Môi trường kinh doanh Việt Nam - trọng tâm của các cuộc đối thoại tại VBF, đang đón nhận nhiều tín hiệu lạc quan. Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XIII vừa kết thúc cuối tuần trước đã thông qua nhiều bộ luật liên quan đến đến hoạt động đầu tư - kinh doanh của doanh nghiệp, như Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh… Môi trường pháp lý thể hiện rõ tư duy hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo quyền kinh doanh của người dân, doanh nghiệp…
Các thủ tục liên quan đến thuế, hải quan và ngay cả tiến độ cải cách doanh nghiệp nhà nước, vốn là những điểm nóng của nhiều kỳ VBF trước đó, đều có cải cách tích cực. Cùng với đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Niềm tin kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đang trong xu hướng trở lại thời kỳ thịnh vượng trước năm 2011. Tín hiệu về một làn sóng đầu tư mới từ cộng đồng kinh doanh cả trong và ngoài nước ngày càng rõ hơn.
Có thể thấy, những cam kết của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp tại VBF giữa kỳ vào tháng 6/2014 đã có kết quả. Ý kiến của các hiệp hội doanh nghiệp từ Hoa Kỳ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản và Canada, các nhóm công tác của Diễn đàn… đều đánh giá cao thành tựu gần đây của Việt Nam trong ổn định kinh tế vĩ mô và cải thiện môi trường kinh doanh.
Tuy nhiên, nhằm hướng tới các tiêu chuẩn ngày càng khó khăn hơn của các hiệp định thương mại mới, trước sự hiện diện của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, những khuyến nghị, đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp không dừng lại ở những chính sách mang tính vĩ mô, mà rất cụ thể, đi vào từng quy định. Những điểm bất cập, thậm chí vô lý, gây khó khăn cho doanh nghiệp, đã được đại diện cộng đồng doanh nghiệp các nước chỉ rõ tại Diễn đàn.
Nhiều việc phải làm
“Các thành viên Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) thường xuyên bị cản trở bởi sự chậm trễ trong việc đưa ra quyết định đối với các dự án và chính sách quan trọng… Việc thiếu lộ trình rõ ràng làm nhụt chí các nhà đầu tư và tăng khả năng khiến họ phải cân nhắc đến các kế hoạch lựa chọn các nước khác ở châu Á”, đại diện AmCham nói.
Theo AmCham, bất ổn gây ra bởi sự thiếu minh bạch, tham nhũng tiếp tục là thách thức lớn nhất trong kinh doanh đối với các doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam. "Chúng tôi rất mong muốn Chính phủ ban hành một hệ thống biện pháp chính thức để giảm thiểu tối đa các khoản thanh toán không chính thức. Bước tiến rõ rệt nhất sẽ bao gồm các biện pháp nhằm hạn chế việc sử dụng tiền mặt và đẩy mạnh phương thức thanh toán điện tử", Chủ tịch AmCham Gaurav Gupta bày tỏ.
Những bất cập trong thủ tục đầu tư, thuế, hải quan, đất đai - những lĩnh vực đang được Chính phủ tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, được nhắc đến với nhiều ví dụ cụ thể. “Chúng tôi hiểu rằng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có những nỗ lực rất lớn trong việc đơn giản hóa thủ tục đăng ký đầu tư, đăng ký doanh nghiệp qua việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư. Nhưng, quan ngại lớn nhất vẫn là việc triển khai trên thực tế”, Trưởng nhóm Công tác đầu tư và thương mại của VBF Trần Anh Đức thẳng thắn nói. “Cả một quy trình cấp phép sẽ không thể vận hành khi công chức từ chối nhận hồ sơ theo ý chí chủ quan của họ”.
Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc cho hay từ cuối năm 2013, Tổng cục Thuế bắt đầu công tác thanh, kiểm tra quy mô lớn về chống chuyển giá. Kết quả là một số doanh nghiệp dệt may Hàn Quốc đã bị ấn định thuế truy thu và xử phạt mà không có cơ hội giải trình. Lý do là hiện phương pháp tính toán, thẩm tra của cơ quan thuế chưa rõ ràng, cụ thể, khiến doanh nghiệp đối mặt với hàng loạt khó khăn trong việc cung cấp các giấy tờ và giải trình câu hỏi từ cơ quan thuế.
Bên cạnh đó, những quy định chồng chéo giữa các luật, phát triển nguồn nhân lực gắn liền với giáo dục – đào tạo, là một trong những nhân tố chủ chốt cho sự phát triển của Việt Nam. Nhưng ngay trong lĩnh vực này cũng tồn tại không ít bất cập về chính sách và thủ tục. Theo ông Khalid Muhmood, Trưởng nhóm Công tác Giáo dục và Đào tạo, trước đây quy trình thành lập một cơ sở giáo dục đào tạo chỉ yêu cầu hai loại giấy phép, nhưng Nghị định 73/2012/NĐ-CP lại yêu cầu ba loại giấy phép (giấy phép đầu tư, giấy phép thành lập và giấy phép hoạt động) với thủ tục pháp lý và hồ sơ xin cấp phép tương tự nhau. Như vậy, “các nhà đầu tư khó có thể đủ kiên nhẫn để trải qua một quy trình đi ngược lại những gì Quốc hội và Chính phủ đã nói về đơn giản hóa thủ tục cho các nhà đầu tư”, ông Khalid Muhmood nói.
