Trong tuyên bố ngày 3/1 vừa qua, tập đoàn Ford cho biết sẽ hủy kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất ô tô mới tại Mexico để tiếp tục đầu tư vào các cơ sở sản xuất của hãng này tại bang Michigan (Mỹ), với mục tiêu tạo thêm 700 việc làm trong lĩnh vực ô tô điện và xe tự lái.
Một số chuyên gia cho rằng quyết định của Ford chủ yếu gắn với mục tiêu dài hạn của tập đoàn này dưới thời Chính quyền Mỹ mới. Từ nay tới năm 2020, Ford muốn đầu tư 4,5 tỷ USD trong lĩnh vực xe điện. Giám đốc Điều hành của Ford, ông Mark Fields, cho rằng kỷ nguyên của ô tô điện đã bắt đầu và Ford cần đi đầu trong lĩnh vực này. Lý do Ford rút đầu tư tại Mexico chỉ đơn giản là nhu cầu của thị trường về các loại ô tô nhỏ đã giảm sút.
Ford cho biết sẽ hủy kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất ô tô mới tại Mexico . (Nguồn: Caranddriver) |
Brett Smith, nhà phân tích trong lĩnh vực ô tô thuộc Trung tâm Nghiên cứu ô tô ở thành phố Ann Arbor, bang Michigan, cho rằng các kỹ sư của Ford đang làm việc tại thành phố Dearborn, bang Michigan, cách nhà máy lắp ráp đóng tại thành phố Flat Rock 20 dặm. Do đó, việc vận chuyển các linh kiện ô tô đến Mexico sẽ gây khó khăn cho công việc của số kỹ sư này. Việc để cho đội ngũ kỹ sư tiếp cận các công nghệ mới là yếu tố quan trọng giúp họ kiểm soát tốt hơn hệ thống sản xuất, chế tạo ô tô. Tầm nhìn của Ford về việc nâng cấp các cơ sở sản xuất ở Michigan là phù hợp với xu hướng công nghiệp rộng mở hơn hiện nay do Ford vẫn giữ được các cơ sở hạ tầng cũ nhưng đầu tư cho công nghệ cao hơn với ít nhân công hơn. Điều này cũng tác động làm số nhân công đang làm việc phải tiếp tục tự đào tạo để nâng cao tay nghề.
Mark Muro, chuyên gia về chính sách kinh tế thuộc Viện Brookings, cho rằng xu thế này tạo thuận lợi hơn cho các tập đoàn như Ford tìm chọn được những nhân công tay nghề cao ở Mỹ. Mô hình sản xuất ở Mexico chỉ phù hợp với lực lượng lao động chi phí thấp với kỹ năng tay nghề vừa đủ. Do đó, nó sẽ không kích thích đầu tư cho công nghệ hoặc phát triển sản phẩm mới. Điều này cũng giải thích lý do tại sao Ford tiếp tục sản xuất dòng xe Focus chạy bằng xăng ở nhà máy Hermosillo đặt tại Mexico.
Công nghệ là nguyên nhân chính gây mất việc làm?
Các nhà kinh tế học cho rằng chính sách kinh tế của ông Trump sẽ tạo cơ hội cho số lao động mới tập trung vào tầng lớp trung lưu Mỹ, song viễn cảnh này hoàn toàn khác so với tình hình của 40 năm trước. Khác với vai trò của ngành sản xuất trước đây chủ yếu là lao động giản đơn, số công nhân Mỹ tham gia các dự án mới của Ford cần có khả năng, trình độ lao động cao hơn, trong đó có kiến thức về vi tính. Ford và xa hơn là ngành sản xuất ô tô Mỹ sẽ tiến tới thời kỳ tự động hóa, chỉ cần số lượng ít nhân công với kỹ năng tay nghề cao. Tuy nhiên, việc tự động hóa trong sản xuất vừa làm tăng năng suất, đồng thời thúc đẩy tiêu chí cần ít nhân công hơn. Trong một nghiên cứu được công bố năm 2016, Trung tâm Nghiên cứu Doanh nghiệp và Kinh tế thuộc Đại học Ball State chỉ ra rằng lợi thế trong công nghệ là nguyên nhân chính gây ra tình trạng mất việc làm.
