Kết quả này có sự đóng góp một phần không nhỏ của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP). Trong những năm qua, Hiệp hội luôn là cầu nối hữu hiệu giữa cộng đồng doanh nghiệp và Nhà nước trong các vấn đề liên quan đến hoạch định và thực thi chính sách. Đặc biệt trong điều kiện hội nhập, VASEP có vai trò tích cực trong việc hướng dẫn giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế.
Hội nhập đồng hành thách thức
So với nhiều ngành nghề khác, thủy sản là ngành hội nhập rất sớm vào thị trường thế giới, trước thời điểm Hiệp định thương mại Việt - Mỹ có hiệu lực (năm 2001). Năm 2007, khi Việt Nam trở thành thành viên WTO, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đứng thứ tám trong mười nước xuất khẩu thủy sản đứng đầu về giá trị và thứ 12 về sản lượng xuất khẩu.
Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt tăng trưởng nhanh và ổn định liên tục hơn 20 năm qua. Năm 1990, kim ngạch xuất khẩu thủy sản chỉ đạt 205 triệu USD, đến năm 2002 tăng lên trên 2 tỉ USD, và đến năm 2013 đạt trên 6,7 tỉ USD. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt kết quả khá ngoạn mục so với các ngành kinh tế khác và với các nước trong khu vực. Các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam bắt đầu hướng tới kim ngạch xuất khẩu 10 tỉ USD đến năm 2020 theo mục tiêu xuất khẩu thủy sản của Chính phủ.
“Trong quá trình hội nhập quốc tế, một doanh nghiệp khó có thể đơn phương đối phó với hàng rào bảo hộ của nước ngoài mà cần có sự phối hợp chặt chẽ của hiệp hội nơi doanh nghiệp là thành viên, thông qua hiệp hội phản ánh với các cơ quan chức năng liên quan để có những phản ứng kịp thời, qua đó, gỡ khó cho doanh nghiệp”. |
Tuy nhiên, trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, ngành thủy sản nói chung và doanh nghiệp thủy sản nói riêng đang tiếp tục phải đối mặt với yêu cầu ngày càng cao về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, các yêu cầu về bảo vệ môi trường và xã hội… Các rào cản thương mại quốc tế thường gặp đối với sản phẩm thủy sản xuất khẩu là rào cản thuế quan (thuế phần trăm, thuế quan đặc thù như hạn ngạch thuế quan, thuế đối kháng, thuế chống bán phá giá…) và rào cản phi thuế quan (biện pháp cấm, hạn ngạch xuất nhập khẩu, giấy phép xuất nhập khẩu, rào cản kỹ thuật…).
Hiện nay, ngành thủy sản đã và đang phải đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực là tôm và cá tra tại thị trường xuất khẩu lớn nhất là Hoa Kỳ.
Vai trò chủ động
Trong thời gian qua, VASEP đã hỗ trợ hội viên với nhiều hình thức để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành nói chung và của doanh nghiệp nói riêng thông qua sự liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp hội viên. Cụ thể, Hiệp hội đã tổ chức nhiều diễn đàn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ hội viên trong việc chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản lý; đồng thời phát hành các ấn phẩm và thành lập website của Hiệp hội nhằm truyền tải thông tin khoa học, kỹ thuật, chính sách mới về an toàn thực phẩm, các luật liên quan đến xuất nhập khẩu thủy sản của thị trường nước ngoài, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, thương hiệu của các hội viên… Trong vai trò là cầu nối hữu hiệu giữa cộng đồng doanh nghiệp và Nhà nước trong nhiều vấn đề liên quan đến hoạch định và thực thi chính sách, VASEP đã kiến nghị lên các cơ quan chức năng những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp trong ngành và đề xuất các giải pháp.
Mặt khác, VASEP còn giúp các doanh nghiệp định hướng phát triển, tích cực hướng dẫn giải quyết và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hội viên trong các tranh chấp thương mại quốc tế, đặc biệt trong thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới hiện nay.
