📞

Vì sao đồng USD tăng giá mạnh nhất trong vòng 20 năm?

Minh Ngọc 16:19 | 20/04/2022
Tại phiên giao dịch hôm nay (20/4), tỷ giá Yen và một số đồng tiền lớn liên tiếp rớt giá trước USD, chạm đáy kỷ lục trong nhiều năm qua.
Lần đầu tiên kể từ tháng 4/2002, USD đạt mức 129,43 Yen. (Nguồn ảnh: Reuters)

Nguyên nhân khiến đồng USD tăng mạnh là do chính sách tiền tệ khác biệt khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất, còn Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) lại duy trì chính sách lãi suất cực thấp.

Lần đầu tiên kể từ tháng 4/2002, đồng bạc xanh đạt mức 129,43 Yen, tăng 0,3% so với phiên giao dịch trước, đạt 129,295 Yen.

Hôm qua (19/4), Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis, kiêm thành viên Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) Neel Kashkari nêu quan điểm rằng, nếu chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn tiếp tục gián đoạn, các nhà hoạch định chính sách sẽ thực hiện các biện pháp quyết liệt hơn nữa để kiềm chế lạm phát.

Đồng quan điểm với ông Kashkari, Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago Charles Evans bày tỏ trông đợi đợt tăng lãi suất năm nay với hai lần tăng 50 điểm liên tiếp.

Lợi tức trái phiếu của kho bạc Mỹ đã và đang tiếp tục tăng cao hơn trong các giao dịch ở Tokyo, với mức lợi suất kỳ hạn 10 năm lên đến 2,981%, cao nhất kể từ tháng 12/2018.

Trái ngược với chủ trương của Mỹ, BOJ có kế hoạch mua trái phiếu chính phủ với số lượng không giới hạn, nhằm kiềm chế sự gia tăng lợi suất của trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm, vốn đang chạm mức trần 0,25%.

Sự phân hóa chính sách đã lý giải cho việc đồng Yen sụt giá nhanh, khiến nhiều nhà phân tích lo ngại xảy ra rủi ro khi Nhật Bản can thiệp vào dòng tiền.

Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki đã đưa ra cảnh báo rất rõ ràng, cho biết sự suy yếu của đồng Yen khiến nền kinh tế quốc gia thiệt nhiều hơn lợi.

Ông Ray Attrill, điều hành giao dịch ngoại hối (Forex) tại Ngân hàng Quốc gia Australia, nhận định: "Nói lúc nào cũng dễ hơn làm. Trong khi lợi suất kho bạc Mỹ đang tăng, Fed không làm được gì để giảm tình trạng bán tháo trái phiếu hiện nay”.

Chỉ số Dollar (DXY) - đo lường USD với 6 đồng tiền đối tác chủ chốt của Mỹ, trong đó có đồng Yen - vẫn duy trì tỷ giá trên mức 101 kể từ hôm qua, cao nhất trong vòng hơn 2 năm trở lại.

Cũng trong phiên vừa qua, đồng USD lần đầu tiên lên giá 0,95305 Franc so với tiền Thụy Sỹ kể từ tháng 6/2020, kết thúc phiên tiếp tục tăng 0,06% đạt mức 0,95275 Franc.

Giao dịch đồng Euro duy trì ở mức 1,0788 USD, hầu như không đổi so với mức 1,0758 USD vào tuần trước, tỷ giá thấp nhất trong vòng 2 năm.

Ở diễn biến khác, Trung Quốc bất ngờ giữ nguyên lãi suất cho vay tiêu chuẩn đối với các doanh nghiệp và hộ gia đình, đi ngược lại xu hướng siết chặt tiền tệ nhằm chống lạm phát của các nước khác.

Tuy nhiên, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc cũng chạm đáy kể từ tháng 10/2021, giao dịch giảm còn 6,4115 so với đồng USD.

(theo Reuters)