📞

Vấn đề Tây Sahara: Quốc hội Mỹ tỏ rõ thái độ, Tây Ban Nha thay đổi lập trường, ủng hộ Morocco

Bảo hà 10:40 | 19/03/2022
Ngày 18/3, Chủ tịch Thượng viện tạm quyền của Mỹ, Thượng nghị sĩ Patrick Leahy khẳng định, Quốc hội nước này từ chối công nhận chủ quyền của Morocco đối với Tây Sahara.
Khu vực tranh chấp Tây Sahara, thuộc khu vực Bắc Phi, có dân số 550.000 người (2018) và diện tích 226.000 km2. (Nguồn: South World)

Theo đó, Mỹ đưa ra dự luật, trong đó khoản viện trợ dành cho Tây Sahara riêng biệt với khoản viện trợ dành cho Morocco, như một phần của Sáng kiến Đối tác của Mỹ ở Trung Đông (MEPI).

Thượng nghị sĩ Leahy cho biết, dự luật nói trên nhấn mạnh sự đồng thuận của Quốc hội Mỹ và Liên hợp quốc (LHQ) đối với việc không công nhận chủ quyền của Morocco đối với Tây Sahara.

Tuyên bố cũng đề cập việc Mỹ tiếp tục ủng hộ tiến trình do LHQ lãnh đạo, có khả năng đạt được một giải pháp chính trị công bằng, lâu dài và có thể chấp nhận được cho cả Morocco và Mặt trận Polisario - phong trào đấu tranh giành độc lập ở Tây Sahara - phù hợp với các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an LHQ.

Khu vực Tây Sahara thuộc khu vực Bắc Phi, có dân số 550.000 người (2018) và diện tích 226.000 km2. Tây Sahara từng là thuộc địa của Tây Ban Nha cho đến năm 1975 và được phân chia giữa Morocco và Cộng hòa Hồi giáo Mauritania vào cuối thời kỳ thuộc địa hồi năm 1976.

Khi Mauritania từ bỏ tất cả các yêu sách đối với phần lãnh thổ của nước này tại khu vực trên vào tháng 8/1979, Morocco tuyên bố quyền kiểm soát hành chính đối với toàn bộ lãnh thổ Tây Sahara.

Sau đó, giao tranh đã nổ ra giữa Morocco và Mặt trận Polisario - phong trao đòi hỏi thành lập một quốc gia có chủ quyền.

Hai bên đã ký một lệnh ngừng bắn vào năm 1991. Phái bộ của LHQ đã được triển khai trong cùng năm để giám sát việc ngừng bắn và tổ chức (nếu có thể) một cuộc trưng cầu ý dân về quyền tự quyết của người dân Tây Sahara.

Đến nay, Morocco đang kiểm soát 80% lãnh thổ Tây Sahara và Mặt trận Polisario kiểm soát 20%.

Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, Tây Ban Nha tuyên bố một "giai đoạn mới" trong quan hệ căng thẳng với Morocco sau khi quốc gia châu Âu này thay đổi quan điểm và ủng hộ kế hoạch tự trị của Rabat đối với lãnh thổ Tây Sahara.

Ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Manuel Albares cho biết, đề xuất năm 2007 của chính quyền Rabat về việc trao quyền tự trị cho Tây Sahara là biện pháp nghiêm túc, thực tế và đáng tin cậy nhất để chấm dứt tranh chấp kéo dài hàng thập kỷ về vùng lãnh thổ rộng lớn này.

Cho đến nay, Tây Ban Nha đã cố gắng tỏ ra trung lập về vấn đề Tây Sahara. Tuy nhiên, đến nay, theo ông Albares, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã nói với Nhà vua Morocco rằng, Madrid ủng hộ kế hoạch tự trị cho Tây Sahara.

Trong một tuyên bố, chính phủ Tây Ban Nha cho biết, một "giai đoạn mới" trong quan hệ giữa nước này với Morocco đã mở ra dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và Thủ tướng Sanchez sẽ thăm Morocco như một phần của việc nối lại quan hệ.

(theo AP, Entv)