Cụ thể, Việt Nam đã kiện Hoa Kỳ về một số biện pháp mà nước này sử dụng trong điều tra chống bán phá giá tôm và đã thắng trong vụ kiện đầu tiên của mình tại WTO. Mặc dù đây là vụ kiện đầu tiên của Chính phủ Việt Nam trong khuôn khổ WTO, nhưng lại được thúc đẩy một phần lớn bởi sáng kiến và quyết tâm của doanh nghiệp và VASEP.
Trong quá trình hội nhập quốc tế, một doanh nghiệp khó có thể đơn phương đối phó với hàng rào bảo hộ của nước ngoài mà cần có sự phối hợp chặt chẽ của hiệp hội nơi doanh nghiệp là thành viên, thông qua hiệp hội phản ánh với các cơ quan chức năng liên quan để có những phản ứng kịp thời, qua đó, gỡ khó cho doanh nghiệp.
Chính vì vậy, trong hai vụ kiện chống bán phá giá lớn nhất là cá tra và tôm tính đến thời điểm hiện tại đối với thủy sản nói riêng và hàng hóa Việt Nam nói chung tại Hoa Kỳ, VASEP đã thực sự trở thành đầu mối kết nối những nỗ lực kháng kiện của từng doanh nghiệp cũng như tự mình tham gia quá trình điều tra một cách tích cực với vai trò là một bên liên quan.
VASEP đã chủ động trang bị kiến thức, kinh nghiệm trong việc chủ động phòng chống các vụ kiện chống bán phá giá. Thành lập nhóm cán bộ chuyên trách về vụ kiện, bao gồm các lãnh đạo cấp cao của Hiệp hội và các cán bộ chuyên môn, phụ trách việc tham kiện cũng như thống nhất hành động của các doanh nghiệp trong Hiệp hội. Qua hai vụ kiện, VASEP đã rút ra một số kinh nghiệm rất hữu ích cho việc kháng kiện chống bán phá giá tại Hoa Kỳ.
Cụ thể, kháng kiện chống bán phá giá tại Hoa Kỳ là việc lâu dài, cần những nỗ lực bền bỉ, không mệt mỏi của cả doanh nghiệp lẫn Hiệp hội. Sau điều tra ban đầu sẽ là liên tiếp những cuộc rà soát hành chính với khối lượng công việc kháng kiện ở mỗi giai đoạn đều rất lớn. Cần sự phối hợp nỗ lực và đoàn kết của tất cả các doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ dưới sự điều phối của Hiệp hội mới có thể đảm bảo tốt nhất lợi ích toàn cục của cả ngành trong vụ điều tra chống bán phá giá, đặc biệt trong việc lựa chọn bị đơn bắt buộc và sự phối hợp giữa các bị đơn này với toàn ngành thông qua Hiệp hội. Lựa chọn đúng luật sư tư vấn và phối hợp chặt chẽ với luật sư tư vấn là yếu tố then chốt của quá trình kháng kiện; Vận động hành lang tại Hoa Kỳ cần chú trọng đến mối quan tâm và lợi ích của đối tượng được vận động, phải bắt đầu từ và luôn kết hợp với lợi ích của họ khi đưa ra bất kỳ lập luận nào.
Xung quanh vụ kiện chống bán phá giá thường có nhiều vấn đề liên quan khác mà Hiệp hội phải chú ý thực hiện các hoạt động đối phó đồng thời như các hàng rào kỹ thuật, các thủ tục nhập khẩu, các quy định về điều kiện bán hàng…
Hội nhập quốc tế là xu hướng tất yếu của thời đại, những thành công và cả vấp váp trong quá trình kinh doanh với các đối tác nước ngoài sẽ góp phần tạo nên kinh nghiệm để doanh nghiệp có thể kinh doanh tốt hơn, hiệu quả và bền vững hơn. Hội nhập đem lại cho doanh nghiệp nhiều cơ hội nhưng nếu không biết nắm bắt sẽ trở thành nguy cơ. VASEP và nhiều doanh nghiệp thủy sản đã và đang đầu tư kỹ hơn cho bộ phận pháp lý, trong đó có một phần nhiệm vụ phải luôn cập nhật tiến trình, nội dung các cuộc đàm phán, chính sách của các nước, những thay đổi trong WTO...
Trương Đình Hòe
Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam