📞

Vì một thành phố Ninh Bình phát triển toàn diện

Vân Giang 09:24 | 28/06/2022
Ngày 31/10/2017, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XXI ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU về phát triển thành phố Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Một góc đô thị thành phố Ninh Bình.

Với vai trò vừa là chủ thể thực hiện, vừa thụ hưởng, thành phố Ninh Bình đã triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp, kết quả đạt được đến nay là rất đáng ghi nhận, song cũng đặt ra những vấn đề cần tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo để thành phố phát triển xứng tầm.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế, cải thiện diện mạo đô thị

Ngay sau khi nghị quyết số 12 được ban hành, trên cơ sở các chủ trương, chính sách của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, thành phố Ninh Bình đã tập trung các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đất đai, xây dựng… để giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sớm triển khai thực hiện dự án, đi vào hoạt động, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của thành phố.

Do đó, sản xuất công nghiệp phát triển, tốc độ tăng giá trị sản xuất (theo giá so sánh năm 2010) ngành công nghiệp đạt cao và duy trì đà tăng trưởng trong thời gian dài, bình quân giai đoạn 2017-2020 đạt 30,16%/ năm; trong đó năm 2020 đạt trên 23.115 tỷ đồng, gấp 2,09 lần so với năm 2017. Số lượng doanh nghiệp cũng có sự phát triển với tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tăng từ 1.318 doanh nghiệp (năm 2017) lên 1.404 doanh nghiệp (năm 2020), tăng 6,5%; số hộ kinh doanh cá thể tính đến năm 2020 có 10.786 hộ, đóng góp thuế của các hộ kinh doanh tăng 31,7%.

Bên cạnh đó, thành phố Ninh Bình đã tập trung chỉ đạo thực hiện các công trình, dự án làm cho diện mạo, mỹ quan đô thị thành phố có nhiều thay đổi tích cực, sáng - xanh - sạch đẹp hơn. Cụ thể là đã tập trung triển khai đầu tư xây dựng 147 công trình kết cấu hạ tầng đô thị, với tổng mức đầu tư 680 tỷ đồng với nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ 190 tỷ đồng; nguồn ngân sách thành phố 490 tỷ đồng. Trong đó xác định 22 công trình trọng điểm về hạ tầng đô thị, tạo điểm nhấn về cảnh quan đô thị như: Dự án cầu dân sinh qua sông Vân, cải tạo cảnh quan 2 bờ sông Vân đoạn từ cầu Lim đến cầu Vũng Trắm; cải tạo lát vỉa hè bằng đá, thay thế và trồng bổ sung cây xanh một số tuyến đường Đinh Tiên Hoàng, Lê Hồng Phong, Lê Đại Hành, Lương Văn Thăng, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Công Trứ; cải tạo, nâng cấp các nghĩa trang trên địa bàn; cải tạo công viên Thúy Sơn, nút giao thông hồ Máy Xay, ngã tư Tràng An….

Cùng với đó là đầu tư 31 công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị và hỗ trợ xi măng cho 117 công trình, với 2.338 tấn xi măng để thực hiện các hạng mục công trình phục vụ nâng cấp cơ sở hạ tầng 3 xã Ninh Tiến, Ninh Nhất, Ninh Phúc. Kết quả đạt được làm cho diện mạo thành phố ngày càng khang trang.

Chú trọng xây dựng văn hóa, con người

Nhằm phát triển văn hóa, xã hội, con người theo hướng văn minh, hiện đại, đáp ứng các tiêu chí của đô thị loại I, đồng thời thực hiện tốt vai trò trung tâm văn hóa, chính trị của tỉnh, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", xây dựng phường đạt chuẩn văn minh đô thị được phát động mạnh mẽ, ngày càng thu hút đông đảo nhân dân tham gia, hưởng ứng đạt hiệu quả thiết thực.

Hàng năm có 86% số thôn, phố, 96% số cơ quan, đơn vị, 94% hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa, đã có 8/11 phường đạt chuẩn văn minh đô thị. Phong trào thể dục thể thao quần chúng trên địa bàn thành phố ngày càng phát triển, tỷ lệ người luyện tập thể dục thể thao thường xuyên tăng từ 31,3% lên 39,3%, tỷ lệ gia đình thể dục thể thao từ 27,7% tăng lên 33,2%.

