Đại diện Anh, EU và Iran trong một cuộc đàm phán ở Vienna, Áo. Cuộc đàm phán hạt nhân Iran mới nhất đã được tạm hoãn, đại diện các quốc gia tham dự sẽ trở về nước để tham vấn. (Nguồn: Shutterstock) |
Phát biểu với các phóng viên, ông Mora cho hay, đại diện của các quốc gia tham gia đàm phán đã trở về nước tham vấn nhưng không nói khi nào cuộc đàm phán sẽ được nối lại. Đặc phái viên Nga cũng nói rằng, không ai biết khi nào sẽ trở lại đàm phán.
Mặc dù vậy, ông Mora khẳng định, cuộc đàm phán đã đạt tiến triển và những người tham gia sẽ có ý tưởng rõ ràng hơn về cách đạt được một thỏa thuận khi họ quay trở lại.
Nhận định tương tự ông Mora, nhà đàm phán hạt nhân hàng đầu của Iran Abbas Araqchi cho biết, nước này và 6 cường quốc trên thế giới đã tiến gần hơn tới việc khôi phục JCPOA, tuy nhiên, vẫn tồn tại sự bất đồng và việc thu hẹp bất đồng để đạt được đồng thuận không phải là việc dễ dàng.
Trong khi đó, Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan cho rằng, "khoảng cách tương đối" còn tồn tại trong một số vấn đề chủ chốt, trong đó có "các biện pháp trừng phạt và các cam kết hạt nhân" và quyết định cuối cùng về vấn đề này nằm ở phía nhà lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei.
Cũng theo ông Sullivan, câu hỏi về việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nào đối với Iran vẫn đang được thảo luận.
Trong một diễn biến khác, cùng ngày, trang tin Ynet cho biết, Thủ tướng Israel Naftali Bennett đã gọi việc ông Ebrahim Raisi đắc cử Tổng thống Iran là "hồi chuông cảnh tỉnh cuối cùng" đối với thế giới.
Phát biểu trước nội các Israel, Thủ tướng Bennett nói rằng, sau khi ông Raisi - một thẩm phán có quan điểm cứng rắn đang nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ do những hành vi lạm dụng nhân quyền - đắc cử Tổng thống, các cường quốc trên thế giới cần xem xét lại các cuộc đàm phán về một thỏa thuận hạt nhân Iran mới.
Tuy nhiên, Đại diện cấp cao của EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell đánh giá, Tehran và các cường quốc thế giới vẫn có thể đạt được một thỏa thuận nhằm khôi phục JCPOA, sau khi ông Ebrahim Raisi đắc cử.
Theo ông Borrell, các bên liên quan đang tới “rất gần” một thỏa thuận và có thể khiến khu vực Trung Đông trở nền an toàn hơn, đồng thời giảm bớt những khó khăn mà hàng triệu người dân Iran đang phải gánh chịu từ các biện pháp trừng phạt dầu mỏ và tài chính mà Mỹ tái áp đặt kể từ khi rời khỏi JCPOA 3 năm trước đây.