📞

Vì sao Mỹ muốn rút khỏi COP21?

15:24 | 01/06/2017
Hôm 31/5, một nguồn tin từ Văn phòng Tổng thống Mỹ cho biết, ông Trump vừa đưa ra quyết định sẽ rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu. 

Động thái này có thể giúp ông Trump nhận được sự ủng hộ ở trong nước, song sẽ làm sâu sắc thêm những bất đồng giữa Mỹ và các đồng minh.

Lãnh đạo các nước tại Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu ở Paris, năm 2015. (Nguồn: Presidency of Mexico)

Trong suốt chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump đã hứa hẹn nhiều lần sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp than - chiến lược giúp ông thắng cử ở bang Tây Virginia.

Khi nhậm chức, ông Trump đã xóa bỏ các quy định quan trọng của cựu Tổng thống Obama trong việc bảo vệ nguồn nước khỏi chất thải mỏ than nhằm giúp đỡ ngành công nghiệp này. Mặc dù luật này được ca ngợi bởi các nhà vận động chính sách về sức khoẻ cộng đồng, ông Trump đã miêu tả nó như một "bộ luật giết chết việc làm”.

Sản lượng than đang có chiều hướng giảm xuống, trong khi thỏa thuận Paris lại khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng khác. Thỏa thuận này khuyến khích tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, vì than đá là một trong những nhiên liệu ô nhiễm hơn.

Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn CNN, ông Gary Cohn - Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ nói rằng "than không còn quan trọng nữa" và khen ngợi giá trị của năng lượng tái tạo như công nghệ gió. Ông Cohn cho biết Tổng thống Trump đang xem xét cả hai phương án.

Hiệp định Paris được thông qua tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP21) diễn ra tại Paris (Pháp) hồi tháng 12/2016, trong đó quy định một loạt biện pháp về bảo vệ khí hậu nhằm giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu trong phạm vi 1,5-2 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp.

Gần 200 quốc gia đã tham gia Hiệp định Paris và được 55 nước phê chuẩn, đại diện cho 55% tổng lượng khí thải toàn cầu, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Canada, Brazil và Liên minh châu Âu (EU).

Cựu Tổng thống Obama ký phê chuẩn Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu vào tháng 9/2016. Các thành viên G7 từng trông đợi Washington tiếp tục ủng hộ thỏa thuận vì Mỹ là nước phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính nhiều thứ hai thế giới.

(theo Yahoo Finance)