Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky dự kiến sẽ có bài phát biểu tại Hạ viện Mexico trong ngày 20/4 để tìm kiếm sự ủng hộ từ quốc gia này. Ảnh minh họa. (Nguồn: CNN) |
Nguồn tin trên cho biết, thông qua lời mời của nhóm nghị sĩ hữu nghị Mexico-Ukraine tại Hạ viện, Tổng thống Ukraine sẽ có bài phát biểu được thực hiện theo hình thức trực tuyến vào trưa ngày 20/4 (theo giờ địa phương).
Tuy nhiên, cơ quan lập pháp này của Mexico cũng có một nhóm nghị sĩ thân Nga. Đặc biệt, động thái trên diễn ra trong bối cảnh Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đang có chuyến thăm tới các nước Mỹ Latinh, bao gồm Brazil, Venezuela, Nicaragua and Cuba.
Ngay từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Mexico đã tuyên bố quan điểm trung lập. Tuy vậy, chính quyền Tổng thống Andres Manuel Lopez Obrador cũng đã nhiều lần bỏ phiếu ủng hộ Mỹ và các nước phương Tây trong một số nghị quyết của Liên hiệp quốc (LHQ) liên quan đến cuộc xung đột này.
Việc một số lãnh đạo các quốc gia ủng hộ Ukraine như Đức và Mỹ nhiều lần thuyết phục Mexico đứng về phía Kiev đã gây ra nhiều cuộc tranh luận trong Quốc hội nước này.
Ngoài ra, trong năm 2022, Tổng thống Mexico đã đề xuất phương án nhằm chấm dứt cuộc xung đột nhưng đã bị Tổng thống Ukraine bác bỏ, vì ông Zelensky cho rằng đề xuất này có lợi nhiều hơn cho Moscow.
Cùng ngày 20/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định, nước này sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Hàn Quốc để hỗ trợ nhiều hơn cho Ukraine.
Trước đó, ngày 19/4, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã trả lời một cuộc phỏng vấn, trong đó nhấn mạnh Seoul có thể "không chỉ dừng lại" ở việc viện trợ nhân đạo hoặc tài chính cho Ukraine trong một số trường hợp nhất định.
Đây là lần đầu tiên Hàn Quốc bắn tín hiệu cho sự thay đổi trong lập trường không cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.
Bình luận về tuyên bố của ông Yoon, vị quan chức Mỹ trên cho biết, Hàn Quốc là một đối tác kiên định trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Ukraine kể từ đầu cuộc xung đột. Đồng thời, Washington sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Seoul trong việc giúp đỡ Ukraine.
Là một đồng minh quan trọng của Mỹ và là nhà sản xuất đạn pháo lớn, cho đến nay, Hàn Quốc vẫn cố gắng tránh làm mất lòng Nga do các công ty của nước này hoạt động ở Nga và tầm ảnh hưởng của Moscow đối với Triều Tiên, bất chấp sức ép ngày càng tăng từ các nước phương Tây về việc cung cấp vũ khí cho Ukraine.