Venezuela cho rằng, trừng phạt Nga gây ra sự xáo trộn trong thị trường năng lượng toàn cầu. (Nguồn: Getty) |
Phát biểu tại Cuộc họp lần thứ 47 của Ủy ban giám sát chung cấp bộ trưởng (JMMC) của Nhóm Các nước xuất khẩu dầu mỏ cùng các đối tác (OPEC+), ông Maddah nói: "Chúng tôi đang quan sát các biện pháp phi lý, bất hợp pháp và vi phạm luật pháp quốc tế mà phương Tây tiếp tục nhắm vào các quốc gia là một phần của thị trường năng lượng toàn cầu và đang cân bằng điều đó.
Phương Tây hiện đang áp đặt và công bố các lệnh trừng phạt mới đối với Nga, vốn là đối tác và thành viên của OPEC+. Nga là nhà sản xuất quan trọng về năng lượng, dầu mỏ và khí đốt. Điều này đang làm gián đoạn đáng kể thị trường năng lượng toàn cầu và khiến nó rơi vào tình trạng hỗn loạn".
Tại cuộc họp của JMMC, OPEC+ đã thống nhất giữ nguyên mức cắt giảm sản lượng hiện nay, trong bối cảnh triển vọng nhu cầu nhiên liệu đang dần cải thiện tại Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là nhà nhập khẩu dầu thô hàng đầu toàn cầu.
JMMC đã tái khẳng định cam kết tuân thủ "tuyên bố hợp tác" của liên minh gồm 23 nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu đến hết năm 2023.
Cuộc họp JMMC được tổ chức thông qua hội nghị điện tín, đã không khuyến nghị điều chỉnh các thông số hiện tại của thỏa thuận liên minh.
Ủy ban này bao gồm 8 trong số 23 thành viên của OPEC+, cụ thể là Nga, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Iraq, Kuwait, Algeria, Venezuela và Kazakhstan.
Các nhà ngoại giao châu Âu cho biết các nước Liên minh châu Âu (EU) sẽ tìm kiếm một thỏa thuận vào ngày 3/2 liên quan đến đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) về việc áp giá trần cho các sản phẩm dầu Nga, sau khi hoãn quyết định hôm 1/2 trong bối cảnh có sự bất đồng giữa các quốc gia thành viên.
Tuần trước, EC đã đề xuất rằng từ 5/2, EU sẽ áp đặt mức giá trần là 100 USD/thùng đối với các sản phẩm dầu cao cấp của Nga như dầu diesel và mức trần 45 USD/thùng đối với các sản phẩm giảm giá như dầu nhiên liệu.
Hãng tin Reuters dẫn lời ba nhà ngoại giao cho biết mức giá trần phải được toàn bộ 27 thành viên EU thông qua. Do đó đại diện các nước sẽ nhóm họp vào ngày 3/2 để đạt được một thỏa thuận.
* Cũng trong ngày 1/2, trả lời trước báo giới tại Ottawa, Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol cho hay, ông ủng hộ mức giá trần của Liên minh châu Âu (EU) và không hy vọng đề xuất này sẽ gặp phải vấn đề hay gián đoạn lớn nào.
Ông nói: "Có thể có một số khó khăn trong quá trình chuyển đổi, song từ nửa cuối năm 2023, sẽ có một lượng lớn dầu được bơm vào thị trường và sẽ có nhiều sự thay đổi trong phân phối sản phẩm trên thế giới. Ba Lan và ba quốc gia vùng Baltic vẫn đang thúc đẩy việc áp đặt giới hạn ở mức thấp hơn để hạn chế doanh thu mà Nga nhận được từ việc bán nhiên liệu càng nhiều càng tốt".
Tuy nhiên, một nhà giao giao lưu ý rằng, EU có khả năng giới hạn trong việc thay đổi mức giá trần vì đây là một thỏa thuận rộng lớn giữa các quốc gia Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).
Lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga và mức giá trần dự kiến được đưa ra vào ngày 5/2 là dựa trên mức giá trần 60 USD/thùng được áp dụng từ ngày 5/12 trong bối cảnh EU và các nước G7 tìm cách hạn chế khả năng thu lợi nhuận của Nga.
Hai mức giá trần này đều có tác dụng cấm các công ty vận chuyển và bảo hiểm phương Tây bảo hiểm hoặc vận chuyển hàng hóa dầu thô và các sản phẩm dầu của Nga nếu chúng không được mua ở mức giá trần hoặc dưới mức giá quy định.