Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc phát biểu tại Hội thảo về 20 năm quan hệ Việt - Mỹ. |
Xin Thứ trưởng cho biết những điểm sáng trong mối quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ trong những năm gần đây?
Theo Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ công bố nhân dịp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Mỹ vào tháng 7/2013 thì có chín trụ cột trong mối quan hệ đối tác toàn diện. Tuy nhiên, có một số điểm sáng như sau:
Trước hết là quan hệ chính trị ngoại giao, nổi bật là trao đổi đoàn cấp cao và tiếp xúc bên lề các diễn đàn quốc tế, khu vực diễn ra thường xuyên hơn. Quan trọng hơn là việc Mỹ cam kết tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam bằng văn bản. Đây là điều chưa từng xảy ra. Như thế, quá trình xây dựng lòng tin giữa hai bên đã có những bước tiến.
Trên các lĩnh vực trọng tâm như kinh tế, thương mại, đầu tư cũng có nhiều thành tựu nổi bật. Thứ nhất, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam vẫn xuất siêu, khoảng 8-9 tỷ USD mỗi năm. Thứ hai, đầu tư của Mỹ vào Việt Nam xếp thứ hạng cao, khoảng thứ bảy trong số các nhà đầu tư nước ngoài. Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius cho biết, Mỹ đang cố gắng vươn lên vị trí là nhà đầu tư số 1 ở Việt Nam. Trong bối cảnh đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã hoàn tất thì kỳ vọng trên hoàn toàn có cơ sở.
Ngoài ra, hợp tác về khoa học công nghệ, trong đó có hợp tác hạt nhân dân sự và giáo dục đào tạo đều có những tiến triển đáng ghi nhận.
Một vấn đề nữa là hợp tác giải quyết các vấn đề nhân đạo do chiến tranh để lại. Chúng ta ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực từ phía Mỹ, của chính quyền, quốc hội, các tổ chức phi chính phủ... Đơn cử như vấn đề da cam. Trước đây, phía Mỹ thường né tránh nhưng hiện nay đã có nỗ lực thực sự trong việc tẩy độc ở sân bay Đà Nẵng, sân bay Biên Hòa, bước đầu hỗ trợ cho nạn nhân chất độc da cam. Tuy nhiên, Mỹ cần phải làm nhiều hơn thế trong lĩnh vực này.
Ngoài ra, trong những năm qua, hợp tác địa phương được đẩy mạnh, đặc biệt là các bang California và Oregon có mối quan hệ ngày càng chặt chẽ với địa phương của Việt Nam.
Là nhà ngoại giao gắn bó với các công việc liên quan đến việc thúc đẩy quan hệ Việt – Mỹ trong hơn 20 năm qua, ông đánh giá giai đoạn nào hai bên gặp nhiều khó khăn nhất?
Do tính chất đối tác và đối tượng xen kẽ nên quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ mỗi giai đoạn đều có khó khăn, trở ngại riêng. Nhưng theo tôi, đó là giai đoạn mới bắt đầu bình thường hóa quan hệ vào năm 1995. Khi đó sức cản trong chính trị nội bộ Mỹ rất lớn.
Trước thời điểm đó, Tổng thống George H.W. Bush (Bush cha) đưa ra lộ trình bốn bước, trong đó có việc tập trung tìm người Mỹ mất tích ở Việt Nam trong chiến tranh. Khi đó, Lãnh đạo Việt Nam có quyết tâm chính trị rất cao với phương châm được đưa ra rất nhân văn nhưng cũng thể hiện một tầm nhìn xa: gác lại quá khứ, hướng tới tương lai. Đặt trong bối cảnh hàng triệu người Việt Nam vẫn còn mất tích trong chiến tranh thì có thể hiểu được tại sao trong thời gian đầu, việc tìm người Mỹ mất tích tại các địa phương Việt Nam không hề dễ dàng. Người dân không hợp tác, các gia đình thương binh liệt sĩ phản ứng. Nhưng dần dần người dân cũng hiểu và ủng hộ chính sách nhân đạo đó của Đảng và Nhà nước. Như vậy, từ một vấn đề gai góc lại trở thành điểm sáng trong quan hệ, giúp cho hai bên xích lại gần nhau.
Thời gian này, bên cạnh câu chuyện Campuchia, còn có vấn đề hội chứng Việt Nam, dù đã “nhạt” bớt nhưng vẫn chưa thể “phai”. Ngoài ra, còn có các vấn đề như liên quan đến sự khác biệt chính trị, ưu tiên đối ngoại, yếu tố bên ngoài.
Nói tóm lại, trong mỗi giai đoạn, mối quan hệ giữa hai bên đều có những khó khăn nhưng điều quan trọng nhất là hai bên đều rút được bài học và nắm bắt được cơ hội. Thực tế, hai bên đã nhiều lần để tuột cơ hội. Có những lúc cửa Việt Nam mở thì cửa của Mỹ đóng, cửa của Mỹ mở thì cửa Việt Nam đóng. Hoặc khi cửa của Mỹ mở thì Việt Nam không kịp bước vào hoặc chuẩn bị bước vào thì cửa đã đóng mất rồi. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại thì “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, đem lại thành quả quan hệ tương đối tích cực như hiện nay.
Thỉnh thoảng chúng ta vẫn được nghe những quan điểm khác biệt của Mỹ liên quan đến nhân quyền, cá da trơn… Điều này có gì bất thường chăng?
