Theo trang WSJ, nước Mỹ vẫn chưa thấy những dấu hiệu của suy thoái mà nhiều người cho là sẽ xảy ra trong năm nay. (Nguồn: Reuters) |
Lạc quan hơn dự báo
Các công ty đang tuyển dụng nhiều, người dân đang tiêu tiền thoải mái, thị trường chứng khoán đang phục hồi và thị trường nhà ở có dấu hiệu ổn định. Tất cả những điều này cho thấy các nỗ lực kiểm soát lạm phát của Fed chưa làm nền kinh tế yếu đi đáng kể.
Thay vào đó, tác động lâu dài của đại dịch đang tạo cơ hội cho người tiêu dùng, cũng như nhà tuyển dụng và động lực này có thể giúp nền kinh tế tiếp tục đi đúng hướng.
Người dân ở Mỹ đang tiêu tiền nhiều cho những thứ mà họ đã bị hạn chế trong thời gian phong tỏa, như du lịch, nghe hòa nhạc và ăn ở nhà hàng. Các doanh nghiệp đang tuyển dụng nhiều công nhân để đáp ứng nhu cầu đã bị kìm hãm.
Phản ứng của chính phủ đối với đại dịch, như duy trì lãi suất thấp và cung cấp hỗ trợ tài chính, đã để lại cho người tiêu dùng và doanh nghiệp một lượng tiền và nợ rẻ. Lạm phát mà Fed đang lo ngại thực tế đang dẫn đến mức lương và lợi nhuận cao hơn, tạo đà cho việc tiêu tiền nhiều hơn.
Nhiều nhà kinh tế cho rằng việc tăng lãi suất của Fed cuối cùng sẽ làm nguội nền kinh tế và giảm lạm phát, có thể dẫn đến suy thoái vào cuối năm nay. Tuy nhiên, dữ liệu mới nhất cho thấy nền kinh tế đang phát triển tốt hơn so với dự báo.
Tin liên quan |
Hạ viện chính thức thông qua dự luật về nợ công, Mỹ thoát vỡ nợ trong gang tấc |
Cụ thể, tăng trưởng việc làm vẫn mạnh mẽ, có nghĩa là người dân có nhiều tiền trong trong tay hơn. Trong tháng 5/2023, số việc làm tăng đáng ngạc nhiên với 339.000 việc làm và con số của hai tháng trước cũng cao hơn so với ước tính ban đầu.
Cục Nghiên cứu Kinh tế quốc gia (NBER), cơ quan chuyên nghiên cứu về nền kinh tế và quyết định liệu Mỹ có đang trong suy thoái hay không cũng cho rằng các số liệu cho thấy dấu hiệu tích cực. Hầu hết các chỉ số mà họ xem xét cho thấy nền kinh tế khỏe mạnh.
Thị trường lao động vẫn đang hồi phục từ đại dịch, với các ngành như chăm sóc sức khỏe, giải trí và lưu trú. Chính phủ cũng đang tuyển dụng thêm nhân viên. Tuy nhiên, một số chính quyền địa phương, trường học, các ngành dịch vụ giải trí và lưu trú vẫn chưa đạt mức việc làm trước đại dịch do vẫn thiếu nguồn lao động.
Có nhiều công việc cần tuyển dụng hơn số người tìm việc, khiến lương tăng lên. Trong tháng Năm, mức lương trung bình mỗi giờ tăng 4,3% so với năm trước. Điều này tương tự như những thành tựu đã thấy trong tháng Ba và tháng Tư.
Thị trường việc làm có thể tiếp tục thiếu nhân lực vì hàng triệu công nhân cao tuổi đã rời lực lượng lao động từ khi đại dịch bắt đầu. Tỷ lệ người Mỹ từ 16 tuổi trở lên đang làm việc hoặc tìm việc đã duy trì ở mức 62,6%.
Người tiêu dùng ở Mỹ có nhiều tiền gửi tiết kiệm. Theo báo cáo từ Fed chi nhánh San Francisco, người Mỹ có khoảng 500 tỷ USD tiền tiết kiệm sau đại dịch. Điều này có nghĩa là họ có thể tiêu tiền cho các hoạt động như đi du lịch, nghe hòa nhạc và đi du thuyền, ngay cả khi giá cả đang tăng.
Các hãng hàng không như Southwest Airlines và American Airlines đang thấy nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không tăng lên, ngay cả khi giá vé đã tăng. Số lượng người đi qua các sân bay cũng tăng so với trước đại dịch.
Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất?
