nghị của cử tri.

Về phẩm chất và năng lực thực hiện nhiệm vụ, tỷ lệ nữ đại biểu coi trọng phẩm chất “phát ngôn đúng mực” và “có khả năng thuyết phục” cao hơn so với nam đại biểu. Lợi ích của cử tri tại địa phương họ ứng cử là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến quyết định của cả nam và nữ đại biểu Quốc hội khi đại biểu tham gia ý kiến về một vấn đề cụ thể.

Đồng thời, nguyện vọng của cử tri là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến việc thực hiện nhiệm vụ của cả nam và nữ đại biểu Quốc hội. Họ đồng tình cho rằng, nữ đại biểu thực hiện nhiệm vụ tốt hơn trong các vực giáo dục, y tế, lao động và việc làm.

Thúc đẩy quyền bình đẳng

Theo bà Elisa Cavacece, Phó Đại sứ, kiêm Tham tán phát triển, Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam, chỉ số PAPI là một công cụ hữu hiệu giúp Chính phủ Việt Nam nắm bắt được ý kiến phản hồi của người dân về việc chính sách và dịch vụ công được thực hiện như thế nào và người dân hưởng lợi ra sao.

“Buổi chia sẻ kết quả bước đầu của nghiên cứu hôm nay là một diễn đàn hữu ích cho Đại sứ quán Ireland chung tay và đồng hành trong hành trình thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Đây là những vấn đề ưu tiên của Đại sứ quán Ireland trong mối quan hệ đối tác với Chính phủ Việt Nam, các tổ chức đa phương và xã hội dân sự”, bà Elisa Cavacece chia sẻ.

Nghiên cứu khuyến nghị đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Trung ương 7 (Khóa XII), đó là đến năm 2030 phải có cán bộ nữ trong cơ cấu ban thường vụ cấp ủy và tổ chức đảng các cấp. Cụ thể, cấp ủy viên các cấp phải đạt từ 20 - 25% là nữ. Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp đạt trên 35% là nữ.

Cũng theo Giáo sư Phạm Quang Minh (USSH), Trưởng nhóm nghiên cứu, “Hầu hết các đại biểu được phỏng vấn cho rằng, sẽ có lúc số nữ đại biểu Quốc hội và nam đại biểu Quốc hội là ngang nhau. Điều quan trọng là cần chung tay để tạo môi trường cho nữ đại biểu Quốc hội phát huy tiềm năng của họ”.

Đại biểu tham dự buổi giới thiệu về nghiên cứu. (Nguồn: UNDP)

Nghiên cứu cũng đưa ra khuyến nghị cần tạo điều kiện thuận lợi để đại biểu Quốc hội tăng cường tiếp xúc, đối thoại với cử tri qua nhiều kênh, tận dụng ứng dụng truyền thông xã hội; đồng thời tạo mọi cơ hội cho nữ đại biểu Quốc hội tham gia vào tất cả các lĩnh vực thông qua việc thúc đẩy cân bằng giới trong các Uỷ ban của Quốc hội.

Bà Caitlin Wiesen, Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, nhấn mạnh, tỉ lệ phụ nữ ngang bằng trong các vị trí lãnh đạo và ra quyết định ở tất cả các cấp, trong khu vực công cũng như khu vực tư, có có ý nghĩa rất quan trọng đối với tầm nhìn phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam, đồng thời đóng vai trò then chốt trong việc đảm bảo cơ hội phát triển bình đẳng, không để ai bị bỏ lại phía sau.

“UNDP mong tiếp tục hợp tác với các đối tác phát triển và Quốc hội Việt Nam trong nỗ lực thu hẹp khoảng cách giới - cả về lượng và về chất – để không chỉ có thêm phụ nữ giữ trọng trách trong các cơ quan dân cử, mà còn hỗ trợ họ thực hiện nhiệm vụ hiệu quả khi họ được bầu”, bà Caitlin Wiesen nói.