TIN LIÊN QUAN | |
Kinh tế Hàn Quốc sẽ phục hồi trong nửa cuối năm nay | |
Kinh tế Hàn Quốc phục hồi nhẹ |
Tuy nhiên, giới chức nước này vẫn tỏ ra lạc quan về triển vọng kinh tế năm 2017 nhờ lực đẩy từ chính sách cải cách mới và đà phục hồi của kinh tế toàn cầu.
Đối mặt với thách thức
Vụ bê bối liên quan đến vấn đề lạm dụng quyền lực khiến Tổng thống tiền nhiệm Park Geun-hye bị phế truất đã làm rúng động Hàn Quốc. Mới đây, Chủ tịch tập đoàn SK Chey Tae-won đã thừa nhận những cáo buộc của các công tố viên rằng bà Park đã đòi các khoản hối lộ từ nhiều doanh nghiệp để đổi lấy những ưu đãi về chính sách.
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Donald Trump đã chỉ trích FTA với Hàn Quốc là một thỏa thuận làm mất việc làm của người Mỹ và là một thảm họa. (Nguồn: Korea Bizwire) |
Hiện cựu Tổng thống Park cùng với bạn thân Choi Soon-sil đang bị giam giữ và xét xử với cáo buộc nhận hoặc tìm cách nhận hối lộ hàng triệu USD từ nhiều tập đoàn lớn. Nếu bị buộc tội tham nhũng, bà Park phải đối mặt với mức án thấp nhất là 10 năm tù và nặng nhất là chung thân.
Trong khi phải giải quyết vụ bê bối chính trị và cơ cấu lại bộ máy hoạt động của chính phủ, Seoul cũng "đau đầu" trước tình trạng căng thẳng ngoại giao với Trung Quốc - một trong những đối tác thương mại quan trọng của Hàn Quốc. Hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Hàn Quốc và những loại hình kinh doanh như du lịch và mua sắm đều chịu ảnh hưởng từ căng thẳng trong quan hệ ngoại giao Trung - Hàn do việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tại Hàn Quốc.
Theo số liệu từ Cơ quan Thuỷ sản Nông nghiệp và Thương mại Lương thực quốc gia (AT), giá trị hàng nông sản và thủy sản của Hàn Quốc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc ước đạt khoảng 111 triệu USD trong tháng 7, giảm 11,2% so với mức 125 triệu USD của cùng kỳ năm ngoái. Kể từ giữa tháng 3, các công ty Hàn Quốc tại Trung Quốc đã phải đối mặt với tình trạng tẩy chay và kiểm tra thường xuyên vì Bắc Kinh gây áp lực lên Seoul nhằm ngăn kế hoạch triển khai THAAD.
Chính quyền tỉnh Jeju vừa công bố số liệu cho thấy số lượng du khách Trung Quốc tới đảo này trong thời gian từ ngày 30/6 đến 6/7/2017 là 9.386 lượt người, bằng khoảng 1/8 mức của cùng kỳ năm 2016. Số lượng du khách Trung Quốc tới Jeju trong tháng 6/2017 giảm 89,3% so với cùng kỳ năm trước, xuống 33.496 lượt người.
Một thách thức khác mà Chính phủ Hàn Quốc phải đối phó là những ảnh hưởng của làn sóng bảo hộ mậu dịch, trong đó có việc Washington yêu cầu sửa đổi Hiệp định thương mại tự do (FTA) Hàn - Mỹ.
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết, giảm thâm hụt thương mại với các đối tác trên khắp thế giới là một trọng tâm chủ chốt của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Phía Mỹ có những lo ngại thực sự về tình trạng mất cân bằng thương mại to lớn với Hàn Quốc. Đại diện Thương mại Mỹ cũng nêu rõ rằng, Mỹ đã phải chịu thâm hụt trong giao thương với Hàn Quốc trong suốt gần 2 thập kỷ qua.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Donald Trump đã chỉ trích FTA với Hàn Quốc là một thỏa thuận làm mất việc làm của người Mỹ và là một thảm họa. Có hiệu lực vào năm 2012, FTA Mỹ - Hàn Quốc được xem là biểu tượng của mối quan hệ kinh tế ngày càng sâu sắc giữa hai bên, song Tổng thống Mỹ Trump lại cho rằng đây là một hiệp định tồi tệ và cam kết sẽ sửa đổi hoặc hủy bỏ hiệp định thương mại tự do này.
Seoul vẫn lạc quan
Bất chấp những thách thức cả trong và ngoài nước, hồi cuối tháng 7, Chính phủ Hàn Quốc đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của năm 2017 thêm 0,4 điểm phần trăm lên 3% trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ tư châu Á này đang được hưởng lợi từ sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.