Một tuần tới, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ thuộc Fed sẽ chính thức bước vào cuộc họp chính sách tháng 6. Đây là một trong những cuộc họp quan trọng nhất trong năm, bởi có thể sẽ có bước ngoặt trong chính sách tiền tệ.
Trang Bloomberg cho biết, các quan chức Fed nghiêng về khả năng giữ nguyên lãi suất trong tháng 6, nhưng vẫn chưa muốn dừng hẳn việc tăng.
Văn bản của cuộc họp trước cho thấy quan chức Fed băn khoăn về việc siết chặt thêm, nhưng lại cho rằng tiến độ hạ nhiệt của lạm phát vẫn chậm. Giá của các hợp đồng tương lai cho thấy các nhà đầu tư đang đặt cược Fed tăng lãi suất trong tháng 7 là 70%.
Sức mạnh của nền kinh tế đang khiến cho Fed khó quyết định chính sách lãi suất. Hoạt động kinh tế và lạm phát chưa giảm đi như họ nghĩ. Từ tháng 3/2022, lãi suất cơ sở đã tăng từ gần 0 lên khoảng từ 5% đến 5,25%, mức cao nhất trong 16 năm qua.
Tin liên quan |
Fed chưa thể ngừng tăng lãi suất vì lý do này |
Thông thường, lãi suất tăng thì ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán và thị trường nhà ở. Tuy nhiên, cả hai lĩnh vực này vẫn đang phát triển tốt. Doanh số bán nhà giảm trong năm ngoái nhưng đã tăng trở lại từ tháng 1/2023. Sự thiếu hụt nhà bán đã làm tăng giá nhà và các nhà xây dựng đang tự tin vì nhiều người đang tìm kiếm nhà mới. Sức mạnh này trong nền kinh tế cho thấy Fed có thể cần tăng lãi suất thêm để kiềm chế lạm phát.
Gần đây, Fed cho biết, họ có thể giữ lãi suất ổn định trong thời điểm hiện tại, nhưng có khả năng tăng lãi suất vào cuối năm nay. Mặc dù một số dấu hiệu cho thấy việc tăng lãi suất đã bắt đầu có tác động, như doanh nghiệp đầu tư chậm lại và giảm giờ làm trung bình, nhưng có thể phải mất một thời gian để cảm nhận hết tác động.
Nhiều nhà kinh tế và các nhà quản lý doanh nghiệp tin rằng chỉ là vấn đề thời gian trước khi việc tăng lãi suất bắt đầu làm suy yếu nền kinh tế.
Còn các chuyên gia kinh tế ở Phố Wall cho rằng, cuộc chiến chống lạm phát của Fed có thể có độ trễ khi tác động lên nền kinh tế. Loạt tăng lãi suất mạnh thời gian qua có thể chưa được cảm nhận rõ rệt trong năm nay, hoặc có nhưng chưa đều. Do đó họ cho rằng, hơn 30% khả năng xảy ra suy thoái trong năm nay, đến 2024 khả năng này là 50%.
| Cảnh báo Mỹ vỡ nợ: Bộ Tài chính và Fed 'bó tay', điều gì sẽ đến sau ngày 1/6? Các nhà hoạch định chính sách Mỹ vẫn bế tắc trong việc nâng trần nợ, trong khi Bộ Tài chính nước này cảnh báo chính ... |
| Kinh tế Mỹ: Phe Cộng hòa tuyên bố tạm ngừng đàm phán nâng trần nợ công, nửa cuối 2023 sẽ thật sự nguy hiểm Phe Cộng hòa ngày 19/5 tuyên bố tạm ngừng tiến trình đàm phán về vấn đề nâng trần nợ công. Động thái này diễn ra ... |
| Lạm phát nóng, thị trường lao động ảm đạm, Fed sẽ 'quay xe' vào cuối năm nay? Các chuyên gia tin rằng Fed đã hoàn thành chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ, nhưng Ngân hàng trung ương Mỹ có thể ... |
| Fed nói Mỹ sẽ suy thoái nhẹ, Fitch gửi tín hiệu tiêu cực đến Washington Ngày 24/5, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố biên bản cuộc họp Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) thường kỳ ... |
| Từ vụ sụp đổ ngân hàng Mỹ lớn nhất trong thập niên, so găng sức mạnh 'bàn tay hữu hình và vô hình' của thị trường tài chính Theo báo Liên hợp buổi sáng, trên thị trường tài chính luôn tồn tại cuộc đọ sức khốc liệt giữa "bàn tay hữu hình" và ... |