📞

Việt Nam - Ấn Độ: Mối quan hệ thực chất

14:53 | 05/01/2017
Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành cho rằng mối quan hệ toàn diện và có bề dày lịch sử giữa Việt Nam - Ấn Độ đang ngày một phát triển thực chất.

Xin Đại sứ cho biết những dấu mốc quan trọng trong hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ trong năm 2016?

Năm 2016 là một năm sôi động trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, trên tất cả các lĩnh vực, với nhiều hoạt động song phương trải dài trong cả năm.

Đầu năm 2016, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar thăm Việt Nam và lần đầu tiên họp Đối thoại quốc phòng ở cấp bộ trưởng. Cuối năm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch thăm Ấn Độ. Giữa năm, hai bên tiến hành Đối thoại Chiến lược và Tham khảo chính trị. Vào tháng 9, Thủ tướng Narendra Modi, chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên sau 15 năm của một Thủ tướng Ấn Độ. Cuối năm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân thăm Ấn Độ.

Đại sứ Tôn Sinh Thành phát biểu tại tiệc chiêu đãi nhân dịp kỷ niệm 71 năm Quốc khánh Việt Nam (2/9/1945-2/9/2016) (Ảnh: H.H)

Hai bên đạt được nhiều thỏa thuận mới trên nhiều lĩnh vực qua những chuyến thăm cấp cao trên. Theo Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, những chuyến thăm đã củng cố thêm sự tin cậy chính trị giữa hai nước. Lãnh đạo hai nước đạt được sự thống nhất trên hầu hết các vấn đề quan trọng, kể cả vấn đề Biển Đông.

Có thế nói năm 2016 đánh dấu một bước phát triển mới, cao nhất từ trước tới nay, trong mối quan hệ lâu đời giữa hai nước. Hai bên đã nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược thành Đối tác Chiến lược toàn diện, nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Đó là một mối quan hệ rất thực chất, được phát triển một cách tự nhiên do nhu cầu nội tại và lợi ích chiến lược giữa hai nước.

Đánh giá của Đại sứ về quan hệ của hai nước từ khi hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao, đặc biệt từ khi được nâng cấp thành quan hệ Đối tác Chiến lược?

Việt Nam và Ấn Độ bắt đầu các mối giao lưu tôn giáo, văn hóa, thương mại từ khoảng 2000 năm trước. Những thương nhân Ấn Độ đến vùng Đông Nam Á, đến miền Trung Việt Nam đã xây dựng nên Vương quốc Chăm pa. Đạo Phật của Ấn Độ được truyền bá vào Việt Nam và bắt đầu tạo dựng được vị trí ở đây. Đạo Phật trở thành một phần gốc rễ để phát triển mối quan hệ sau này giữa hai quốc gia ngày càng tươi tốt và vững chắc.

Trong các cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, lãnh đạo và nhân dân Ấn Độ cũng đã hết lòng ủng hộ cuộc chiến chính nghĩa của chúng ta, cung cấp lương thực, thực phẩm cho nhân dân Việt Nam.

Tác phẩm đạt giải cao nhất Cuộc thi thiết kế logo kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ do Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ tổ chức. (Nguồn: ĐSQVN tại Ấn Độ)

Mặc dù hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1972 nhưng trước đó, năm 1956, hai nước đã thiết lập quan hệ Lãnh sự mà Tổng lãnh sự đầu tiên là ông Nguyễn Cơ Thạch (sau này là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ ngoại giao).

Sau khi giải phóng miền Nam, Việt Nam thống nhất đất nước, Chính phủ Ấn Độ đã tặng Việt Nam giống cây trồng, bò sữa, trâu… để phát triển nông nghiệp…Đến khi Việt Nam thực hiện Chính sách Đổi Mới, Ấn Độ cũng là một trong những quốc gia đầu tiên đầu tư vào Việt Nam. Dự án thăm dò dầu khí đầu tiên của Ấn Độ đã khởi sự từ năm 1988, chỉ một thời gian ngắn sau khi Việt Nam thực hiện chính sách mở cửa với các nhà đầu tư nước ngoài.