Cam kết mạnh mẽ từ Chính phủ
Phát biểu tại Diễn đàn sau phần trả lời trực tiếp của lãnh đạo các Bộ, ngành, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp thu những góp ý hợp lý để sửa đổi, bổ sung chính sách. “Không chỉ tại những diễn đàn giữa kỳ hay cuối kỳ hàng năm, mà chúng tôi muốn thường xuyên nhận được góp ý của các bạn”, Thủ tướng nói.
Lần thứ ba trong năm đối thoại trực tiếp với cộng đồng doanh nghiệp, người đứng đầu Chính phủ khẳng định việc giảm tỷ lệ nợ xấu về 3% trong năm tới hoàn toàn khả thi. Thủ tướng nhận định nền kinh tế đã trải qua một năm đầy thử thách, đặc biệt là sự kiện Trung Quốc đặt giàn khoan trong vùng chủ quyền Việt Nam. Tuy nhiên, với nỗ lực và hỗ trợ từ các nhà đầu tư nước ngoài, cơ quan điều hành đã ổn định được môi trường vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tăng trưởng năm 2014 ước đạt trên 5,9%, cao hơn mục tiêu đề ra.
Bước sang năm 2015, người đứng đầu Chính phủ cam kết sẽ thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn các giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư. Trong đó, lạm phát sẽ được kiểm soát ở 5% để tạo điều kiện phát triển kinh tế, bội chi ở mức 5% GDP, tăng trưởng kinh tế ở mức 6,2%. Nợ công sẽ bảo đảm không vượt quá trần cho phép và bảo đảm trả nợ đúng hạn, đầy đủ theo kế hoạch. Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ tích cực cải cách, phát triển mạnh các thị trường vốn, tiền tệ, lao động, bất động sản... để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh, góp phần chủ động hội nhập với kinh tế quốc tế, tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Việc tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước, hệ thống tài chính ngân hàng cũng được nhấn mạnh là nhiệm vụ cần phải đột phá trong năm tới.
Năm 2015, Việt Nam sẽ cổ phần hóa xong 432 doanh nghiệp, giảm nhanh tỷ lệ vốn Nhà nước tại các lĩnh vực không cần nắm giữ cổ phần. "Cùng với cổ phần hóa, Chính phủ quyết tâm phát triển mạnh khu vực tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam", Thủ tướng cho biết.
Ngoài ra, một nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ trong năm tới là phòng, chống tham nhũng. Thủ tướng khẳng định: “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, thực hiện công khai minh bạch trong quản lý tài sản, quản lý ngân sách, khoáng sản, doanh nghiệp sẽ góp phần hiệu quả hơn trong phòng chống tham nhũng”.
Ý kiến Chủ tịch Ủy ban Diễn đàn Kinh doanh, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam Shimon Tokuyama “Việc phát triển công nghiệp hỗ trợ cần được đẩy mạnh. Nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ đang được Bộ Công Thương nghiên cứu cần có tính thiết thực và nhất quán (một định nghĩa rõ ràng về công nghiệp hỗ trợ cần được đưa ra, quy trình hướng dẫn sàng lọc hồ sơ cho các ưu đãi thuế cần được xây dựng, việc áp dụng các hướng dẫn này cần đi kèm với các thủ tục đã được đơn giản hóa.) Ngoài ra để phát triển tổng thể công nghiệp hỗ trợ, Việt Nam cần phải ưu tiên phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ có triển vọng ở địa phương”. Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đồng Chủ tịch VBF 2014 - Vũ Tiến Lộc “Điều mà cộng đồng doanh nghiệp nhìn thấy là động thái đổi mới đã được phát đi mạnh mẽ. Có thể sẽ có những độ trễ trong thực thi, nhưng hình hài của một thể chế mới, hệ thống quản lý mới với nhiều cơ hội mở ra cho cả doanh nghiệp, Chính phủ và cả nền kinh tế đã được nhìn thấy. Thực tế, những cải cách của ngành thuế, hải quan thuyết phục được các doanh nghiệp về quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam. Tuy nhiên, lo ngại về khoảng cách giữa văn bản và thực thi vẫn còn và cộng đồng doanh nghiệp muốn tiếp tục nhìn thấy những thay đổi tích cực”. Giám đốc bộ phận thương mại và cạnh tranh khu vực Đông Á - Thái Bình Dương Wendy Werner “Để thu nhận được những lợi ích từ những hiệp định thương mại tự do mới, Việt Nam cần phải đẩy nhanh hơn nữa cổ phần hóa, tăng tính hấp dẫn về môi trường đầu tư, giải quyết vấn đề công nghiệp phụ trợ, cần đưa ra lộ trình rõ ràng để nhà đầu tư tư nhân tham gia vào được tốt nhất. Tôi tin rằng các hiệp định thương mại mới sẽ tạo ra làn sóng đầu tư mới để phát triển tăng trưởng kinh tế của Việt Nam”.
Minh Anh