Năm 2017 đánh dấu nhiều cột mốc quan trọng trong quan hệ hai nước: Ấn Độ kỷ niệm 70 năm ngày Độc lập (15/8/1947-15/8/2017), Việt Nam và Ấn Độ kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao (7/1/1972-7/1/2017) và 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược (2007-2017).
Đây cũng là năm đầu tiên hai nước triển khai quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện kể từ chuyến thăm chính thức đến Việt Nam của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tháng 9/2016.
Chia sẻ nhiều tương đồng
Quan hệ giữa hai nước có cội rễ sâu xa cách đây gần 2.000 năm khi người dân hai bên bắt đầu các hoạt động giao lưu văn hóa và giao thương trên nền tảng chia sẻ những điểm tương đồng về văn hóa và những tư tưởng triết học lớn về hòa bình, độc lập, tự do, công bằng, bình đẳng, bác ái và nhân văn.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ Sumitra Mahajan. (Nguồn: TTXVN) |
Thánh địa Mỹ Sơn (ở Quảng Nam) là một minh chứng lịch sử rõ nét về sự giao thoa giữa nền văn minh Ấn Độ - một trong những nền văn minh lâu đời nhất thế giới với dấu ấn của đạo Phật, và nền văn minh Champa, một trong những nền văn hóa cổ rực rỡ nhất ở Đông Nam Á.
Trong chuyến thăm Việt Nam tháng 9/2016, Thủ tướng Narendra Modi đã chia sẻ: “Mối liên hệ văn hóa này tự phản ánh chính nó bằng nhiều cách rằng: Những kẻ xâm lược mang chiến tranh đến Việt Nam thì giờ đây đã sạch bóng trên đất nước Việt Nam, nhưng Phật giáo của Ấn Độ và tư tưởng hòa bình, bác ái, triết lý nhân văn sẽ luôn còn mãi ở Việt Nam”.
Mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước có được như ngày hôm nay là nhờ kế thừa và phát triển mối quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc từ hàng nghìn năm qua và mối quan hệ đặc biệt giữa các thế hệ lãnh đạo hai nước được hai nhà lãnh tụ kiệt xuất là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru tạo dựng nền móng.
“Mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ là mối quan hệ trong sáng như bầu trời không một gợn mây” - Câu nói của Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhân chuyến thăm Ấn Độ năm 1980 vẫn giữ nguyên giá trị đến hôm nay. |
Mối quan hệ hữu nghị, trong sáng và thủy chung này được thử thách qua thời gian và ngày càng gắn kết trong thế kỷ XX. Hai nước luôn sát cánh trong cuộc đấu tranh giành độc lập, rồi sớm thiết lập quan hệ ngoại giao, đặt nền tảng chính trị vững chắc cho quan hệ song phương sau này.
Các chuyến thăm lẫn nhau của lãnh đạo cấp cao hai nước đã trở thành những mốc son trong lịch sử quan hệ Việt Nam – Ấn Độ. Thủ tướng Jawaharlal Nehru là chính khách nước ngoài đầu tiên thăm Việt Nam năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Trong chuyến thăm Ấn Độ năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Thủ tướng J. Nehru chào đón như “một nhà cách mạng vĩ đại và một người anh hùng huyền thoại”.
Trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, nhân dân Việt Nam luôn nhận được sự ủng hộ chính trị, sự giúp đỡ tinh thần và vật chất quí báu của nhân dân Ấn Độ. Khi Việt Nam bị bao vây cấm vận, Ấn Độ tiếp tục dành cho Việt Nam sự hỗ trợ thiết thực và trở thành một trong những “cửa ngõ” quan trọng để Việt Nam mở rộng quan hệ với bên ngoài.
Câu nói của Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhân chuyến thăm Ấn Độ năm 1980: “Mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ là mối quan hệ trong sáng như bầu trời không một gợn mây” vẫn giữ nguyên giá trị đến ngày hôm nay.
Từ nền móng vững chắc
Trên nền tảng quan hệ chính trị tốt đẹp, từ khi Việt Nam bắt đầu tiến hành Công cuộc Đổi mới năm 1986 và Ấn Độ tiến hành cải cách sâu rộng thực hiện từ đầu những năm 90 của thế kỷ XX, quan hệ song phương từng bước phát triển rộng sang các lĩnh vực như: kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, quốc phòng an ninh, giao lưu nhân dân…, làm cho mối quan hệ truyền thống này ngày càng toàn diện hơn.
Ấn Độ ngày nay không chỉ là một quốc gia đông dân thứ hai trên thế giới, mà còn là một nhà nước dân chủ được nhiều người ca ngợi, một nền dân chủ nghị viện lâu đời, một nền kinh tế mới nổi có tốc độ tăng trưởng cao, một cường quốc có vai trò ngày càng quan trọng ở khu vực và thế giới.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Quốc hội Ấn Độ Sumitra Mahajan cùng các đại biểu sau cuộc hội đàm ngày 9/12/2016 tại New Dehli. (Nguồn: TTXVN) |
Bước sang thế kỷ XXI, tình hình khu vực và thế giới đặt ra những thách thức và cơ hội mới để hai nước tăng cường quan hệ hơn nữa. Đây là giai đoạn đánh đấu sự chuyển biến rõ rệt về lượng và chất trong quan hệ song phương.
