Binh sĩ Ukraine sử dụng lựu pháo do phương Tây cung cấp trên chiến trường Donbass giữa tháng 6/2022. (Nguồn: AFP) |
Đứng đầu danh sách viện trợ quân sự cho Ukraine là Mỹ với các nghĩa vụ cam kết trong giai đoạn 27/1-/76 đạt 25,45 tỷ USD.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng là quốc gia đứng đầu về chuyển giao vũ khí trang thiết bị quân sự cho Ukraine trong giai đoạn này với tổng giá trị 6,3 tỷ USD.
Theo trang Al Jazeera, các vũ khí được Mỹ cam kết hoặc gửi đến Ukraine bao gồm: 72 pháo cỡ 155mm, 72 phương tiện kéo, 144.000 viên đạn và hơn 120 máy bay không người lái chiến thuật Phoenix Ghost do Không quân Mỹ phát triển để phục vụ nhu cầu của Ukraine.
Mỹ cũng cam kết trang bị trực thăng, tàu sân bay bọc thép, 1.400 hệ thống phòng không Stinger, 5.000 tên lửa chống tăng Javelin, vài nghìn khẩu súng trường cùng đạn dược và hàng loạt thiết bị khác.
Đứng thứ hai trong danh sách viện trợ quân sự là Anh với cam kết 2,53 tỷ USD, trong đó chi tiêu thực tế 1,6 tỷ USD. Các khoản tiền này chưa bao gồm 1,2 tỷ USD dành cho viện trợ đạn dược bổ sung được London công bố ngày 30/6.
Trong khi đó, Ba Lan đứng thứ ba với 1,81 tỷ USD.
Sau Mỹ, Anh và Ba Lan, các quốc gia tiếp theo trong danh sách viện trợ quân sự cho Ukraine gồm Đức (1,48 tỷ USD), Canada (0,8 tỷ USD), Na Uy (0,48 tỷ USD) và Czech (0,27 tỷ USD).
Trong khi đó, Pháp chỉ đứng ở vị trí số 13 với 0,16 tỷ USD và Italy ở vị trí số 15 với 0,11 tỷ USD.
Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt vào cuối tháng 2/2022, Mỹ và phương Tây đã liên tục “bơm” các loại vũ khí hiện đại cho Ukraine để hỗ trợ nước này.
Kiev cho rằng, xung đột với Moscow đã bước vào một giai đoạn kéo dài và nước này cần sự hỗ trợ quân sự liên tục.