📞

Văn Toàn & Công Phượng: Sự khác biệt

14:36 | 29/12/2016
Cú sút phạt panenka bất thành của Công Phượng tại giải U21 quốc tế 2016 đã khép lại một năm thất bại của một “ngôi sao” được kỳ vọng quá mức. Ở chiều ngược lại, Văn Toàn “ít nổi tiếng hơn” đã có một năm tiến bộ vượt bậc.

Khiêm tốn, âm thầm chứng tỏ

Kết thúc Giải U21 Quốc tế Báo Thanh Niên 2016, tiền đạo Nguyễn Văn Toàn ẵm luôn ba giải thưởng từ Ban tổ chức, gồm: Cầu thủ ấn tượng nhất; Vua phá lưới và Cầu thủ Việt Nam xuất sắc nhất. Ngoài ra, Văn Toàn còn nhận danh hiệu Cầu thủ ghi bàn thắng đầu tiên ở trận tranh hạng ba, Cầu thủ xuất sắc nhất trận và được bầu chọn giải thưởng Cầu thủ được yêu thích nhất.

Văn Toàn là cầu thủ VN xuất sắc nhất tại giải U21 quốc tế 2016 (Ảnh: Một thế giới)

Điểm mạnh làm nên thương hiệu của Văn Toàn chính là sự máu lửa, không ngại va chạm, cộng với kỹ thuật khéo léo và tốc độ… những đặc điểm làm nên thương hiệu của anh. Lối chơi sắc sảo ấy đã ghi điểm trong mắt những nhà cầm quân cũng như các đồng nghiệp quốc tế.

“Tôi ấn tượng mạnh với cầu thủ này. Anh ta luôn chiến đấu hết mình, máu lửa, tranh chấp suốt cả trận đấu. Đó là đức tính cần thiết với một cầu thủ để thi đấu ở môi trường bóng đá Nhật Bản. Tôi xin khẳng định một lần nữa là Văn Toàn đủ khả năng chơi bóng ở Nhật Bản. Toàn cần cải thiện khả năng ghi bàn để trở nên hoàn thiện”, HLV Nayakawa của U21 Yokohama nói.

Thủ môn của U21 Yokohama cũng nhận xét: “Anh ấy quá nhanh, có tốc độ cực tốt, khiến các hậu vệ của chúng tôi rất khó khăn để có thể kèm anh ấy. Ở J-League không có được nhiều cầu thủ sở hữu tốc độ cao như vậy. Văn Toàn đủ tiêu chuẩn và đẳng cấp chơi ở J-League. Anh là mẫu cầu thủ luôn cháy hết mình, dù có mất bóng, anh ta vẫn cố tranh chấp để đoạt lại bóng và đây là phẩm chất của một cầu thủ chuyên nghiệp”.

Còn HLV Graechen cũng không tiếc những lời khen dành cho cậu học trò của mình: “Cậu ấy đã tiến bộ chóng mặt thời gian qua, đặc biệt là sức mạnh và thể lực. Nếu trước đây, Văn Toàn luôn bị đốn ngã thì bây giờ cậu ấy không chỉ đứng vững mà còn tranh chấp quyết liệt”.

Ở ĐTQG, Văn Toàn, cùng với đồng hương Hải Dương Vũ Văn Thanh, đã chiếm trọn niềm tin của HLV Nguyễn Hữu Thắng, bởi lối chơi tinh quái và sự tiến bộ qua từng trận đấu. Khi ông Hữu Thắng gọi Văn Toàn lên tuyển, nhiều người cho là quá sớm vì cầu thủ này còn rất trẻ, khó cạnh tranh nổi vị trí tiền vệ cánh, tuy nhiên Văn Toàn đã chứng minh mọi nhận xét đó đều sai lầm.

Được đánh giá cao ở cả ĐTQG lẫn CLB là thế, nhưng Văn Toàn vẫn ít khi nói về mình. Khi được hỏi về khả năng ra nước ngoài thi đấu, Toàn khiêm tốn cho rằng anh chưa đủ hoàn hảo để xuất ngoại: “Hiện tại tôi chưa có ý định ra nước ngoài chơi bóng, nhưng trong tương lai khi khả năng chơi bóng hoàn hảo hơn và nếu có cơ hội, tôi sẽ suy nghĩ lại và hy vọng sẽ chọn được một môi trường chơi bóng tốt”.

Tự tin thái quá thành chủ quan đáng trách

Ở xứ ta có một điều kỳ lạ: mỗi lần nói đến bóng đá là người ta nhắc ngay đến Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, cứ như thể những cầu thủ này là những siêu sao sân cỏ.

Có vẻ như sự kỳ vọng đến không tưởng của những người làm bóng đá cũng như một bộ phận không nhỏ người hâm mộ đã “góp phần” khiến những cầu thủ “ngôi sao” vừa thể hiện được một ít tài năng đã sớm đối diện sự nghiệt ngã. Hình ảnh Công Phượng được khán giả trong nước nhìn thấy nhiều hơn ở các hoạt động… tiếp thị cho CLB. Một năm mài đũng quần trên băng ghế dự bị chẳng giúp ích  gì về chuyên môn!

Công Phượng đá panenka bất thành. (Ảnh: SGGP)

“Màn trình diễn” của “ngôi sao” HAGL ở giải U21 Báo Thanh niên 2016 vừa qua cho thấy rằng sự tung hô của người lớn, đặc biệt của truyền thông, là quá mức. Điều này một mặt khiến cho người hâm mộ ngộ nhận về một lứa cầu thủ mới có thể “san bằng tất cả”, mặt khác khiến cho chính các cầu thủ không nhận thức được mình đang ở đâu để mà phấn đấu.

Cú sút phạt panenka bất thành của Công Phượng tại giải U21 quốc tế 2016 đã khép lại một năm thất bại của một “ngôi sao” được kỳ vọng quá mức. Cần nhớ rằng, chỉ có một số rất nhỏ những siêu sao trên thế giới mới dám cho mình quyền sút phạt theo kiểu như vậy.

Giờ là lúc hãy để cho cầu thủ này nghỉ ngơi, suy ngẫm và vạch cho mình một lộ trình cho mùa giải mới, đặc biệt là quá trình chuẩn bị cho SEA Games 29, mà ở đó không có chỗ cho sự phô trương cá nhân không phải lối, đòi hỏi sự quyết tâm cao hơn nhiều lần mới có thể khôi phục lại phong độ.

Giới chuyên môn cũng như người hâm mộ vẫn mong mỏi Công Phượng thay đổi cách chơi để hoàn thiện mình hơn, nhưng cầu thủ này vẫn chủ quan chơi rất cá nhân, vẫn kiểu đá hùng hục lao vào một rừng chân đối phương một cách vô vọng. Nhiều người tự đặt câu hỏi: Phải chăng Công Phượng muốn làm người ta nhớ lại cách đi bóng của siêu sao Maradona thuở nào?

Thời gian chuẩn bị cho SEA Games không còn quá nhiều. Các cầu thủ của chúng ta cần có thái độ hết sức nghiêm túc, sự chuẩn bị thật kỹ càng, nếu không, mục tiêu vào đến chung kết SEA Games 29 sẽ lại dang dở như AFF Cup 2016 vừa qua. Đã đến lúc những người lớn, làm bóng đá, đặc biệt là giới truyền thông ngừng “chém gió”, tâng bốc các cầu thủ lên tận mây xanh. Hãy để cho các HLV, cầu thủ suy ngẫm, tự nhận ra mình đang ở đâu để phấn đấu.