📞

Vì sao giá gạo Việt Nam rẻ nhất thế giới: Đừng làm “tôi tớ” cho doanh nghiệp!

19:21 | 01/10/2009
Nông dân cần được tạo điều kiện để trở thành cổ đông của các doanh nghiệp buôn bán gạo để được chia lãi.
Khi nào Hiệp hội Lương thực VN (VFA) còn định giá gạo xuất khẩu, khi ấy người trồng lúa còn bị thiệt thòi. Trong ảnh: Nông dân ĐBSCL phơi lúa. (Ảnh: N

Tại hội nghị giao ban các tỉnh, thành miền Đông Nam Bộ và ĐBSCL tổ chức ở tỉnh Đồng Tháp vào cuối tuần qua, đại diện Bộ NN-PTNT cho biết sắp tới có thể sẽ đổi mới cơ chế điều hành xuất khẩu gạo.Theo đó, việc xuất khẩu sẽ theo diễn biến thị trường, chấm dứt giao hạn ngạch... Nếu việc cải tổ này thành hiện thực, nông dân sẽ đỡ vất vả. Còn không, sự điều hành vụng về của Hiệp hội Lương thực VN (VFA) sẽ tiếp tục làm khổ người trồng lúa.

Không để VFA ấn định giá

VFA đáng lý ra phải là tổ chức đại diện bình đẳng cho những đơn vị xuất khẩu gạo trong nước để điều phối lượng gạo xuất khẩu và ngăn chặn việc bán phá giá (vì tranh khách hàng).

Tuy nhiên, vì hai tổng công ty lương thực (Vinafood 1, Vinafood 2) chỉ thuần túy làm dịch vụ trung gian, không có một tấc đất ruộng, không có một nông dân nào nhưng lại là những hội viên chính, trong đó ông tổng giám đốc Vinafood 2 đồng thời cũng là chủ tịch VFA nên VFA ngày càng tỏ ra là một tổ chức vì quyền lợi của Vinafood 2 trên hết chứ không vì người trồng lúa.

Việc VFA vừa qua không duyệt cho một số tỉnh (như Kiên Giang, Đồng Tháp) xuất khẩu gạo cho thấy rõ VFA không đứng về phía quyền lợi của nông dân.

Ở Thái Lan, chính phủ có kho để trữ lúa với giá sàn bảo đảm có lợi cho nông dân. Khi các công ty tư nhân cần xuất khẩu gạo hoặc khi Chính phủ Thái Lan ký hiệp ước bán gạo cho nước khác thì đều lấy từ kho này theo thời giá lúc bán. Cũng có khi Thái Lan chịu bán lỗ để giải phóng kho (như sự kiện bán gạo cho Philippines vừa qua.

Giá sàn lúa/gạo là do Hội đồng Chính sách Lúa gạo Quốc gia đưa ra căn cứ vào 3 loại giá, gồm: Giá gạo/lúa hiện hành ở các địa phương; giá gạo định xuất khẩu; giá gạo tương lai tại thị trường Chicago (Mỹ). Họ tính giá rất khách quan, không thiên vị ai. Còn ở nước ta, giá sàn là do VFA ấn định cho nên ngày nào VFA còn đặc quyền này, các doanh nghiệp xuất khẩu thân tín sẽ được đặc lợi, còn nông dân sẽ mãi thiệt thòi.

Chấm dứt phụ thuộc vào thương lái

Các cơ quan hữu quan ở ta thường giải quyết khó khăn của nông dân một cách vá víu chứ không tận gốc. Chắc chắn, có thu mua 400.000 tấn, rồi 500.000 tấn và sau đó là 500.000 tấn tạm trữ đi nữa, nỗi khổ của nông dân vẫn không được hóa giải một cách căn cơ.

Khi bắt đầu vào vụ, mọi nông dân phải tự tính toán trồng giống lúa nào để ít rủi ro nhất. Họ không biết ai sẽ mua, mua với giá bao nhiêu. Các cơ quan hữu trách dù khuyến cáo đừng trồng giống này, phải trồng giống kia... nhưng không trả lời được ai sẽ thu mua, giá bao nhiêu...

Tất cả đều phụ thuộc vào thương lái. Phải chấm dứt cách làm đó, người trồng lúa trong thời hội nhập kinh tế thế giới phải biết được thị trường cần loại gạo nào, ai nắm thị trường đó, ai tổ chức sản xuất và nông dân sẽ làm lúa cho công ty/doanh nghiệp nắm thị trường đó mà thôi. Xa hơn nữa, thay vì làm “tôi tớ” cho các doanh nghiệp hưởng lợi như lâu nay, nông dân cần được tạo điều kiện để trở thành cổ đông của các doanh nghiệp buôn bán gạo.

Tạo vùng lúa nguyên liệu riêng

Sở dĩ gạo VN hay lâm vào cảnh “được mùa - rớt giá” là vì không một công ty lương thực nào có vùng lúa nguyên liệu riêng. Họ chỉ mua gạo nguyên liệu qua hàng trăm thương lái, trong khi thương lái thường mua đủ thứ giống lúa từ nông dân thì làm sao có nguyên liệu “rặt” được! Những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, Công ty ARI của Mỹ sang đầu tư sản xuất gạo xuất khẩu tại Trà Nóc (Cần Thơ).

Họ tổ chức vùng nguyên liệu cho nông dân sản xuất lúa rặt một giống IR64, sau đó thu mua và chế biến, đóng bao bì nhãn hiệu ARI để xuất với giá 350 USD/tấn, trong khi các công ty VN lúc đó bán không hơn 180 USD/tấn vì không nhãn hiệu, không xuất xứ. Nay, mô hình tương tự cũng đang áp dụng: Công ty ADC xây dựng vùng nguyên liệu tại HTX Nông nghiệp Mỹ Thành (Tiền Giang) để sản xuất gạo nhãn hiệu “Tứ quý” hoặc Công ty Kitoku (Nhật Bản) tạo vùng nguyên liệu lúa Nhật khoảng 2.000 ha ở An Giang để làm gạo xuất khẩu.

Nếu các công ty lương thực cấp tỉnh không dám tạo vùng nguyên liệu cho riêng mình, nếu Nhà nước không tạo điều kiện mua và tồn trữ lúa rặt giống thì gạo xuất khẩu của VN sẽ tụt hậu, mọi rủi ro nông dân sẽ phải gánh...Theo Người Lao Động