Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà trao đổi trong khuôn khổ "Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022" sáng 18/9. (Ảnh: Dân trí) |
Tại chuyên đề thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong khuôn khổ "Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022" sáng 18/9, ông Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết thời gian vừa rồi việc điều hành chính sách để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, lãi suất và tỷ giá trong nước vẫn diễn ra tốt.
Về vấn đề tín dụng tăng nhanh, ông cho biết tính đến giữa tháng 9 đã tăng trên 10% so với mục tiêu 14%. Tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như sản xuất, kinh doanh…
Một trong những mục tiêu trọng tâm của Ngân hàng Nhà nước là gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm lên tới 40.000 tỷ đồng. Trong đó, năm nay mục tiêu hỗ trợ 16.000 tỷ đồng và sang năm là 24.000 tỷ đồng.
Ông cho biết, sau khi phân bổ đã tiến hành triển khai, đã có hướng dẫn các ngân hàng thương mại và yêu cầu tập trung nguồn lực cao để triển khai nhanh.
Bên cạnh đó, công tác truyền thông được chú trọng, lãnh đạo Ngân hàng trong các hội nghị chủ trì cũng nhấn mạnh việc nhanh chóng triển khai.
Qua 3 tháng triển khai, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất đạt gần 4.407 tỷ đồng đối với gần 550 khách hàng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 4.300 tỷ đồng; dự kiến số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng đến cuối tháng 8 năm nay là khoảng 13,5 tỷ đồng.
Ông Phạm Thanh Hà nhìn nhận số liệu giải ngân còn khiêm tốn. Tuy nhiên, chuyện cho vay của hệ thống các ngân hàng thương mại vẫn diễn ra bình thường, không phụ thuộc vào vấn đề còn hay hết "room" tín dụng. "Chuyện cho vay diễn ra hàng ngày ở các ngân hàng. Yếu tố quan trọng khác là thẩm định rủi ro, hồ sơ khách hàng…", ông nói.
Ông chỉ ra các lý do khiến gói triển khai hiện chưa được như kỳ vọng.
Về xác định đối tượng, ông Hà cho biết có trường hợp khách hàng không phải hoạt động đơn ngành mà đa ngành, nhiều hộ thuộc đối tượng nhưng không được xác định là vay vốn kinh doanh.
Ngoài ra, sự khác biệt giữa sự thẩm định của ngân hàng cho vay với sự đánh giá của cơ quan thanh tra, kiểm toán cũng là lý do gói hỗ trợ chưa được triển khai nhiều.
Về chỉ tiêu đánh giá, khách hàng phải có phương án kinh doanh cụ thể cũng như khả năng phục hồi mới có thể nhận hỗ trợ. "Phải đánh giá tính khả thi của dự án do ảnh hưởng tới quá trình giải ngân", ông nói. Vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, ban đầu khách hàng được thẩm định có thể trả nợ nhưng sau đó có rủi ro xảy ra, thì ngân hàng lại phải đánh giá lại về khả năng phục hồi.
"Chúng tôi nhận diện được những khó khăn trong việc triển khai và đã đề nghị các Bộ, ngành liên quan cùng thống nhất rằng khách hàng tự xác định ngành nghề kinh doanh của mình xem có thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất. Ngân hàng cho vay sẽ đánh giá chính doanh nghiệp có khả năng phục hồi không", ông nói.
Về tâm lý e ngại của khách hàng, ông chỉ ra nguyên nhân đầu tiên do mức giải ngân còn thấp gây ra nghi ngờ về khả năng hỗ trợ và thực tế triển khai. Ngoài ra, nhiều khách hàng cho rằng thủ tục vay vốn phức tạp, rườm rà. "Tuy nhiên, tiền là từ ngân sách, thủ tục đã được thống nhất từ trước", ông nói. Bên cạnh đó, khách hàng ngại các công tác thanh tra, kiểm toán.
Ông cho biết sắp tới Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức phối hợp liên ngành từ các địa phương, ngân hàng thương mại để nắm bắt, giải đáp thắc mắc còn vướng mắc trong thực tế. Đồng thời tổ chức các hội nghị kết nối ngân hàng, doanh nghiệp, người vay vốn... nhằm thu thập thông tin về khó khăn trong quá trình triển khai, từ đó trình Chính phủ và đưa ra các giải pháp để gói hỗ trợ lãi suất 2% triển khai nhanh hơn trong thời gian tới.