📞

Vấn nạn doanh nghiệp FDI bỏ trốn

13:09 | 14/01/2013
“Doanh nghiệp FDI ra đi, để lại khoản nợ lương, nợ thuế, nợ ngân hàng, nợ BHXH... Thế nhưng, Ngành chức năng cũng không thể xử lý nên phải khoanh vào diện doanh nghiệp vắng chủ chờ xử lý”.
Nhà đầu tư Kenmark (Đài Loan-TQ) đã bỏ đi 2 năm nay, để lại món nợ khoảng 50 triệu USD vay của ngân hàng BIDV.

Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) Bùi Quang Vinh trong cuộc họp báo đầu năm 2013. Theo Bộ trưởng Vinh, Bộ KH&ĐT vẫn đang trong quá trình tổng hợp báo cáo của các địa phương, các tổ chức tín dụng về tình hình vay vốn trong và ngoài nước của các doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), khi có kết quả cuối cùng sẽ có thông báo chính thức. Tuy nhiên, ông Vinh cũng thừa nhận thực trạng nhiều doanh nghiệp FDI vay vốn trong nước rồi phá sản, bỏ trốn ở một số khu công nghiệp trong cả nước là có thực, nhưng hiện chưa có cách giải quyết. Song ông Vinh khẳng định số lượng các doanh nghiệp FDI bỏ trốn, để lại một khoản nợ đối với các NHTM trong nước là không nhiều.

Vấn nạn

Theo số liệu thống kê từ các địa phương, ngoại trừ Bắc Ninh có số lượng vốn vay trong nước cao hơn nước ngoài (khoảng 1.848 tỷ đồng so với 1.618 tỷ đồng), thì ở hầu hết các địa phương đã có báo cáo, tỷ lệ doanh nghiệp FDI có vay vốn trong nước thấp.

Tại TP. Hồ Chí Minh, theo các số liệu thống kê chưa đầy đủ hiện là địa phương có số doanh nghiệp FDI xù nợ và đóng cửa hoạt động nhiều nhất cả nước.

Ông Hà Hữu Trí, Phó Trưởng Phòng Đăng ký đầu tư (Sở KH&ĐT TPHCM) cho biết tính đến 31/12/2012 trên địa bàn TP. có khoảng 100 doanh nghiệp FDI nằm ngoài các khu công nghiệp - khu chế xuất không còn hoạt động. Còn thông tin từ Cục Thuế TP. HCM cho biết đã có 5.012 doanh nghiệp gửi thông báo ngừng hoạt động tới Cục, tính đến hết tháng 3/2012. Trong số này, 1.198 doanh nghiệp thuộc diện bỏ trốn, chiếm tới 23% số doanh nghiệp ngừng hoạt động nói chung.

Một số liệu khác từ cơ quan hải quan cho biết, tính đến hết tháng 10/2012, riêng trong lĩnh vực gia công đã có 60 doanh nghiệp FDI đã bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng kí kinh doanh, không thực hiện thanh khoản hợp đồng gia công, thiệt hại tổng số thuế lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Tại Bình Dương, trong năm 2012, có 560 trong số gần 13.000 doanh nghiệp đang hoạt động SXKD phải giải thể, tạm ngưng hoạt động. Cục thuế tỉnh cho biết, những tháng cuối năm 2012, liên tục có những doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI bỏ địa chỉ kinh doanh (tạm hiểu là bỏ trốn).

Số liệu của Bảo hiểm xã hội Đồng Nai cho thấy trong số hàng trăm doanh nghiệp tại Đồng Nai được xếp vào diện vắng chủ, có đến 42 doanh nghiệp FDI. Từ năm 2004 đến nay với số nợ lên tới hàng tỷ đồng, BHXH Đồng Nai chưa thể thu hồi được khoản nợ BHXH nào từ các doanh nghiệp này.

Khó khăn lớn nhất là ngay bản thân các cơ quan chức năng nơi có doanh nghiệp FDI bỏ trốn cũng không phát hiện được thời gian họ về nước; thậm chí, lãnh đạo khu công nghiệp nơi doanh nghiệp FDI hoạt động cũng không nắm được. Do đó, rất khó tìm được địa chỉ của các doanh nghiệp FDI sau khi bỏ trốn.

Chưa có cách xử lý

Theo Bộ Trưởng Bùi Quang Vinh, trong các quy định của pháp luật, nếu khoản nợ đó nằm trong giới hạn của việc xử lý hành chính kinh tế thì các cơ quan toà án, các cơ quan quản lý địa phương trực tiếp nơi có doanh nghiệp FDI bỏ trốn có yêu cầu các Ngân hàng TM phối hợp để thu hồi, xử lý các tài sản thế chấp”. Bởi các nhà đầu tư nước ngoài khi vay đều phải thế chấp tài sản, chứ không thể tự dưng vay được tiền từ ngân hàng. Tuy nhiên, “có nhiều khoản nợ bị treo vì cơ quan quản lý không tìm được địa chỉ chính xác của chủ doanh nghiệp đó tại nước ngoài. Hiện nay, Việt Nam đang tham khảo kinh nghiệm ở một số nước trên thế giới để xử lý tình trạng này, đồng thời phối hợp với nước sở tại để tìm ra cách xử lý tốt nhất”, Bộ trưởng Vinh cho biết thêm.

Tuy nhiên, trong trường hợp các tài sản này không xử lý được, Bộ KH&ĐT sẽ phải xem xét lại các hợp tác, các quy định của luật pháp quốc tế để xử lý. “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ nghiên cứu, tham khảo pháp luật quốc tế để biết chế tài xử lý và đề phòng những trường hợp tương tự xảy ra. Hiện, với những nơi có doanh nghiệp FDI bỏ trốn, các cơ quan quản lý địa phương đang tìm cách để giải quyết” - Bộ trưởng Vinh khẳng định.

Mục tiêu của Việt Nam năm 2013 là thu hút khoảng 13-14 tỷ USD vốn FDI đăng ký, cao hơn chút ít so với mức 12,7 tỷ USD đã đạt được trong năm 2012. Về vốn thực hiện, mục tiêu đề ra ở mức 10,5-11 tỷ USD, thấp hơn so với mức 12,2 tỷ USD trong năm 2012. Theo thông tin do Cục trưởng Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng cung cấp, Bộ KH&ĐT hiện đã hoàn thiện và báo cáo Chính phủ nội dung của Đề án thu hút FDI đến năm 2020 và theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ KH&ĐT đang soạn thảo một văn bản riêng về vấn đề này, dự kiến ban hành ngay trong tháng 1/2013. Như vậy, vai trò quan trọng của vốn FDI trong nền kinh tế ngày càng được khẳng định rõ ràng, vì thế việc nhanh chóng tìm được giải pháp hạn chế những tiêu cực từ vốn FDI trở nên vô cùng cấp thiết, để những sự việc như thế này không trở thành vấn nạn, cản trở sự phát triển chung.

Minh Anh