Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock khẳng định, Berlin không tranh luận về việc cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine. (Nguồn: Global Happening) |
Theo nguồn tin, Mỹ cũng đang làm việc với Quốc hội để thông qua thêm 10 tỷ USD hỗ trợ ngân sách trực tiếp cho Ukraine.
Cùng ngày, tờ Financial Times (FT) đưa tin, một số quan chức Mỹ tiết lộ, Washington có thể chuyển máy bay chiến đấu cho Ukraine trong bối cảnh xung đột kéo dài hoặc cho phép tái xuất khẩu những chiếc F-16 hiện đang phục vụ ở các nước khác.
Trước đó, hồi cuối tháng Một, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, Washington sẽ không gửi máy bay chiến đấu F-16 tới Ukraine.
Theo FT, Kiev coi việc mua máy bay chiến đấu của phương Tây là mục tiêu dài hạn, "và ít quan trọng hơn nhiều so với các nhu cầu cấp thiết như đạn dược".
Liên quan vấn đề này, cùng ngày, phát biểu khi đang ở thăm thủ đô Helsinki của Phần Lan, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock khẳng định, chương trình nghị sự hiện nay của chính phủ Đức không có chủ đề cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine.
Trang tin Pravda của Ukraine dẫn lời Ngoại trưởng Đức Baerbock nêu rõ: "Đó không phải là chủ đề tranh luận hiện tại của chúng tôi".
Theo kế hoạch, các Bộ trưởng Quốc phòng và quan chức quân sự từ các nước phương Tây sẽ nhóm họp tại Brussels (Bỉ) vào ngày 14/2 (giờ địa phương) theo "định dạng Ramstein" để thảo luận về việc hỗ trợ quân sự cho Ukraine, trong đó có chủ đề máy bay chiến đấu.
Một số quốc gia thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Tổng thư ký liên minh này Jens Stoltenberg đã thể hiện sẵn sàng cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine.
Tuy nhiên, ông Stoltenberg cũng cho rằng, việc các nước thành viên NATO có thể chuyển giao máy bay chiến đấu cho Ukraine sẽ "mất một thời gian". Trước mắt vấn đề cấp bách là cung cấp vũ khí, đạn dược và nhiên liệu như đã cam kết cho Kiev càng nhanh càng tốt.