Bước phát triển này phù hợp với đường lối đối ngoại của Việt Nam được Đại hội Đảng lần thứ XII (1/2016) đề ra là đưa các mối quan hệ với các đối tác ngày càng đi vào chiều sâu và thực chất hơn; đồng thời cũng phù hợp với “Chính sách hướng Đông” và tiếp đó là “Chính sách Hành động hướng Đông” của Ấn Độ, trong đó coi Việt Nam là một đối tác chiến lược của Ấn Độ ở Đông Nam Á cũng như ở khu vực rộng lớn hơn.
Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện đã tạo xung lực mới cho quan hệ hai nước và cả khu vực. |
Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện đã tạo ra một khuôn khổ quan hệ mới giữa hai nước dựa trên năm trụ cột: chính trị, kinh tế - thương mại – đầu tư, quốc phòng - an ninh, khoa học - công nghệ và văn hoá - giáo dục. Với việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, chưa bao giờ quan hệ Việt Nam - Ấn Độ phát triển tốt đẹp như hiện nay, mở ra những cơ hội phát triển mới cho quan hệ hai nước trong tương lai.
Quốc hội và nhân dân Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với Ấn Độ. Công cuộc Đổi mới ở Việt Nam và cải cách ở Ấn Độ là nền tảng để hai nước phát triển nhanh hơn quan hệ giữa hai nước nói chung và hai Quốc hội nói riêng.
Trong hơn 20 năm qua, ba Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đã thăm Ấn Độ. Quốc hội Việt Nam đã thành lập Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam-Ấn Độ. Quốc hội Việt Nam và Hạ viện Ấn Độ đã ký Thoả thuận hợp tác làm cơ sở pháp lý tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa hai cơ quan lập pháp trên bình diện song phương và đa phương.
Quốc hội Việt Nam đánh giá cao sự ủng hộ và phối hợp của Ấn Độ tại các diễn đàn đa phương, đặc biệt là ủng hộ Quốc hội Việt Nam lần đầu tiên đăng cai Đại hội đồng liên Nghị viện thế giới (IPU) lần thứ 132 (tháng 3/2015) và cử đoàn cấp cao tham dự tích cực, góp phần vào thành công của Đại hội.
Quốc hội và nhân dân Việt Nam vui mừng trước những thành tựu ngoạn mục của Ấn Độ sau 70 năm giành được độc lập, đồng thời đánh giá cao những bước phát triển trong 45 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước được thể hiện trên mọi lĩnh vực, mọi cấp, trong đó có quan hệ hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp.
Trong hai lần thăm chính thức Ấn Độ vào năm 2013 và 2016, tôi rất xúc động khi được chiêm ngưỡng những di sản hàng nghìn năm của nền văn minh Ấn Độ vĩ đại và vui mừng chứng kiến những thành tựu và đặc biệt là sự tin cậy, tình cảm hữu nghị và thủy chung của lãnh đạo và nhân dân Ấn Độ dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh đạo và nhân dân Việt Nam.
Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện đã tạo xung lực mới cho quan hệ hai nước và cả khu vực. Để phát triển quan hệ hai nước xứng tầm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, trước mắt, hai bên cần phối hợp đề ra chương trình hành động để hiện thực hóa các mục tiêu đã được lãnh đạo cấp cao hai nước thông qua, tăng cường quan hệ trên các kênh Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân, đồng thời phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương và các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Tổ chức liên Nghị viện thế giới, Phong trào Không liên kết, các tổ chức và diễn đàn liên khu vực, giữa Ấn Độ và ASEAN.
Lửa thử vàng, gian nan thử tình bạn
Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ và Thoả thuận hợp tác giữa hai Quốc hội là cơ sở quan trọng để đẩy mạnh hơn quan hệ giữa hai nước và hai cơ quan lập pháp. Việc tăng cường quan hệ giữa hai cơ quan dân cử, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm về lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng và công tác ngoại giao nghị viện, sẽ góp phần tăng cường quan hệ giữa hai nước và hai dân tộc.
Người Việt Nam thường nói “Lửa thử vàng”, còn các bạn Ấn Độ hay nói “Gian nan thử tình bạn”. Đối với người dân Việt Nam, Ấn Độ đã trở thành biểu tượng của tình bạn gắn kết bền chặt, thuỷ chung, bất chấp những thăng trầm của thời cuộc.
Trên cơ sở tin cậy chính trị, hai nước và hai Quốc hội cần nỗ lực thúc đẩy quan hệ phát triển thực chất hơn xứng tầm với quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vì lợi ích của nhân dân hai nước và tạo xung lực mới cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực, góp phần nâng cao vị thế của cả hai nước trên trường quốc tế.