Hạ tầng giao thông là một thách thức lớn đối với Việt Nam. |
Theo các đại biểu, Việt Nam đang phải đối mặt với ba thách thức lớn là hạ tầng giao thông, năng lượng (năng lượng truyền thống, năng lượng tái tạo, Tiết kiệm năng lượng) và môi trường (nước, nước thải, chất thải rắn) - những lĩnh vực cần nguồn đầu tư rất lớn.
Mong muốn hỗ trợ
Đại sứ Tây Ban Nha tại Việt Nam Fernando Curcio cho biết: “Chúng tôi đã có 8 lĩnh vực có thể hợp tác, trong đó có hai sự kiện thuộc kinh tế: dự án tài trợ cho Metrro tại TP. Hồ Chí Minh và chương trình hợp tác tài chính FCT4 cho hạ tầng, nước và năng lượng. Mong muốn của chúng tôi là hỗ trợ cho Việt Nam trở thành nước phát triển công nghiệp hoá vì cách đây 20 năm tình hình Tây Ban Nha cũng giống như Việt Nam hiện nay”.
“Chương trình hành động chung giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Tây Ban Nha” trước đó đã xác định khuôn khổ quan hệ “đối tác chiến lược hướng tới tương lai”. Trong đó, có Bản ghi nhớ về cấp vốn xây dựng đường xe điện ngầm tại TP. Hồ Chí Minh và Bản ghi nhớ về danh mục các dự án ưu tiên cho chương trình tài chính lần thứ tư.
Do vậy, mục đích của các cuộc gặp là tận dụng ưu thế của mỗi bên để thúc đẩy mối quan hệ đối tác giữa doanh nghiệp hai nước, nhất là khi tham gia đấu thầu và cùng thực hiện các dự án tại Việt Nam hoặc một nước thứ ba. Qua đó, có nhiều cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam chủ động hơn trong việc huy động vốn của các dự án nâng cao hạ tầng cơ sở giao thông, năng lượng và xử lý môi trường, góp phần tăng trưởng kinh tế bền vững.
Bằng chứng của sự tin tưởng
Tỷ lệ xoá đói giảm nghèo của Việt Nam đã giảm xuống 14% trong năm qua và tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 5,3%. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải đối mặt với cơ sở hạ tầng, năng lượng còn hạn chế, cùng với biến đổi khí hậu như thiên tai bão lũ, xói mòn đất. Với kinh nghiệm của mình, các doanh nghiệp Tây Ban Nha muốn hỗ trợ Việt Nam trong việc nâng cao cơ sở hạ tầng giao thông như đường sắt, cầu cảng và chuyển giao nhiều công nghệ hiện đại để ứng phó với vấn đề này.
Trong 5 năm gần đây, thương mại song phương giữa hai nước tăng nhanh trên 20%, khoảng 1,1 tỷ USD. Tây Ban Nha hiện đang là 1 trong 15 đối tác chiến lược đồng thời cũng là quốc gia hỗ trợ phát triển đáng kể cho Việt Nam. Trong năm 2010 này, Việt Nam là Chủ tịch ASEAN và Tây Ban Nha là Chủ tịch luân phiên EU. Cơ hội hiếm có này giúp Việt Nam và Tây Ban Nha tăng cường quan hệ hợp tác song phương.
Ông Jaime Montalvo - Tổng Giám đốc Viện Ngoại thương Tây Ban Nha cho biết: “Chúng tôi đưa 20 doanh nghiệp Tây Ban Nha sang đây là bằng chứng cho sự tin tưởng của chúng tôi đối với thị trường Việt Nam, để hợp tác đầu tư, xúc tiến thương mại. Chúng tôi mong có sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam trong những lĩnh vực đầu tư này”.
Mỗi lần gặp là có thêm đối tác
Những chuyến thăm giữa các phái đoàn, doanh nghiệp giữa Việt Nam và Tây Ban Nha thời gian gần đây đã và đang đẩy mạnh quá trình hợp tác đầu tư- thương mại giữa hai nước. Có thể kể đến một số dự án đầu tư của doanh nghiệp Tây Ban Nha tại khu vực phía Nam và TP. Hồ Chí Minh với tổng trị giá 500-600 triệu USD. Các doanh nghiệp trong nước đang không bỏ lỡ cơ hội để thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, cùng hợp tác kinh doanh để cùng phát triển trên trường quốc tế.
Ông Nguyễn Trọng Toàn - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần cơ khí xây dựng và lắp máy điện nước cho biết: “Chúng tôi rất muốn tìm những nhà thầu của Tây Ban Nha xây dựng các công trình ở Việt Nam. Chúng tôi muốn tìm các đối tác thắng thầu ở Việt Nam để có thể cung cấp dịch vụ thầu phụ như chế tạo kết cấu thép, lắp đặt hệ thống điện… mà Tổng Công ty có thể làm được. Chúng tôi có nhiều đối tác truyền thống, mỗi lần gặp gỡ là có thêm đối tác mới và hoạt động lâu dài”.
Không chỉ tìm cơ hội ở Hà Nội, đoàn doanh nghiệp Tây Ban Nha còn “Nam tiến” để gặp gỡ doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh ngày 25/3.
Hòa Bình