Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đón Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Hà Nội, ngày 11/10. |
Năm lĩnh vực hợp tác then chốt được nêu rõ trong Tuyên bố chung Hà Nội gồm có: hợp tác chính trị chiến lược; thương mại và đầu tư; tư pháp và pháp luật; phát triển và bảo vệ môi trường; giáo dục, khoa học, công nghệ, văn hóa, truyền thông và xã hội. Các nội dung này của Tuyên bố chung Hà Nội đã được hai bên đàm phán trong hơn một năm qua, với 8 vòng đàm phán khác nhau, nhằm hướng tới mục tiêu cùng phát triển, đôi bên cùng có lợi.
Kế hoạch hành động chiến lược cụ thể của 5 lĩnh vực hợp tác nói trên có một số điểm đáng chú ý như: Dự án Ngôi nhà Đức tại TP. Hồ Chí Minh, xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 tại TP.HCM, dự án Ngôi nhà Việt tại Berlin, tiếp tục đối thoại Việt - Đức về nhà nước pháp quyền, các chương trình xử lý nước thải tại VN, phát triển đại học Việt - Đức thành một cơ sở nghiên cứu hàng đầu, mở trường dạy nghề bậc cao tại Việt Nam…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá Tuyên bố chung là một bước phát triển mới trong quan hệ hợp tác Việt - Đức. Sự kiện này chắc chắn sẽ đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới, phát triển mạnh mẽ, sâu rộng và hiệu quả trong thời gian tới. Trong khi đó, Thủ tướng Angela Merkel khẳng định Đức luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện với Việt Nam trên các lĩnh vực. Phái đoàn gồm 27 quan chức chính phủ, trong đó có 5 nghị sĩ Quốc hội thuộc 5 đảng phái khác nhau trên chính trường Đức, là minh chứng cho thấy các đảng phái ở Đức đều coi trọng và ủng hộ việc tăng cường quan hệ với Việt Nam. Bên cạnh đó, theo Thủ tướng Merkel, trong đoàn có đại diện của 15 doanh nghiệp hàng đầu của Đức, cho thấy sự quan tâm tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư của các doanh nghiệp đến từ cường quốc kinh tế số một châu Âu tại Việt Nam.
Thủ tướng Merkel cho biết, Đức sẽ tiếp tục ủng hộ tiến trình đàm phán của Việt Nam với Liên minh châu Âu (EU) về việc ký kết hiệp định thương mại tự do, ủng hộ Việt Nam đề nghị EU sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. "Người phụ nữ quyền lực nhất thế giới" đánh giá, hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU được ký kết sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho cả Việt Nam và các nước thành viên của EU, trong đó có Đức.
Đức hiện là đối tác thương mại trong EU lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng khoảng 15% mỗi năm, đạt trên 4,1 tỷ USD trong năm 2010. Theo số liệu của Đức có tính cả sự trung chuyển qua nước thứ ba, kim ngạch thương mại song phương thậm chí lên tới 6 tỷ USD. Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, Đức vẫn cam kết 400 triệu USD tài trợ phát triển cho Việt Nam.
Cộng đồng người Việt Nam lao động và học tập tại Đức hiện có gần 100.000 người. Có một số lượng gần tương đương những người Việt Nam từng học tập hoặc làm việc ở Đức nay đã về nước. Đức hiện là nước tích cực nhất trong việc giúp Việt Nam đào tạo tiến sĩ, với khoảng 100 học bổng đào tạo mỗi năm. Những cộng đồng này chính là cầu nối quan trọng làm nên mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước trong suốt 36 năm qua, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao. Cùng với việc Đức là bạn hàng châu Âu số 1 của Việt Nam - "đây là hai trong số rất nhiều lý do để hai nước cùng nhau bắt tay đưa quan hệ hai nước sang một trang mới, trên một tầm cao mới", như lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp báo hôm 11/10.
Y Ly