TIN LIÊN QUAN | |
Phương Tây học cách kiếm tiền trực tuyến của phương Đông | |
Thị trường Trung Quốc: Hấp dẫn nhưng khó gần |
Lãnh đạo các nước G7. (Nguồn: Reuters) |
Đầu tháng 6 vừa qua, Hàn Quốc hạ lãi suất. Tháng 7, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản gia tăng quy mô mua trái phiếu. Tháng 8, Ngân hàng Trung ương Australia đã hạ lãi suất cơ bản xuống mức thấp nhất trong lịch sử. Ngày 4/8, Ngân hàng Trung ương Anh cũng tuyên bố khởi động việc hạ lãi suất lần đầu tiên sau 7 năm... Cả thế giới dường như đang tiếp tục bước vào con đường phá giá tiền tệ mang tính cạnh tranh.
Uống rượu độc để... giải khát
Một cuộc chạy đua in tiền lại bắt đầu. Các nền kinh tế phát triển thực hiện biện pháp kích thích nới lỏng tiền tệ “lấy rượu độc để giải khát”, có liên quan chặt chẽ tới hậu quả kinh tế tồi tệ thể hiện trong thời gian gần đây.
Trong đó, hành động đáng chú ý nhất là của Nhật Bản. Là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, tăng trưởng GDP trong quý 2 chỉ là 0,048%, việc tăng trưởng gần như bằng 0% nằm ngoài dự báo của thị trường. Tờ Nihon Keizai Shimbun (Nikkei) nêu rõ, các nhà đầu tư và chuyên gia kinh tế đã dự báo quý 2 tăng trưởng 0,7%. Điều này chứng tỏ tỷ lệ tăng trưởng kinh tế không những thấp hơn mức trung bình của các quý, mà còn thấp hơn mức dự báo.
Để khởi động lại “chính sách kinh tế Abe” (Abenomics), Chính phủ Nhật Bản đã thông qua kế hoạch kích thích kinh tế mới với tổng quy mô là 2.810 tỷ Yen, mong muốn thông qua đầu tư vào cơ sở hạ tầng và cải thiện dịch vụ công sẽ kéo kinh tế Nhật Bản ra khỏi “vũng lầy suy giảm”.
Tuy nhiên, biện pháp vừa mới được đưa ra đã gặp phải rất nhiều chỉ trích. Tờ Mainichi Shimbun của Nhật Bản cho rằng, điều mà Nhật Bản cần không phải là cố gắng tạo ra nền kinh tế khởi sắc vào thời điểm hiện tại, mà là phải kiên trì thực hiện chính sách có thể giúp kinh tế nước này bước vào quỹ đạo tăng trưởng lâu dài.
Tờ Reuters cũng bình luận, mặc dù Chính phủ Nhật Bản đã tăng cường can dự, nhưng vấn đề căn bản là nhu cầu trong nước yếu vẫn rất nghiêm trọng, cộng thêm với việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) và tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi giảm, triển vọng kinh tế ở nước ngoài không xán lạn, cũng khó kỳ vọng dựa vào xuất khẩu để thúc đẩy nền kinh tế Nhật Bản đi lên.
Tình hình châu Âu cũng không mấy lạc quan. Thống kê của Cục thống kê châu Âu vào ngày 12/8 cho thấy, tăng trưởng GDP trong quý 2 của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) chỉ là 0,3%, chỉ bằng một nửa quý I. Đồng thời, tốc độ tăng trưởng kinh tế các nước thuộc Eurozone tồn tại khác biệt lớn. Tốc độ của Đức, nền kinh tế lớn nhất Eurozone, là 0,4%, Tây Ban Nha là 0,7%, Hà Lan là 0,6%. Thậm chí, tốc độ tăng trưởng GDP của Pháp và Italy đều là 0%. Tăng trưởng kinh tế dường như rơi vào trạng thái trì trệ, các nước thành viên của EU và Eurozone đều không thể nhất trí về thực hiện kích thích tài chính.
Hơn nữa, căn cứ vào dự báo của Tập đoàn Goldman Sachs, một trong những công ty hàng đầu ở phố Wall (Mỹ), việc cử tri Anh quyết định rời khỏi EU có thể dẫn đến nền kinh tế của quốc gia này sẽ rơi vào suy thoái nhẹ, gây ảnh hưởng tiêu cực đối với tăng trưởng kinh tế thế giới.
Ngoài ra, xem xét về mặt bằng cơ bản, sự thể hiện của Mỹ cũng kém xa dự báo. Ngoài tỷ lệ năng suất lao động phi nông nghiệp được công bố gần đây đã sụt giảm trong 3 quý liên tiếp, thống kê do Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 12/8 cho thấy, chỉ số vật giá sản xuất (PPI) của Mỹ trong tháng 7 đã giảm 0,4%, dự báo trước đây của họ là tăng 0,1%; giảm 0,2% so với cùng kỳ năm 2015.
Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Larry Summers đã viết trên tờ Financial Times: “Tình hình thực tế là nếu tốc độ tăng trưởng liên tục của Mỹ không thể hơn 2%, thì Mỹ có thể thực hiện nổi bất kỳ một mục tiêu quốc gia chủ yếu nào hay không là điều khó nói”.
Không thống nhất hành động
Rõ ràng, chính sách kích thích tiền tệ là “uống rượu độc để giải khát”, nhưng những nền kinh tế hàng đầu của châu Âu không tìm được động lực tăng trưởng vẫn buộc phải tái sử dụng.
