📞

Viện trợ Ukraine: NATO tính kế lâu dài, Mỹ nói Kiev đang 'gặp một số vấn đề'

Hà Thu 11:33 | 06/04/2023
Giữa lúc chuẩn bị chiến dịch phản công nhằm chiếm lại các vùng đất ở miền Đông, Ukraine tiếp tục nhận được tin tức về những chương trình, kế hoạch viện trợ quân sự mới từ các đồng minh phương Tây.
Một bệ phóng tên lửa Patriot của Mỹ. Các hệ thống phòng không vẫn là ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch hỗ trợ quân sự mà Washington dành cho Kiev và là nhiệm vụ quan trọng nhất. (Nguồn: AP)

Ngày 5/4, trong cuộc họp báo sau Hội nghị Ngoại trưởng các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Brussels (Bỉ), Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho hay, liên minh này nhất trí bắt đầu soạn thảo một chương trình chiến lược dài hạn hỗ trợ cho Ukraine, kể cả sau khi xung đột kết thúc.

Ông Stoltenberg nói: “Chương trình hỗ trợ kéo dài nhiều năm này sẽ giúp chuẩn hóa các lực lượng và vũ khí của Ukraine phù hợp với các tiêu chuẩn của NATO, bởi vì tương lai của Kiev thuộc về đại gia đình châu Âu-Đại Tây Dương”.

Tuy nhiên, Tổng thư ký NATO không đưa ra bất kỳ chi tiết nào về chương trình hỗ trợ nói trên. Trước đó, quan chức này cho biết các nước thành viên NATO đã chuyển lượng vũ khí trị giá 65 tỷ Euro cho Ukraine và hiện đang chuẩn bị một chương trình cung cấp vũ khí dài hạn cho Kiev.

* Cùng ngày, phát biểu tại một hội nghị của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Christopher Grady cho rằng, hiện Ukraine đang gặp một số vấn đề nhất định trong việc bảo vệ các cơ sở của mình trước các cuộc không kích.

Vì vậy, theo ông, phòng không vẫn là ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch hỗ trợ quân sự mà Washington dành cho Kiev và là nhiệm vụ quan trọng nhất.

Ông Grady cũng nói thêm rằng, một trong các lĩnh vực hỗ trợ để bảo vệ không phận của Ukraine là chống lại các máy bay không người lái (UAV).

Tuy nhiên, việc chuyển giao các hệ thống phòng không cho Kiev, ngoài những lời hứa của các quan chức Mỹ, cũng phải đối mặt với hai vấn đề chính là giá thành cao của các hệ thống phòng không Patriot và vấn đề nhân sự khi không rõ sẽ bảo dưỡng các hệ thống phòng không phức tạp này.

Trong khi đó, người phát ngôn Lầu Năm Góc Sabrina Singh thông báo, Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với các đồng minh và đối tác để giúp Ukraine đảm bảo đạn dược sử dụng trong xung đột với Nga, cũng như bổ sung kho dự trữ của Mỹ để duy trì sự sẵn sàng chiến đấu của quân đội.

Thông tin trên được bà Singh đưa ra trong bối cảnh Mỹ đã mua một lượng đáng kể đạn dược từ các công ty quốc phòng Hàn Quốc, song Seoul cho biết, số vũ khí này sẽ chỉ được sử dụng để lấp đầy kho dự trữ của Washington nhằm tránh tham gia trực tiếp vào xung đột Nga-Ukraine.

Từ chối bình luận khi được hỏi liệu đạn dược lấy từ Hàn Quốc có được cung cấp cho Ukraine hay không, song bà Singh nói rõ: "Washington biết đạn dược là một trong những ưu tiên của Kiev".

* Cũng trong ngày 5/4, Bộ trưởng Quốc phòng Czech Jana Cernochova cho biết, quân đội nước này có thể gửi thêm khoản viện trợ quân sự trị giá khoảng 30 triệu USD cho Ukraine.

Trong cuộc họp cùng ngày với Tổng thống Petr Pavel, Bộ trưởng Cernochova đã báo cáo nội dung trên, đồng thời trình bày danh sách các khoản viện trợ khả thi.

Theo bà Cernochova, những thiết bị quân sự thuộc danh mục đó hiện vẫn còn trong kho của quân đội và Czech có thể cung cấp bổ sung số thiết bị này cho Ukraine mà không làm ảnh hưởng đến khả năng phòng thủ của quốc gia.

Thông báo trên của Bộ trưởng Quốc phòng Cernochova có phần trái ngược với quan điểm của Tổng thống Pavel.

Mới đây, trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Suddeutsche Zeitung của Đức, ông Pavel đã tuyên bố rằng Prague đã giúp Kiev bằng cách cung cấp vũ khí nhiều nhất có thể, song hiện Cộng hòa Czech không còn vũ khí có thể gửi đến Ukraine và cũng không còn lựa chọn nào khác.

(theo Yonhap, Ukrinform, Kyiv Independent)