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ ở cơ sở ngày càng phong phú, đa dạng, toàn thành phố có 46 câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ hoạt động thường xuyên, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Các lễ hội truyền thống trên địa bàn thành phố được gìn giữ, phát huy; hoạt động của các cơ sở thờ tự, tín ngưỡng, tôn giáo bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Cùng với sự phát triển của thành phố, ý thức xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị của người dân thành phố ngày càng nâng lên rõ rệt. Các hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng. Đến nay 100% xã, phường đạt tiêu chí quốc gia về y tế giai đoạn 2011 - 2020; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 94,7% (mục tiêu 92%). Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về đạo đức, lối sống, trách nhiệm của các thành viên trong gia đình cũng như việc chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em được quan tâm.

Điểm nổi bật trong nỗ lực xây dựng, phát triển con người đô thị là thành phố rất quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Do đó, chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn ngày càng nâng cao. Cơ sở vật chất trường học được chú trọng đầu tư, nâng cấp đáp ứng công tác dạy và học. Tính đến hết năm 2021, trên địa bàn thành phố có 24 trường học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2; có 100% xã, phường đạt chuẩn về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2 và phổ cập giáo dục trung học cơ sở.

Cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo để thành phố phát triển

Trên bình diện chung đánh giá, thực hiện Nghị quyết 12 đã mang lại sự phát triển rất đáng ghi nhận cho thành phố Ninh Bình nhưng cũng cho thấy thực tế kinh tế thành phố phát triển nhưng chưa có bước đột phá; thương mại, dịch vụ, du lịch phát triển chưa đa dạng, phong phú, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế là trung tâm văn hóa, chính trị của tỉnh. Hạ tầng kỹ thuật và quy hoạch đô thị chưa đồng bộ. Một số dự án trọng điểm đầu tư trên địa bàn thành phố triển khai kéo dài. Việc thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, nhất là trong tổ chức việc cưới, việc tang ở một số khu dân cư chưa có nhiều chuyển biến rõ nét...

Nguyên nhân khách quan được xác định là thành phố đang trong quá trình xây dựng và phát triển, cùng lúc phải thực hiện nhiều nhiệm vụ lớn, giải quyết nhiều vấn đề phức tạp phát sinh với yêu cầu cao và áp lực lớn, trong khi nguồn lực của thành phố cho đầu tư phát triển còn khó khăn, phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ đất. Quá trình đô thị hóa nhanh dẫn đến khó khăn trong công tác giải quyết việc làm, nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp về trật tự an toàn xã hội, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, nếp sống văn minh đô thị. Ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của thành phố còn phải kể đến những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 thời gian qua...

Về mặt chủ quan, một số nơi cấp ủy, chính quyền chưa thực sự sát sao, quyết liệt, năng động, sáng tạo, còn bị động, chưa linh hoạt trong thực hiện các phương thức lãnh đạo của Đảng vào thực tiễn cơ quan, đơn vị, nhất là trong phát triển kinh tế - xã hội. Trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu ở một số cơ quan, đơn vị chưa được đề cao. Sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể với cấp ủy, chính quyền cơ sở có nơi, có việc chưa chặt chẽ, chưa thường xuyên; công tác kiểm tra, hướng dẫn, sơ kết các chuyên đề chưa thực sự chủ động, kịp thời. Nhận thức, ý thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước chưa cao.

Nghị quyết số 12 đặt mục tiêu rất rõ là xây dựng và phát triển thành phố Ninh Bình theo hướng đô thị xanh, an toàn, hiện đại, mang đậm bản sắc vùng đất Cố đô Hoa Lư ngàn năm văn hiến; xứng tầm là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh, là trung tâm du lịch thương mại, dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao, văn hóa - lịch sử cấp quốc gia và có ý nghĩa quốc tế; là động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tìm hiểu được biết cán bộ, đảng viên và nhân dân thành phố đều cho rằng Nghị quyết 12 thể hiện rõ ràng, sinh động, tinh thần quyết tâm "cả tỉnh vì thành phố"; dù còn những hạn chế nhưng phải khẳng định Nghị quyết đã được thực hiện hiệu quả mà sự phát triển của thành phố hôm nay chính là minh chứng sinh động. Do đó, cán bộ, đảng viên và nhân dân thành phố mong muốn tỉnh tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện để thành phố phát triển, đạt được những mục tiêu Nghị quyết 12 đã đề ra.