Vi khuẩn có khả năng “giao tiếp” tương tự như cách “nói chuyện” của tế bào thần kinh trong não bộ. (Nguồn: The Verge) |
Thử nghiệm trên cũng tìm ra cách một cụm vi khuẩn hành xử nhịp nhàng ra sao khi đạt tới một kích cỡ nhất định.
Trong quá trình thí nghiệm, các vi khuẩn ở rìa ngoài cùng cụm màng sinh học (biofilm) gồm hàng trăm ngàn vi sinh vật được tiếp cận không giới hạn với những chất dinh dưỡng, trong khi nhiều cá thể ở trung tâm màng sinh học có nguy cơ bị chết đói. Do vậy, các vi khuẩn ở xa trung tâm định kỳ phải ngừng phát triển, cho phép chất dinh dưỡng chảy vào trung tâm. Nhờ đó, các vi khuẩn ở trung tâm màng sinh học có thể sống sót qua các cuộc tấn công của hóa chất và thuốc kháng sinh.
Thí nghiệm cho thấy, các vi khuẩn phía ngoài và các vi khuẩn ở trung tâm màng sinh học đã giao tiếp với nhau thông qua tín hiệu điện nhờ các protein đóng vai trò như kênh ion, phát đi và truyền tới cơ thể của chúng. Đặc biệt, các tín hiệu được truyền qua màng sinh học thông qua các sóng ion kali tích điện. Quá trình giao tiếp chấm dứt khi các kênh ion bị loại khỏi vi khuẩn.
Tiến sĩ Gurol Suel (Đại học California - Mỹ) – trưởng nhóm nghiên cứu trên cho biết, khám phá lần này đã thay đổi cách con người nhìn nhận về các vi khuẩn cũng như bộ não. “Cũng giống như các tế bào thần kinh trong bộ não, chúng tôi phát hiện vi khuẩn sử dụng các kênh ion để giao tiếp với nhau thông qua các tín hiệu điện. Cộng đồng vi khuẩn bên trong các màng sinh học dường như hoạt động rất giống một bộ não vi sinh vật”, Tiến sĩ Gurol Suel nhận định.
Hồng Giang (theo Daily Mail)