📞

Vận động cơ thể - bí quyết vàng giúp gan khỏe mạnh

08:46 | 17/03/2017
Sự kết hợp của các loại hình thể dục có ảnh hưởng rất lớn đến chức năng gan, không những giúp gan khỏe mạnh mà còn nhanh hồi phục khi bị tổn thương.

Vận động thường xuyên giúp gan phục hồi nhanh chóng

Theo tổ chức Hepatitis B Foundation, gan của bạn hoạt động tương tự như động cơ trong xe hơi, tức là nó đảm bảo cả quá trình hoạt động của các bộ phận khác. Không những thế, hàng ngày, gan phải thực hiện quá trình tiêu hóa, xử lý và thải lọc các chất độc trong máu để đưa ra ngoài cơ thể. Thế nhưng, đồ ăn thức uống chúng ta ăn, bầu không khí chúng ta thở đều có thể chứa những chất độc làm hại gan.

Khi gan bị tổn thương, bạn có thể thấy những dấu hiệu lạ xuất hiện, bao gồm: Nước tiểu đậm hoặc phân màu nhạt; Chán ăn; Đầy bụng; Mệt mỏi; Mắt và da chuyển sang màu vàng... Nếu bạn là người uống nhiều rượu, bia thừa cân, mắc bệnh tiểu đường, huyết áp cao hoặc có tiền sử bệnh gan thì nguy cơ mắc các bệnh về gan càng cao hơn. Chính vì vậy, chăm sóc gan là điều vô cùng cần thiết.

Tiến sĩ Melissa Palmer, tác giả và chuyên gia về bệnh gan cho rằng, sự kết hợp của các loại hình thể dục có ảnh hưởng rất lớn đến chức năng gan.

Tập thể dục thường xuyên giúp khí huyết lưu thông, kiểm soát tâm trạng, giảm căng thẳng và đốt cháy calo... Những hiệu quả này kết hợp với nhau không những làm cho người tập luôn cảm thấy phấn khích, tràn đầy năng lượng, tăng cường hệ thống miễn dịch - yếu tố quan trọng trong "cuộc chiến" chống bệnh gan.

Thông qua việc nâng cao hiệu quả lưu thông máu, tập thể dục tăng cường mức năng lượng, giảm thiểu những mệt mỏi - triệu chứng phổ biến và khó chịu nhất của bệnh gan. Không những thế, tập thể dục làm giảm tổng mỡ cơ thể. Khi tổng lượng mỡ trong cơ thể giảm, hàm lượng chất béo trong gan đồng thời giảm đi, thường dẫn đến giảm đáng kể triệu chứng men gan tăng cao.

Hơn nữa, tác dụng đốt cháy calo trong quá trình tập sẽ giúp người tập giảm cân, từ đó kiểm soát tốt hơn một số hội chứng chuyển hóa, tiểu đường, trầm cảm - các tác nhân làm cho bệnh gan trầm trọng thêm.

Những bài tập vận động tốt cho gan

Hãy kiên trì luyện tập thể thao mỗi ngày 30 phút, duy trì 5 buổi/tuần sẽ có tác dụng rất tốt trong việc khống chế các bệnh về gan, đặc biệt là bệnh gan nhiễm mỡ.

Người bị bệnh gan nói chung hay gan nhiễm mỡ nói riêng nên chọn cả thể dục nhịp điệu (vận động nhẹ nhàng) và thể dục thể lực (vận động mạnh) bởi mỗi loại hình vận động có vai trò và tác dụng khác nhau đối với bệnh gan. Cả hai loại hình thể dục này đều cải thiện chức năng gan theo nhiều cách.

- Thể dục nhịp điệu (Tập aerobic): Tập aerobic tập trung vào hệ thống tim mạch của bạn và có ảnh hưởng đến sự oxy hóa máu. Theo Trung tâm y tế MayoClinic, các bài thể dục nhịp điệu liên quan đến các hoạt động lặp đi lặp lại, vận động cơ lớn làm tăng nhịp tim và thay đổi mô hình thở, tăng lượng oxy mà bạn nhận vào và đẩy nhanh việc cung cấp oxy tới các cơ quan quan trọng của cơ thể, ví dụ như gan.

Không những thế, thể dục nhịp điệu còn không đòi hỏi phải vận động quá mạnh nên không tốn nhiều sức lực. Điều này có lợi ích rất đáng kể trong việc giúp gan thực hiện chức năng thải lọc tốt hơn, từ đó làm giảm sự mệt mỏi hàng ngày cho người bệnh.

- Thể dục thể lực: Đối với các bài tập thể lực liên quan đến vận động mạnh như chạy marathon, chống đẩy, đẩy tạ... người tập sẽ tốn nhiều công sức và phải vận dụng toàn bộ cơ thể nhiều hơn. Nhưng bù lại nó nâng cao sức mạnh tổng thể ở cả xương và cơ. Duy trì độ bền của xương cũng như sức mạnh cơ bắp là đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ, vì bệnh gan thường làm cho xương trở nên nhạy cảm, dễ dẫn đến loãng xương. Ngoài ra, tập luyện thể lực làm giảm mỡ cơ thể, giảm nguy cơ dẫn đến gan nhiễm mỡ và gây ra tình trạng bệnh lý gọi là viêm gan nhiễm mỡ không do rượu.

Tập thể dục còn tăng khối lượng cơ thể và có ảnh hưởng đến sự trao đổi chất, từ đó có thể tích lũy được nguồn năng lượng đáng kể và dễ dàng đối phó trong trường hợp bệnh gan phát triển.

 

Nếu bạn đang bị bệnh gan, hãy lắng nghe cơ thể khi tham gia bất kì loại hình vận động nào. Mệt mỏi là một triệu chứng phổ biến của bệnh gan, vậy nên, hãy dựa vào sức khỏe của mình để chọn bài tập phù hợp. Nếu không muốn tham gia các bài tập nặng nhọc, bạn có thể duy trì thói quen vận động với các hình thức đơn giản hơn như đi bộ, đi cầu thang bộ, chạy bộ...

Tiến sĩ Melissa Palmer đã đề xuất một chương trình tập thể dục bao gồm các bài tập hiếu khí như đi bộ ngoài trời hoặc trên máy chạy bộ, đi xe đạp và bơi lội... Tần suất và thời lượng có thể tăng dần sau khi đã quen, ban đầu có thể tập thể dục 3 lần/tuần, mỗi lần 10-20 phút, sau đó tăng lên 5 lần/tuần...

Điều quan trọng là bạn phải đảm bảo cơ thể được bổ sung đủ nước trong khi tập thể dục, đặc biệt nếu bạn bị viêm gan loại B hoặc C hoặc đang dùng thuốc theo toa. Cung cấp nước cho cơ thể cũng là giữ cho gan không bị mất nước để giảm sự căng thẳng trong gan.

(theo Dân trí)