Đương nhiên, lãi suất thấp được duy trì trong một thời gian dài từ sau cuộc khủng hoảng tài chính không phát huy vai trò khuyến khích các nước phát triển vay tiền để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giáo dục và phúc lợi xã hội. Tính lưu động với quy mô lớn đã tạo ra tài sản về tài chính, nhưng không tăng cường kinh tế thực thể.
Joseph Eugene Stiglitz - Giáo sư Đại học Columbia (Mỹ) - từng nhận giải Nobel kinh tế, cho rằng: “Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của những nước phát triển ngày càng không ổn định. Vai trò của các biện pháp chủ yếu như thắt chặt chi tiêu ngân sách, cung cấp tiền bằng chính sách nới lỏng tiền tệ... có tác dụng rất nhỏ đối với kích thích tiêu dùng gia đình, đầu tư và tăng trưởng. Ngược lại, những biện pháp này có xu hướng làm gia tăng tình trạng suy thoái”.
Tờ Nikkei cuối tuần số ra gần đây cũng đăng bài viết nhận định: “Các khu vực trên thế giới đều chú ý đến vấn đề mà họ phải đối mặt. Trong quá trình làm chậm năng suất lao động tác động đến cả thế giới, điều đặc biệt đáng chú ý là Mỹ rơi vào tăng trưởng âm lần đầu tiên về năng suất lao động sau 30 năm”.
Trong khi đó, Trưởng ban nghiên cứu kinh tế thuộc Trung tâm giao lưu kinh tế quốc tế Trung Quốc Từ Hồng Tài cho rằng: “Động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu thiếu hụt, giữa các nền kinh tế hàng đầu của phương Tây phải có hành động thống nhất hơn, không thể dựa vào chính sách kích thích tiền tệ chỉ làm phần ngọn không trị tận gốc triệt để. Đặc biệt là Nhật Bản, quốc gia đang càng đi càng xa trên con đường sai lầm”.
Nhận định về vấn đề này, tờ Les Echos của Pháp nêu rõ: “Chính sách tiền tệ có tác dụng như một thứ thuốc độc mà các nền kinh tế trên khắp thế giới thực hiện đã lộ rõ hạn chế, hơn nữa các biện pháp chính sách tiền tệ cũng thiếu sự phối hợp với nhau nên đã mất đi hiệu quả”.
Cuộc chiến bảo hộ thương mại
Điều đáng tiếc là giữa các nền kinh tế phát triển hàng đầu hiện nay không có kế hoạch liên kết đổi mới, ngược lại còn rơi vào “cuộc chiến bảo hộ thương mại” ngày càng quyết liệt.
Tờ Handelszeitung của Thụy Sĩ dẫn quan điểm của một báo cáo của Trung tâm nghiên cứu chính sách kinh tế Anh, cho rằng những năm gần đây, biện pháp bảo hộ thương mại trên toàn thế giới không những không giảm mà còn tăng lên. Kim ngạch thương mại trên thế giới đã không tăng trưởng trong 15 tháng liên tiếp, đây là thực tế mà ngay cả các chuyên gia của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đều coi nhẹ.
Nghiên cứu viên của Viện nghiên cứu vấn đề quốc tế Trung Quốc Ngụy Dân cho rằng: “Mỹ là quốc gia thúc đẩy toàn cầu hóa trong quá khứ, hiện tại họ ý thức được rằng các nước đang phát triển hưởng lợi nhiều từ toàn cầu hóa, bắt đầu nhấn mạnh ngành chế tạo phải quay về Mỹ. Do đó, họ khởi động lại làn sóng của chủ nghĩa biệt lập và chủ nghĩa bảo thủ”.
Các nền kinh tế phát triển hàng đầu của phương Tây cho rằng, trong quá trình toàn cầu hóa, các nước đang phát triển nhanh chóng trỗi dậy đã tạo thành mối đe dọa đối với họ, trong đó có thách thức các ưu thế truyền thống của họ về mặt quy tắc, quản lý... Do đó, các nước phát triển cũng đang điều chỉnh chính sách kinh tế, có tâm lý cảnh giác nhất định đối với việc mở cửa. Đặc biệt là đối với những ngành không có ưu thế đặc biệt, họ càng có xu hướng thực hiện biện pháp của chủ nghĩa bảo hộ, dựng chướng ngại vật.
Trong không gian chính sách kinh tế toàn cầu thiếu sự phối hợp với nhau, tăng trưởng kinh tế khôi phục được tính bền vững từ bên trong là điều có khả năng xảy ra. Joseph Eugene Stiglitz cho biết: “Để thực hiện điều này, cần viết lại quy tắc kinh tế thị trường nhằm đảm bảo công bằng nhiều hơn, đồng thời lấy cơ chế có hiệu quả và kích thích phù hợp làm biện pháp quản lý và kiểm soát thị trường”. Vấn đề là ở chỗ nền kinh tế phát triển hàng đầu nào mong muốn thực hiện đầu tiên?
Kinh tế thế giới thiệt hại do ô nhiễm không khí Đây là kết quả mà báo cáo "Thiệt hại do ô nhiễm không khí" của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 8/9. |
Kinh tế Anh tiếp tục bị tổn thương sau Brexit Thủ tướng Anh Theresa May đưa ra nhận định trên ngày 3/9 khi trên đường tới dự Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Trung Quốc. |
Kinh tế Nhật Bản phát đi những tín hiệu khả quan Chính phủ Nhật Bản cho biết, mức chi tiêu của các doanh nghiệp nước này vào tư liệu sản xuất/tài sản cố định trong quý ... |