📞

Viễn cảnh ảm đạm cho giải trừ vũ khí hạt nhân

16:08 | 13/06/2016
Mỹ, Nga đang tìm cách cải tiến kho vũ khí hạt nhân trong khi Ấn Độ - Pakistan vẫn sẽ đua nhau đẩy mạnh chương trình hạt nhân của mình.

Trong báo cáo ngày 12/6 của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), hai nhà nghiên cứu Shannon Kile và Hans Kristensen viết: "Số lượng vũ khí hạt nhân lưu kho toàn cầu đã giảm dần kể từ khi đạt đỉnh với gần 70.000 đầu đạn hạt nhân vào giữa những năm 1980. Sự suy giảm này chủ yếu là do Nga và Mỹ cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của mình". 

Việc cắt giảm các đầu đạn hạt nhân theo thỏa thuận của Mỹ, Nga trong 10 năm qua vẫn còn chậm chạp. (Nguồn: Getty)

Theo đó, 9 quốc gia - Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc, Anh, Ấn Độ, Pakistan, Israel, và Triều Tiên - sở hữu 15.850 đầu đạn hạt nhân trong năm 2015. Đến đầu năm 2016, con số này giảm xuống còn 15.395 với 4.120  đầu đạn đã được triển khai. 

Theo ước tính, Nga đã sở hữu 7.290 đầu đạn hạt nhân từ đầu năm 2016, trong khi đó, con số này của Mỹ là 7.000, tổng cộng hai nước chiếm 93% vũ khí hạt nhân trên thế giới. Theo sau là Pháp (300), Trung Quốc (260), Anh (215), Pakistan (110-130), Ấn Độ (100-120), Israel (80) và với số liệu ước đoán chưa được xác thực thì Triều Tiên sở hữu khoảng 10 đầu đạn hạt nhân. 

Tuy nhiên, báo cáo lưu ý: "Tốc độ cắt giảm vũ khí hạt nhân của hai cường quốc Mỹ, Nga dường như diễn ra chậm chạp so với 10 năm trước đây, và cả hai đều không cắt giảm đáng kể lực lượng hạt nhân chiến lược được triển khai kể từ khi Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START) mới có hiệu lực vào năm 2011". 

Hai quốc gia Ấn Độ - Pakistan vẫn đang tìm cách gia tăng năng lực hạt nhân. (Nguồn: One India)

Ngoài ra, SIPRI nhận định: "Không một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân nào có ý định từ bỏ kho vũ khí của mình trong tương lai gần. Trong đó, Washington và Moscow đều đang triển khai các chương trình hiện đại hóa hạt nhân mở rộng và tốn kém". 

Bên cạnh đó, hai quốc gia đối thủ láng giềng Ấn Độ - Pakistan cũng đang tìm cách gia tăng năng lực hạt nhân của mình: New Delhi đang phát triển mạnh chương trình tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của mình; cùng với đó là đẩy nhanh việc sản xuất chất phóng xạ plutoni. Về phần mình, Islamabad cũng không bỏ qua cơ hội phát triển hệ thống vũ khí hạt nhân ứng dụng trên chiến trường để bù đắp cho sự thua thiệt về lực lượng quân đội tác chiến so với Ấn Độ.

SIPRI cảnh báo rằng kho vũ khí hạt nhân của Pakistan "có thể gia tăng đáng kể trong thập kỷ tiếp theo" và triển vọng của tiến trình hướng tới giải trừ vũ khí hạt nhân toàn cầu "vẫn còn ảm đạm".

(tổng hợp)