📞

Vì sao tiêm kích tàng hình ATN-51 sẽ chỉ là giấc mơ dang dở của Nga?

Hương Giang 18:39 | 10/04/2019
Đánh giá tổng thế tính năng kỹ chiến thuật của siêu tiêm kích tàng hình đa năng ATN-51, hầu như mọi nhận xét từ giới quan sát đều cho rằng nó chỉ đơn giản là giấc mơ của người Nga mà thôi. Thậm chí không chỉ nước Nga mà cả Mỹ hay các quốc gia châu Âu khác cũng chưa có đủ khả năng chế tạo một chiến đấu cơ siêu việt như ATN-51 trong tương lai hàng chục năm nữa.

Thông tin về việc Nga phát triển chiến đấu cơ tàng hình đa năng kích thước lớn, mang tên ATN-51 mang biệt danh “Dịch hạch đen - Черная чума” xuất hiện từ cuối năm 2018. Tuy nhiên, phải đến năm 2025, chiến đấu cơ phục vụ Lực lượng Không quân Vũ trụ Nga mới được sản xuất hàng loạt. Mô hình đồ họa của của chiến đấu cơ này lần đầu tiên được truyền thông Nga đề cập vào giữa năm 2016. Theo các chuyên gia quân sự Nga, nguyên mẫu thử nghiệm đầu tiên của ATN-51 đã được lên kế hoạch đưa vào chế tạo  đầu những năm 2020 trước khi chính thức sản xuất hàng loạt. Nếu thành công, chiến đấu cơ này sẽ được trang bị cho Lực lượng Không quân Vũ trụ Nga từ năm 2025.

Thiết kế để đánh chặn, tốc độ siêu tưởng

Theo tin từ trang Military Arms của Nga, ATN-51 là máy bay tiêm kích đa năng thế hệ 5, đang được phát triển để sử dụng trong các cuộc xung đột tiềm năng có thể diễn ra ở Bắc Cực - khu vực đang được nhiều quốc gia để mắt tới. Dự đoán, trong tương lai rất gần, sự nóng lên toàn cầu sẽ dẫn đến hiện tượng tan băng, do đó, Bắc Cực, với sự dồi dào dầu và khí đốt, sẽ là khu vực tranh chấp lợi ích của một số quốc gia như Nga, Mỹ, Canada, Na Uy và Đan Mạch. Theo một số phương tiện truyền thông, Nga kiểm soát vùng nước và đang có kế hoạch riêng cho các mỏ dầu khí Bắc Cực.

ATN-51 chiến đấu cơ đa năng được phát triển cho các xung đột tiềm năng có thể diễn ra ở Bắc Cực. (Nguồn: Tehnowar)

ATN-51 được thiết kế để đánh chặn các mục tiêu trên không, nhưng dự kiến,​ cũng có thể tấn công các mục tiêu trên mặt đất một cách hiệu quả. Các thông tin ban đầu về tính năng kỹ chiến thuật của tiêm kích này vô cùng ấn tượng (mặc dù còn có chỗ mâu thuẫn và gây tranh cãi). Với lượng nhiên liệu mang theo lên tới 32 tấn, chiến đấu cơ này có thể cất cánh từ một căn cứ không quân ở Siberia, bay thẳng đến không phận Mỹ chưa đến hai tiếng, và quay trở về sau khi thực hiện nhiệm vụ mà không cần tiếp nhiên liệu dọc đường.

ATN-51 sẽ được tích hợp 2 động cơ phản lực siêu lớn có khả năng kiểm soát vectơ lực đẩy 3 chiều (3D TVC), cho phép máy bay có tốc độ siêu tưởng là Mach 4,5 - tương đương những tên lửa không đối không nhanh nhất. Ngoài tốc độ cực lớn, trần bay của ATN-51 cũng đạt đến 32.000 - 42.000 m - ngoài phạm vi của hầu như mọi tổ hợp tên lửa phòng không. Để đáp ứng tiêu chí kích thước lớn và vận tốc kinh hoàng, vật liệu cấu tạo ra chiếc ATN-51 phải cực kỳ đặc biệt để chịu nhiệt độ cao khi bay với vận tốc siêu thanh mà không làm mất tính năng tàng hình của máy bay.

Vũ khí đáng sợ

ATM-51 sở hữu kho vũ khí "ấn tượng" với 10 tên lửa không đối đất siêu thanh cỡ lớn lắp trên trống quay dạng revolver trong khoang vũ khí và rất nhiều tên lửa không đối không. Với những tính năng kỹ chiến thuật ưu việt của mình, tiêm kích đa năng tàng hình ATN-51 không những thay thế được vai trò đánh chặn tầm xa của MiG-31, mà còn đảm nhiệm luôn chức năng của các máy bay ném bom Tu-160M2 và Tu-22M3M.