Trong bài viết đăng trên tờ Wall Street Journal, Christina Rogers, William Mauldin và Mike Colias nêu đánh giá của nhiều nhà kinh tế học, cho rằng Mỹ bị “chảy máu việc làm” trong giai đoạn mở cửa thương mại với Mexico và Trung Quốc. Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Peterson ước tính sản lượng nhập khẩu từ Mexico đã làm mất 203.000 việc làm hàng năm của Mỹ, trong khi thương mại hai chiều giữa hai nước này chỉ tạo ra 188.000 việc làm cho Mỹ, như vậy, Mỹ đã mất khoảng 15.000 việc làm hàng năm.
Trong khi đó, tờ Economist cho rằng lịch sử cho thấy sự thúc đẩy quá lớn số lượng việc làm trong ngành sản xuất sẽ gây ra những mất mát. Năm 1979, ngành sản xuất Mỹ đạt 19,5 triệu việc làm. Những năm 1980 và 1990, số việc làm giảm còn 17-18 triệu do tình trạng suy thoái kinh tế. Đầu năm 2010, việc làm giảm còn 11,5 triệu. Đến đầu năm 2016, kinh tế Mỹ khôi phục, số lượng việc làm đạt mức cao nhất là 12,3 triệu. Tuy nhiên, giai đoạn sau đó số lượng việc làm lại tiếp tục giảm xuống.
Tình trạng này cũng xảy ra với các nước có nền kinh tế phát triển khác. Trong báo cáo năm 2016 của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS), cổ phiếu trong ngành sản xuất Mỹ đã giảm 12% giá trị trong giai đoạn 1993-2014, trong khi cổ phiếu tương tự của Nhật Bản giảm 14%. Từ năm 1990-2014, số lượng việc làm trong ngành sản xuất Mỹ giảm 31%, Đức giảm 25%, Pháp và Thụy Điển giảm 33%, Nhật Bản giảm 34% và Anh giảm 49%. Tất nhiên, Trung Quốc là nước được hưởng lợi từ xu hướng này với nguồn lao động giá rẻ. Tuy nhiên, không thể hoàn toàn đổ lỗi cho Trung Quốc mà là do công nghệ.
Ông Trump cam kết khôi phục ngành sản xuất Mỹ bằng cách bắt buộc các công ty Mỹ thu hồi đầu tư ở nước ngoài với nguồn nhân công rẻ để chuyển hướng vào trong nước. (Nguồn: Top Right News) |
Tính hiệu quả từ chính sách kinh tế của ông Trump
Viết trên tờ Bloomberg, David Welch và Keith Naughton cho rằng ông Trump cam kết khôi phục ngành sản xuất Mỹ bằng cách bắt buộc các công ty Mỹ thu hồi đầu tư ở nước ngoài với nguồn nhân công rẻ để chuyển hướng vào trong nước. Trong suốt quá trình vận động tranh cử tổng thống Mỹ, ông Trump đã cảnh báo mạnh mẽ các tập đoàn lớn như Boeing, Lockheed Martin và United Technologies. Mặc dù nhiều chuyên gia lo ngại về tính hiệu quả của chính sách này trong dài hạn nhưng lợi ích trong ngắn hạn là có thể nhận thấy được.
Cuộc khủng hoảng năm 2008-2009 làm suy giảm sức mua xe ô tô. Thị trường cạnh tranh tức là các nhà sản xuất xe ô tô phải tiếp tục đầu tư phát triển các dòng xe mới nhưng vẫn cần giữ giá ở mức thấp. Điều này buộc các doanh nghiệp phải tính đến biện pháp thay thế sức người bằng máy móc để tiết giảm chi phí sản xuất. Điều này cũng có nghĩa là việc sản xuất một chiếc ô tô cần nhiều chất xám hơn và công việc trong ngành nghề này trở nên phù hợp hơn với những người được đào tạo trong trường đại học - nguồn nhân lực rất khó tìm thấy ở các bang công nghiệp của Mỹ.
Hiện nay, việc làm trong ngành sản xuất Mỹ chỉ chiếm 10% trong tổng số việc làm ở các ngành nghề khác. Việc đánh thuế nặng để trừng phạt những công ty Mỹ chuyển việc làm ra nước ngoài ít có tác dụng trong một thế giới phát triển dựa trên các chuỗi giá trị toàn cầu.