📞

Vị trí chính sách ‘xây dựng lực lượng hạt nhân’ của Triều Tiên trong Hiến pháp

Hạnh Lê 14:31 | 28/09/2023
Kỳ họp lần thứ 9 Hội đồng Nhân dân Tối cao Khóa XIV (SPA) - tức Quốc hội Triều Tiên, diễn ra tại Đại lễ đường Mansudae trong ngày 26-27/9, với sự tham dự của nhà lãnh đạo Kim Jong Un.
Kỳ họp lần thứ 9 Hội đồng Nhân dân Tối cao Triều Tiên Khóa XIV diễn ra tại Đại lễ đường Mansudae, Bình Nhưỡng, Triều Tiên. (Nguồn: KCNA)

Theo nghị trình của kỳ họp lần này, một số nội dung quan trọng đã được đưa ra thảo luận, trong đó có việc phê duyệt một số kế hoạch sửa đổi và bổ sung một số nội dung của Hiến pháp Triều Tiên, cũng như thông qua quyết định thành lập Cơ quan Phát triển hàng không vũ trụ quốc gia, thuộc Tổng cục Công nghệ hàng không vũ trụ Triều Tiên.

Đặc biệt, một số nội dung sửa đổi và bổ sung trong Hiến pháp Triều Tiên bao gồm những điều khoản xác định vị trí của lực lượng hạt nhân trong hệ thống quốc phòng và nguyên tắc trong các hoạt động nhà nước liên quan đến xây dựng lực lượng hạt nhân.

Theo ông Choe Ryong Hae - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Quốc vụ, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ SPA, nội dung sửa đổi phản ánh việc Triều Tiên - quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân “có trách nhiệm” phát triển các loạt vũ khí hạt nhân cấp độ cao để “đảm bảo quyền tồn tại và phát triển của đất nước, ngăn chặn chiến tranh và bảo vệ hòa bình, ổn định của khu vực và phần còn lại của thế giới”.

Trong đó, nhiệm vụ của quân đội Triều Tiên là “bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, các quyền và lợi ích của nhân dân, bảo vệ hệ thống xã hội chủ nghĩa và thành quả của cách mạng trước mọi mối đe dọa, đồng thời đảm bảo hòa bình và thịnh vượng của đất nước bằng năng lực quân sự mạnh mẽ”.

Tại hội nghị trên, Chủ tịch Kim Jong Un đã đưa ra nhận định: “Chính sách xây dựng lực lượng hạt nhân của Triều Tiên đã được xác định lâu dài trong vai trò là luật cơ bản của quốc gia, mà không ai được phép bôi nhọ bằng cứ giá nào. Đây là sự kiện lịch sử, mang đến đòn bẩy chính trị mạnh mẽ để củng cố đáng kể năng lực quốc phòng”.

Ngoài ra, nhà lãnh đạo Triều Tiên còn lên án hợp tác an ninh ba bên Mỹ-Nhật-Hàn, cho rằng các quốc gia này đang đặt ra “mối đe dọa thực sự nghiêm trọng nhất”.

Trước đó, hôm 26/9, Đại sứ Triều Tiên tại Liên hợp quốc (LHQ) Kim Song cho rằng, Mỹ và Hàn Quốc đã đẩy bán đảo Triều Tiên đến gần bờ vực chiến tranh hạt nhân, đồng thời nhấn mạnh điều này đã khiến Bình Nhưỡng không có lựa chọn nào khác ngoài việc đẩy nhanh hơn nữa xây dựng khả năng tự vệ.

Triều Tiên đã thử hàng chục tên lửa đạn đạo trong 18 tháng qua. Mỹ từ lâu đã cảnh báo rằng Bình Nhưỡng đã sẵn sàng thực hiện vụ thử hạt nhân lần thứ 7. Trong khi đó, Bình Nhưỡng nhấn mạnh họ đang thực hiện quyền tự vệ bằng các vụ thử tên lửa đạn đạo để bảo vệ chủ quyền và lợi ích an ninh trước các mối đe dọa quân sự.

(theo KCNA,Reuters,Yonhap)