Theo Bộ Tài chính Hàn Quốc, dự kiến mức thu từ thuế sẽ đạt trên 250.000 tỷ Won (223 tỷ USD) vào cuối năm 2017, tăng so với mục tiêu đề ra trước đó là 242.300 tỷ Won. (Nguồn: Koogle TV) |
Trong một tuyên bố, Bộ Chiến lược và Tài chính Hàn Quốc dự báo rằng trong năm tới, kinh tế nước này có thể tăng trưởng 3% do thị trường việc làm được mở rộng và thu nhập gia tăng sau khi khoản ngân sách bổ sung trị giá 11.000 tỷ Won (khoảng 9,87 tỷ USD) được thực hiện. Theo đó, có khả năng kinh tế Hàn Quốc trong năm nay và năm tới sẽ tăng cao hơn so với mức tăng trưởng 2,8% được ghi nhận trong các năm 2015 và 2016.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã tuyên bố, Chính phủ của ông sẽ thực hiện một loạt chính sách tạo việc làm trong suốt nhiệm kỳ kéo dài 5 năm nhằm tăng thu nhập cho thanh niên, những người lao động tạm thời cũng như công nhân của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chính phủ Hàn Quốc sẽ tìm cách nâng lương tối thiểu từ mức 6.470 Won/giờ hiện nay lên 10.000 Won/giờ vào năm 2022. Dự kiến, mức lương tối thiểu sẽ được tăng 16,4% lên 7.530 Won/giờ vào đầu năm 2018.
Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc và đảng Dân chủ cầm quyền cũng nhất trí thay đổi chiến lược phát triển kinh tế từ tăng trưởng cao và lấy xuất khẩu làm động lực sang tăng trưởng ổn định và dựa vào thu nhập.
Trong nỗ lực cung cấp tài chính cho mạng lưới phúc lợi và an sinh xã hội, giữa bối cảnh dân số đang già hóa nhanh chóng, Chính phủ sẽ thúc đẩy kế hoạch tăng thuế đối với những người có thu nhập “siêu cao” và các tập đoàn hay doanh nghiệp lớn. Đảng cầm quyền dự định sẽ thúc đẩy việc nâng thuế thu nhập đối với người có thu nhập 500 triệu Won/năm (khoảng 450.000 USD), cũng như tăng thuế doanh nghiệp đối với các công ty và doanh nghiệp có lợi nhuận hoạt động từ 200 tỷ Won/năm (khoảng 180 triệu USD) trở lên.
Theo Bộ Tài chính Hàn Quốc, dự kiến mức thu từ thuế sẽ đạt trên 250.000 tỷ Won (223 tỷ USD) vào cuối năm 2017, tăng so với mục tiêu đề ra trước đó là 242.300 tỷ Won. Với việc thực hiện kế hoạch tăng thuế thu nhập đối với nhóm người siêu giàu và các doanh nghiệp lớn vừa được đảng Dân chủ đề xuất, Chính phủ Hàn Quốc có khả năng tăng thêm 16.000 tỷ Won nguồn thu từ thuế trong 5 năm tới.
Trong tháng 7, Hãng đánh giá tín nhiệm quốc tế Moody’s vẫn giữ nguyên mức xếp hạng ở mức cao Aa2 cho Hàn Quốc với triển vọng ổn định. Theo Moody’s, mức xếp hạng Aa2 của Hàn Quốc phản ánh “sức khỏe” nền kinh tế, hệ thống tài chính và tài khóa của Hàn Quốc đều ở mức cao và đánh giá ở mức “vừa phải” đối với các rủi ro từ vấn đề liên quan đến Triều Tiên.
Tuy nhiên, Moody's lưu ý nền kinh tế lớn thứ tư châu Á đang phải đối mặt với một số rủi ro trong nước và quốc tế. Khả năng suy giảm tiềm ẩn trong quá trình tái cơ cấu và sự sụt giảm nguồn tài chính của chính phủ sẽ tác động bất lợi đến triển vọng tăng trưởng dài hạn của nước này. Trong khi căng thẳng địa chính trị tăng cao có thể dẫn đến bùng nổ xung đột quân sự trên bán đảo Triều Tiên.
Kinh tế Hàn Quốc đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn dự báo Ngày 19/4, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã quyết định nâng triển vọng tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc trong năm 2017 từ ... |
Tốc độ tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc có thể rơi xuống 0% Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KCCI) Park Yong-man ngày 23/3 nhận định rằng, nền kinh tế Hàn Quốc vẫn chưa ... |
Kinh tế Hàn Quốc biến động vì bê bối chính trị Sau nhiều tháng chìm trong bất ổn chính trị, Tổng thống Park Geun-hye đã trở thành tổng thống dân cử đầu tiên của Hàn Quốc ... |