Đây thực sự là một thông tin gây sốc, bởi hiện Nga vẫn đang loay hoay trong việc hoàn thiện tiêm kích tàng hình Su-57 và chưa biết bao giờ mới hoàn thành. Chính vì vậy, tham vọng “nhảy vọt” chế tạo ATN-51 đang bị đánh giá là thiếu thực tế. Ngoài vướng mắc về kỹ thuật, ngân sách quốc phòng Nga hiện cũng chưa thể đáp ứng nổi cho dự án khổng lồ này.

ATN-51 có sải cánh 50,6ft (15,4m); chiều dài 54,5ft (16,6m); chiều cao 15,5ft (4,7m); trọng lượng rỗng 38.632lbs (17.523kg); tải trọng 81.425lbs (36.934kg). Theo một số chuyên gia, các thông số này gợi nhớ đến máy bay chiến đấu quỹ đạo MiG-105 - được mệnh danh là “thợ săn vệ tinh”, của một dự án cũ không thể thực hiện được với công nghệ của những năm 1970 và 1980. Tuy nhiên, theo dự án cũ đó, MiG-105 không bay lên trực tiếp từ mặt đất mà nhờ một hệ thống phân tán siêu âm nâng lên độ cao 30 km trước khi nó có thể tự hoạt động độc lập.

Vẫn còn nghi ngờ

Các chuyên gia cũng nghi ngờ tại sao Nga cần một máy bay chiến đấu siêu nặng như vậy? ATN-51 sẽ chủ yếu bảo vệ biên giới Bắc Cực, và cũng sẽ có thể bay đến Mỹ? MiG-31BM được hiện đại hóa cũng rất tuyệt vời cho an ninh biên giới, MiG-41 đang được phát triển tích cực và các máy bay khác của Nga cũng không thua kém gì các nước láng giềng; trong khi hệ thống phòng không của Nga là một trong những hệ thống tốt nhất thế giới.

ATN-51 bay được đến lãnh thổ Mỹ không mang theo vũ khí hạt nhân cũng là một dấu hỏi. Nếu theo thời gian, Lực lượng Không quân Vũ trụ của Nga sẽ được trang bị tên lửa cỡ nhỏ có độ chính xác cao với đầu đạn hạt nhân, một chiếc máy bay như vậy là hoàn hảo để tấn công bất kỳ kẻ thù nào, với những đòn tấn công chính xác và mạnh. Ngoài ra, do tốc độ cao, nó có thể được sử dụng với mục đích phòng không để bắn hạ các mục tiêu.

Về quỹ đạo, hầu hết các vệ tinh đều bay qua các vĩ độ phía Bắc, hoặc qua Nga hoặc qua Bắc Cực. Một máy bay chiến đấu như vậy có thể trở thành thợ săn vệ tinh, vấn đề chính là trang bị cho nó những tên lửa thích hợp. Hơn nữa, ở Bắc Cực, săn vệ tinh có một lợi thế rất quan trọng - không có hệ thống phòng không nào bố trí ở đó để cản trở chiến đấu cơ hoàn thành nhiệm vụ, và với tốc độ 4 Mach thì ATN-51 cũng có nhiều lợi thế.

Đánh giá tổng thế tính năng kỹ chiến thuật của siêu tiêm kích tàng hình đa năng ATN-51, hầu như mọi nhận xét từ giới quan sát đều cho rằng nó chỉ đơn giản là giấc mơ của người Nga mà thôi. Thậm chí không chỉ nước Nga mà cả Mỹ hay các quốc gia châu Âu khác cũng chưa có đủ khả năng chế tạo một chiến đấu cơ siêu việt như ATN-51 trong tương lai hàng chục năm nữa. Những "siêu vũ khí" như tiêm kích đa năng ATN-51 hay tàu ngầm hạt nhân không người lái Poseidon, tên lửa hành trình Burevestnik và tàu lượn siêu thanh Avangard đều bị Mỹ cho rằng chỉ là "đòn gió”.

Nếu các nhà thiết kế thành công trong việc biến những tính năng kỹ chiến thuật trên thành hiện thực, chắc chắn ATN-51 là một bước đột phá thực sự trong công nghệ hàng không, trước mắt là hàng không quân sự. Thực tế cho thấy rằng, Nga sẽ sớm cho ra đời máy bay thuộc lớp mới, đa năng, vượt qua tất cả các máy bay hiện có về các thông số kỹ thuật, có khả năng không chỉ phục vụ mục đích quân sự, mà còn tham gia vào chương trình không gian.

(tổng hợp)