Kể từ khi Việt Nam - Ấn Độ thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược năm 2007, quan hệ giữa hai nước có những bước phát triển mạnh mẽ và thực chất trên các trụ cột hợp tác. Năm 2007, kim ngạch thương mại hai chiều đạt khoảng 1 tỷ USD. Đến nay, con số này là trên 5 tỷ USD theo số liệu Việt Nam, trong khi đó số liệu của Ấn Độ gần 9 tỷ USD. Tổng cộng các giá trị đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam hiện khoảng 700 triệu USD so với trên dưới 100 triệu vào năm 2007. Về du lịch, vào những năm mới thiết lập quan hệ đầu tư chiến lược, du lịch hai chiều khoảng 20.000 người và hiện tăng lên khoảng 100.000 người. Người Ấn Độ sang Việt Nam nhiều hơn và người Việt Nam sang thăm Ấn Độ cũng tăng, nhất là du lịch về đất Phật. Bên cạnh đó, mối quan hệ quốc phòng giữa hai quốc gia không ngừng phát triển và đi vào thực chất. Gói tín dụng 500 triệu USD mà Ấn Độ dành cho Việt Nam trong lĩnh vực nâng cao năng lực quốc phòng hiện cũng đang được triển khai tích cực.

Nhìn lại toàn bộ lịch sử, có thể khẳng định, quan hệ Việt-Ấn luôn luôn phát triển đi lên và ngày càng mạnh mẽ.

Thưa Đại sứ, hai bên sẽ có nhiều hoạt động kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược?

Năm 2017 đánh dấu 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Ấn Độ. Đây sẽ là dịp để chúng ta nhìn lại những thành tựu hai bên đạt được trong những năm qua và đề ra phương hướng cho những năm tới.

Công tác chuẩn bị cho các hoạt động kỷ niệm đã bắt đầu từ năm 2016 và các hoạt động sẽ trải dài trong năm 2017. Hai bên sẽ có trao đổi các chuyến thăm cấp cao. Lãnh đạo hai bên sẽ tham dự các lễ kỷ niệm ở hai nước.

Nhân đây, hai nước sẽ tổ chức các cuộc xúc tiến, quảng bá về thương mại, đầu tư, du lịch và trao đổi về các đoàn biểu diễn văn hóa nghệ thuật, triển lãm tranh, ảnh, liên hoan phim tại hai nước.

Có ý kiến cho rằng, mặc dù quan hệ giữa hai quốc gia đã đạt đến mức độ Đối tác Toàn diện nhưng sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước chưa được đầy đủ, đặc biệt là sự hiểu biết của người dân Việt Nam về Ấn Độ?

Ấn Độ là một quốc gia rộng lớn, đa dạng, trong đó có cả những mặt tích cực và chưa tích cực. Tuy nhiên, dường như truyền thông Việt Nam chưa phản ánh được nhiều về những thành tựu to lớn của Ấn Độ trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, khoa học kỹ thuật... Ấn Độ có rất nhiều lĩnh vực mà chúng ta cần học hỏi. Bên cạnh những vấn đề mà nhiều quốc gia đang phát triển phải đối mặt như ô nhiễm, phát triển không đồng đều… thì quốc gia sông Hằng này có nền sản xuất ô tô, máy bay, tên lửa, vệ tinh phát triển hàng đầu thế giới…

Ấn Độ được đánh giá là "đại công xưởng thông minh" , sản xuất những thiết bị công nghệ kỹ thuật cao cho thế giới. (Nguồn: makeinindia.com)

Tôi thấy chúng ta chưa khai thác được nhiều các lợi ích của giao lưu nhân dân và phải tăng cường trao đổi hơn nữa để có thêm sự hiểu biết, nhất là sự hiểu biết về tiềm năng của nhau. Theo tôi, để có mối quan hệ hợp tác tốt thì chúng ta cần phải hiểu biết cặn kẽ về nhau. Bởi thế, trụ cột hợp tác văn hóa, trao đổi giáo dục là một trụ cột quan trọng trong 5 trụ cột hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ. Thúc đẩy sự hiểu biết về văn hóa, giao lưu về giáo dục thậm chí phải đi trước, làm một nền tảng để thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực khác. Chẳng hạn, sự hiểu biết văn hóa, hiểu biết về tiềm năng của Ấn Độ sẽ thúc đẩy được hợp tác về kinh tế.

Xin cảm ơn Đại sứ!

 

 

 

(thực hiện)