Lực lượng Ukraine bắn lựu pháo D-30 122mm ở Kherson, tháng 6/2023. (Nguồn: AP) |
Ngày 19/6, Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra một "biện pháp khẩn cấp tạm thời" buộc các nhà sản xuất vũ khí trong Liên minh châu Âu (EU) phải ưu tiên các đơn đặt hàng sản xuất đạn dược cho Ukraine.
Theo báo cáo, biện pháp này đã vấp phải sự chỉ trích từ một số quốc gia thành viên và các công ty tư nhân vì lo ngại EC sẽ có quá nhiều quyền lực khi đảm nhận vai trò điều tiết thị trường đạn dược. Họ cũng cho rằng biện pháp trên sẽ tạo điều kiện cho việc xâm phạm bí mật thương mại hoặc tiết lộ thông tin mật.
Người phát ngôn giấu tên của EC đã xoa dịu những lo ngại này khi cho rằng “EC có kinh nghiệm lâu năm trong việc xử lý thông tin như vậy trong bối cảnh áp dụng các thủ tục khác và có các biện pháp bảo vệ cần thiết”.
Hồi đầu tháng 5, EC tuyên bố sẽ phân bổ 1,5 tỷ Euro (1,6 tỷ USD) để sản xuất đạn dược cho Kiev. Ủy ban cũng có kế hoạch chi thêm 500 triệu Euro để mở rộng sản xuất đạn dược ở châu Âu.
Cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp chiến lược của Ukraine Sergiy Boyev cho biết, nước này đang đàm phán với các nhà sản xuất vũ khí của các nước phương Tây như Đức, Italy và Pháp để tăng cường sản xuất vũ khí, bao gồm cả máy bay không người lái, và có thể ký hợp đồng trong những tháng tới.
Kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine vào năm ngoái, Kiev đã nhận được sự hỗ trợ từ các quốc gia như Mỹ, Đức và Anh.
Ông Boyev phát biểu bên lề Triển lãm hàng không Paris: "Chúng tôi đang thảo luận rất chi tiết với các nước này. Và chắc chắn rằng chúng tôi sẽ ký kết các thỏa thuận trong vòng vài tháng tới".
Hồi tháng 5, Tổng thống Ukraine Volodomyr Zelensky cho biết, nước này đang hợp tác với tập đoàn BAE Systems của Anh để thành lập một cơ sở ở quốc gia Đông Âu để sản xuất và sửa chữa vũ khí từ xe tăng cho đến pháo. Tuy nhiên, hiện chưa có thỏa thuận nào được ký kết.
Trong diễn biến khác, tại cuộc họp báo chung ở Berlin với Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 19/6, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho biết, kho vũ khí của liên minh này trống rỗng và cần sớm khôi phục các kho vũ khí.
Trong khi đó, sĩ quan quân đội Mỹ đã nghỉ hưu Daniel Davis nhận định, NATO hiện không có đủ vũ khí để Ukraine phản công thành công.