Những vấn đề “cân não” của châu lục này sẽ được bàn thảo kỹ lưỡng trong Hội nghị Thượng đỉnh AU lần thứ 29, diễn ra tại thủ đô Addis Ababa (Ethiopia), từ ngày 27/6 - 4/7. Ngày 3 và 4/7, các nguyên thủ quốc gia châu Phi và đại diện đến từ Liên hợp quốc (LHQ), Liên minh châu Âu (EU) cùng Mỹ và Trung Quốc cũng sẽ có cuộc họp, nhằm tìm ra hướng đi mới cho khu vực còn nhiều bất ổn này.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm khi tham dự Hội nghị Thượng đỉnh AU lần thứ 27 diễn ra tại Kigali, Rwanda tháng 6/2016 . |
Dự kiến các vấn đề chiến lược sẽ được đưa ra trong chương trình nghị sự của Hội nghị lần này sẽ bao gồm việc đào tạo thế hệ trẻ, cải cách và hoàn thiện bộ máy AU, lập lại hòa bình và tài trợ phát triển cho các khu vực còn bất ổn, cũng như xây dựng chương trình nghị sự đến năm 2063 và kế hoạch hành động trong 10 năm tới...
Trong số đó, vấn đề an ninh và tài trợ được giới quan sát đánh giá là hai vấn đề then chốt. Mặc dù đã đạt được một số tiến bộ kể từ sau hội nghị lần thứ 28 được tổ chức hồi tháng Một vừa qua, các hoạt động của AU cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ khi nguồn tài trợ đến từ các đối tác quốc tế như EU và Mỹ bị cắt giảm.
Trong khi đó, cuộc chiến chống lại lực lượng khủng bố tại nhiều nước Trung Phi vẫn gặp nhiều khó khăn. Đơn cử như tại Somalia, tuy đã giành lại được một số khu vực từ tay phiến quân al-Shabaab, song phe Chính phủ vẫn chưa thể kiểm soát hoàn toàn những khu vực này. Meressa Kahsu, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu an ninh châu Phi (ISS Africa) cho rằng tại hội nghị lần này, AU nên làm việc chặt chẽ với các đối tác để xây dựng bộ máy quản lý hiệu quả cho các khu vực đã được thu hồi từ tay khủng bố, đồng thời cung cấp các dịch vụ công, mang tới nhiều lợi ích cho người dân.
Bên cạnh đó, AU cũng cần tích cực phối hợp với các quốc gia và tổ chức liên quan để giải quyết làn sóng người tị nạn đang trở nên khó kiểm soát. Theo thống kê của LHQ trong năm 2016, có tới 65,5 triệu người phải rời khỏi quê hương, con số lớn nhất kể từ sau khi Cao ủy LHQ về Người tị nạn (UNHCR) được thành lập sau Chiến tranh thế giới thứ Hai.
Cuối cùng, AU cần tập trung giải quyết dứt điểm cuộc khủng hoảng chính trị ở Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC), nơi đang chịu hậu quả từ việc trì hoãn bầu cử. Trong khi đó, tại Nam Sudan, thỏa thuận hòa bình năm 2015 vẫn chưa được thực thi, còn việc triển khai lực lượng theo nghị quyết của LHQ để bảo vệ thường dân trước nguy cơ diệt chủng lại chưa có nhiều tiến triển. Hội nghị Thượng đỉnh lần này cũng phải đối mặt với hàng loạt cuộc khủng hoảng khác đang bùng phát ở Libya, Burundi, Sudan, Guinea-Bissau và Cộng hòa Trung Phi.
Với những khó khăn như vậy, nhiều người kỳ vọng cuộc gặp gỡ của lãnh đạo và các quan chức châu Phi sẽ mang lại những thay đổi tích cực đến với khu vực còn nhiều bất ổn này. Tuy nhiên, câu hỏi then chốt đang đặt ra hiện nay là liệu các vị nguyên thủ tại Hội nghị AU lần này sẽ trang bị cho Hội đồng An ninh và Hòa bình (PSC) cùng Ủy ban AU những gì để triển khai các hành động cụ thể, nhằm giảm thiểu những xung đột đang ngày càng gia tăng tại châu lục?