Tôi cho rằng, khi thương mại gia tăng thì cọ xát sẽ nhiều hơn. Vấn đề cá da trơn thì liên quan đến các nhóm lợi ích ở Mỹ. Ở nước ta, do điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, chi phí lao động thấp nên sức cạnh tranh của cá da trơn cao. Trong điều kiện toàn cầu hóa hiện nay, người dân Mỹ cũng thường chọn sản phẩm nào giá rẻ hơn và điều này ảnh hưởng trực tiếp đến người Mỹ nuôi cá da trơn. Những nghị sĩ vùng đó đại diện cho cộng động ở đó thì tất nhiên họ sẽ hành động. Tuy nhiên, cũng có những lực lượng khác phản đối, chẳng hạn như Hiệp hội thủy sản, Hiệp hội người tiêu dùng... Tôi cho rằng những cọ xát ấy cũng là chuyện bình thường, không mang tính chất ý thức hệ ở đây.
Liên quan đến chuyện nhân quyền, không chỉ riêng với Mỹ mà cả các nước phương Tây khác, có sự khác biệt về chế độ chính trị và những quan niệm về giá trị. Cách tốt nhất là đối thoại và tăng cường sự hiểu biết, thu hẹp khác biệt. Điều chúng ta phê phán là sự lợi dụng các vấn đề tôn giáo, nhân quyền vì các mục tiêu chính trị khác như gây bất ổn ở Việt Nam.
Lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Y tế và Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN ngày 23/11/2015. |
Vậy theo Thứ trưởng, các biện pháp cơ bản để thúc đẩy quan hệ hai nước là gì?
Theo tôi, thứ nhất, điều quan trọng là cần duy trì đà phát triển đi lên, không ngừng mở rộng nền tảng quan hệ trên cơ sở những điểm tương đồng, kiểm soát tốt và từng bước thu hẹp những khác biệt. Vấn đề xây dựng lòng tin có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Hai là, hai bên cần xử lý tốt các tác động của nhân tố bên ngoài ảnh hưởng đến quan hệ. Điều này đòi hỏi Mỹ duy trì sự quan tâm đúng mức và hợp tác tích cực với khu vực. Sự nhất quán và ổn định trong chính sách của Mỹ với khu vực có ý nghĩa lớn đối với lợi ích quốc gia của Mỹ và tương lai quan hệ Việt - Mỹ. Về phần mình, Việt Nam cần duy trì chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ trương phát triển quan hệ đồng đều với các nước lớn.
Ba là, về song phương, Việt Nam luôn coi trọng, ưu tiên cao và mong muốn phát triển quan hệ thực chất với Mỹ. Việt Nam hi vọng Mỹ tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ và toàn diện hơn để Việt Nam trở thành quốc gia “vững mạnh, thịnh vượng và độc lập” như Đại sứ Mỹ Ted Osius kỳ vọng.
Quan hệ Việt – Mỹ trong năm 2016 cũng sẽ có nhiều điểm đáng chú ý, thưa Thứ trưởng?
Tôi cho rằng năm 2016 sẽ là một năm rất đặc biệt trong quan hệ hai nước. Với đà quan hệ tiến triển rất mạnh như đã thấy trong năm 2015, hợp tác giữa hai nước trong năm 2016 sẽ đi vào chiều sâu và thực chất hơn. Tôi tin chắc rằng tất cả chín trụ cột hợp tác, được xác lập trong Tuyên bố quan hệ đối tác toàn diện, sẽ có những bước tiến mới, đặc biệt là điểm nhấn quan hệ chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, giáo dục - đào tạo, ứng phó với biến đổi khí hậu, giải quyết hậu quả chiến tranh.
Tổng thống Barack Obama đã nhận lời thăm Việt Nam trong năm 2016. Hai bên đang bàn thời điểm cụ thể. Phía Mỹ kỳ vọng đây là một chuyến thăm lịch sử trong quan hệ hai nước, tạo động lực cho quan hệ hai bên phát triển hơn nữa.
Phía Mỹ cũng đã mời các nhà lãnh đạo ASEAN dự Hội nghị cấp cao Mỹ – ASEAN vào tháng 2/2016 ở California.
Tựu trung lại, điều quan trọng hơn là hai bên thực hiện nghiêm túc thỏa thuận cấp cao giữa lãnh đạo hai nước trong việc tiếp tục thúc đẩy quan hệ, thực hiện cam kết tôn trọng chế độ chính trị của nhau, tôn trọng sự lựa chọn con đường phát triển của mỗi nước và cùng nỗ lực cho hòa bình, ổn định của mỗi nước trên cơ sở luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
“Trong mỗi giai đoạn, mối quan hệ giữa hai bên đều có những khó khăn nhưng điều quan trọng nhất là hai bên đều rút được bài học và nắm bắt được cơ hội. Thực tế, hai bên đã nhiều lần để tuột cơ hội. Có những lúc cửa Việt Nam mở thì cửa của Mỹ đóng, cửa của Mỹ mở thì cửa Việt Nam đóng. Hoặc khi cửa của Mỹ mở thì Việt Nam không kịp bước vào hoặc chuẩn bị bước vào thì cửa đã đóng mất rồi. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại thì “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, đem lại thành quả quan hệ tương đối tích cực như hiện nay”. Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc |