📞

Vàng mặt vì vàng!

18:05 | 24/09/2010
2 tuần và 6 kỷ lục - cũng phải thôi, vị trí độc tôn của vàng trong các nền văn hóa và tâm lý của giới đầu tư chẳng có gì thay thế được. Thể trạng "nhợt nhạt" của nền kinh tế toàn cầu, cộng thêm sự bất lực của các ngân hàng trung ương càng khiến giá thứ kim loại này không thể không liên tục leo thang.
Ảnh minh họa

2010 - đánh dấu mốc 10 năm chẵn giá vàng tăng gấp 5 lần và đạt đỉnh cao nhất mọi thời đại vào ngày 22/9 là 1.290 USD/ounce. Bây giờ thì chẳng ai có thể nói mạnh bao giờ thì giá vàng sẽ xuống. Vì có quá nhiều nguyên nhân chỉ có thể khiến cho giá kim loại quý này tăng thêm mà thôi.

Lo ngại của giới đầu tư về thể trạng kinh tế toàn cầu càng thêm củng cố vai trò là phương tiện đầu tư an toàn của vàng. Hiện có quá nhiều nghi ngờ, ngoài số liệu kém hiệu quả của lĩnh vực sản xuất, lòng tin của người tiêu dùng giảm dần và môi trường kinh doanh đầy khó khăn, người ta còn đang lo ngại về sức khỏe của các thị trường tài chính và không cảm thấy thuyết phục rằng các thị trường này sẽ tiếp tục đi lên.

Nguy cơ lạm phát lớn dần, thúc đẩy giới đầu tư tìm kiếm một nơi cất giữ để bảo toàn giá trị tài sản, trong bối cảnh chính phủ các nước đang cố gắng thúc đẩy tăng trưởng thông qua việc giảm lãi suất các gói cứu trợ tài chính. Nhà đầu tư lo sợ về khả năng FED sẽ nới lỏng các gói cứu trợ, nhất là sau cam kết mạnh mẽ trong buổi họp ngày 21/09/2010 về việc sẽ đưa ra mọi biện pháp có thể để cứu kinh tế Mỹ. Khi lãi suất cơ bản của USD đã hạ xuống mức không thể thấp hơn và FED không còn quá nhiều lựa chọn. Gần đây, người ta còn nói đến giảm phát. Giảm phát cũng không kém phần nguy hiểm. Hậu quả khi giá cả mọi mặt hàng đều giảm quá mức mong đợi, là một nền kinh tế trì trệ. Tìm được lối thoát ra khỏi tình trạng này còn khó hơn cả lạm phát. Vàng không giúp bất kỳ quốc gia nào chống lại lạm phát hay giảm phát, song nó luôn là thứ an toàn nhất khi nền kinh tế rơi vào giai đoạn khó khăn.

Các chuyên gia kinh tế còn nhắc tới một nguyên nhân khác. Đó là người dân không còn nghĩ ngân hàng trung ương có khả năng điều khiển giá vàng như trong thập niên 90 nữa. Trái với thời kỳ những năm 1990, khi các Ngân hàng Trung ương đồng ý bán vàng ra để tăng cung vàng nhằm kiềm chế giá vàng tăng, thì hiện tại, họ đang mua vàng vào để dự trữ đề phòng bất chắc. Hơn nữa, nguy cơ vỡ nợ của nhiều quốc gia và sự bất ổn của các đồng tiền chủ chốt khiến giới đầu tư đua nhau lấy vàng làm chỗ bấu víu.

Yếu tố cung - cầu vàng đang thay đổi. Theo dự báo thì tình hình sản xuất vàng sẽ vẫn trì trệ trong vài năm tới bởi sản lượng từ các mỏ cũ hết và chưa tìm được nguồn mới thay thế. Các nước sản xuất vàng lớn như Nam Phi và Mali gặp nhiều trục trặc trong khai thác vàng và bạch kim. Sản lượng của các nước Tây Phi giảm 9% trong năm 2007. Trong khi đó, Công ty tư vấn kim loại London - GFMS Ltd, ước tính rằng đầu tư vào vàng trong năm 2010 sẽ tăng 10,5% so với năm 2009. Tổng lượng vàng dành cho đầu tư có thể lên tới 2.091 tấn, tương đương khoảng một nửa tổng lượng vàng trên thị trường thế giới. Như vậy rõ ràng, cung - cầu đang đi về hai hướng ngày càng xa nhau.

Ngay cả khi các số liệu kinh tế có sự cải thiện, một số nhà phân tích tin rằng giá vàng sẽ còn tăng nữa. Trong báo cáo "Cập nhật Khảo sát Giá vàng năm 2010" công bố ngày 14/9, GFMS Ltd cho rằng giá vàng đang trên đà lập chuỗi các đỉnh cao lịch sử và sẽ dễ dàng đâm thủng mốc 1.300 USD/ounce trong năm nay, đồng thời cũng không có gì phải nghi ngờ về việc nó sẽ tiếp tục tăng trong năm 2011, do những bất ổn về sự phục hồi kinh tế và cuộc khủng hoảng nợ.

Có chuyên gia còn khẳng định, nếu tính tới tỷ lệ lạm phát, trong vài năm tới giá vàng có thể lên tới 2.250 USD/ounce. Và theo sau vàng, giữa những rối loạn trên các thị trường khác, khi giá các cổ phiếu hết tăng lại giảm, đồng USD thì suy yếu, giá các hàng hóa khác lại sau mà cùng tiến.

Tất nhiên, yếu tố mùa vụ cũng đóng vai trò khá quan trọng trong đợt tăng giá này. Cùng với sự tăng trưởng yếu của USD, tháng 9 còn đánh dấu thời gian khởi đầu của khoảng thời gian nhu cầu vàng tăng vọt. Năm nay, khoảng thời gian đó diễn ra sớm hơn với ngày lễ Ramadan của người Đạo Hồi, mùa cưới tại Ấn Độ, ngày lễ hội Ánh sáng (Diwali) tại Ấn Độ, sau đó đến kỳ nghỉ Giáng Sinh và lễ tết cuối năm.

Nhưng... tại sao người ta chỉ đổ xô đi mua vàng mà không phải là bất kỳ kim loại quý hay hàng hóa nào khác? Thực tế vàng không phải kim loại quý hiếm nhất, nhưng vẫn là số 1 trong các cuộc khủng hoảng, vì nó khống chế được tâm lý của người dân. Vàng là đơn vị tiền tệ toàn cầu trong hơn 2.500 năm. Nó còn có vai trò to lớn trong mọi ngôn ngữ, tôn giáo và văn hóa.

Minh Anh