Các tài sản nhà nước của Nga đã bị đóng băng ở châu Âu ngay sau khi Tổng thống Vladimir Putin tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022. (Nguồn: Loop News) |
Theo tuyên bố hôm 25/5, Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã “đạt được những tiến bộ” trong đề xuất của Mỹ về việc hình thành một khoản cho Ukraine vay trị giá tới 50 tỷ USD dựa trên tiền lãi do tài sản của Nga tạo ra.
Tuy nhiên, các quốc gia như Pháp và Đức vẫn lo ngại. Hai quốc gia này cho rằng, người nộp thuế của họ sẽ gặp khó khăn nếu Kiev không thể trả lại số tiền đó khi chiến dịch quân sự đặc biệt tại nước này kết thúc.
Bộ trưởng Tài chính Italy Giancarlo Giorgetti - người chủ trì cuộc họp này dưới nhiệm kỳ Chủ tịch G7 của Italy - cho biết: “Có những vấn đề nghiêm trọng về mặt kỹ thuật và pháp lý”.
Ukraine ủng hộ Mỹ
Các tài sản nhà nước của Nga đã bị đóng băng ở châu Âu ngay sau khi Tổng thống Vladimir Putin tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022.
Kể từ đó, chúng đã được đầu tư và thu lãi. Sau nhiều tháng bất đồng, Mỹ đã thu hẹp kế hoạch ban đầu là tịch thu toàn bộ tài sản và thay vào đó sử dụng tiền lãi để làm đòn bẩy cho khoản vay này.
Sau nhiều tháng bất đồng, các Bộ trưởng Tài chính tập trung tại Italy đã cố gắng thể hiện một mặt trận thống nhất, nhưng các rạn nứt đã xuất hiện khi các nước EU chỉ thể hiện sự ủng hộ thờ ơ đối với kế hoạch này. |
Phía Liên minh châu Âu (EU) có nhiều lợi thế hơn trong kế hoạch này vì khối này nắm giữ phần lớn tài sản bị đóng băng của Moscow, trong khi các ngân hàng Mỹ chỉ giữ một lượng tiền không đáng kể.
Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner nhấn mạnh: “Chúng ta vẫn cần phải tính đến các lựa chọn khác nhau. Cần đánh giá các hậu quả kinh tế và pháp lý nên còn quá sớm để đưa ra cụ thể về một số yếu tố của một công cụ như vậy”.
Sau nhiều tháng bất đồng, các Bộ trưởng Tài chính tập trung tại Italy đã cố gắng thể hiện một mặt trận thống nhất, nhưng các rạn nứt đã xuất hiện khi các nước EU chỉ thể hiện sự ủng hộ thờ ơ đối với kế hoạch này.
Các nhà ngoại giao phải đối mặt với một cuộc đấu tranh khó khăn để giải quyết những khác biệt này trước cuộc họp của các nhà lãnh đạo G7 ở Italy vào trung tuần tháng 6/2024.
Bộ trưởng Tài chính Ukraine Serhiy Marchenko, người tham dự cuộc họp G7 cho biết, Kiev có khả năng phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt ngân sách ít nhất 10 tỷ USD vào năm 2025.
Ông mô tả kế hoạch do Washington dẫn đầu là “một bước đi đúng hướng”, tuy nhiên, ông ủng hộ việc tịch thu toàn bộ tài sản của Moscow.
(Nguồn: Shutterstock) |
Khúc mắc chưa được hóa giải
Trong khi đó, châu Âu lo ngại rằng, việc đồng ý với đề xuất của Mỹ sẽ mang lại chiến thắng cho Washington, trong khi cuối cùng họ sẽ là những người phải trả giá.
Theo kế hoạch, tiền lãi hằng năm của những tài sản này sẽ được sử dụng để trả khoản vay, nhưng các quan chức châu Âu rất muốn phác thảo kế hoạch dự phòng trong trường hợp tài sản được trả lại cho Nga khi chiến tranh kết thúc.
Có những lo ngại liên quan rằng, người nộp thuế ở châu Âu sẽ phải tự bỏ tiền nếu các khoản nợ của Ukraine bị trì hoãn theo một thỏa thuận hòa bình.
Nhưng Bộ trưởngMarchenko nói: “Tôi không thể hình dung ra tình huống khi những tài sản này sẽ được trả lại cho Nga”.
Các thành viên EU của G7 - Đức, Pháp và Italy - cũng nhấn mạnh, Mỹ phải trả phần của mình, nếu các khoản thanh toán lãi thay đổi giữa chừng hoặc nếu Ukraine không thể trả nợ trong những năm tới.
Một trong những lựa chọn đang được cân nhắc liên quan đến việc ban hành một khoản vay mở - không có thời hạn chính thức - để hạn chế rủi ro phải trả lãi suất cao hơn dự kiến.
27 nước EU đã ký kế hoạch sử dụng 90% lợi nhuận thu được từ tài sản bị đóng băng của Nga ở châu Âu, khoảng 3 tỷ Euro, để mua vũ khí cho Ukraine bắt đầu từ tháng 7/2024.
Một số thủ đô châu Âu, chẳng hạn như Paris, không muốn thay đổi đáng kể “thỏa thuận khó khăn lắm mới giành được này” để chấp nhận các yếu tố trong đề xuất của Mỹ.
Yếu tố gây căng thẳng nữa là Washington muốn chuyển khoản vay tiềm năng trực tiếp cho Ukraine. Thay vào đó, các quan chức EU đề nghị cung cấp tiền cho Kiev thông qua quỹ dành riêng cho nước này vì hầu hết tài sản của Nga bị tịch thu ở châu Âu.
Ngoài ra, hai quan chức châu Âu bày tỏ lo ngại rằng, các nước EU có thiện cảm với Nga - như Hungary - có thể phản đối bất cứ điều gì gần với kế hoạch của Mỹ. Chỉ một chính phủ duy nhất cũng có thể ngăn chặn việc gia hạn các biện pháp trừng phạt chống lại Nga. Điều này sẽ tạo thêm bất ổn cho hành trình "bơm" thêm viện trợ cho Ukraine.
Gần đây nhất, Hungary đã ra tín hiệu phản đối việc mua vũ khí cho Kiev theo kế hoạch hạn chế hơn do EU dẫn đầu về tài sản bị phong tỏa.
Đây là dấu hiệu cho thấy điều gì có thể xảy ra nếu đề xuất của Mỹ được thông qua.
Bộ trưởng Tài chính Italy Giorgetti nói: “Chỉ có 3 nước lớn trong EU tham gia G7 nhưng sự đồng thuận phải đến từ 27 nước thành viên của khối”.