Tại buổi gặp gỡ, hai bên đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước trong những năm gần đây, đồng thời nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ để tìm ra các biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa trao đổi thương mại trong thời gian tới.
Bộ trưởng Ngoại giao Argentina Jorge Faurie tiếp Thứ trưởng Công Thương Việt Nam Trần Quốc Khánh. |
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đề nghị Argentina tạo điều kiện thuận lợi cho hàng xuất khẩu của Việt Nam thâm nhập thị trường nước Nam Mỹ, nhằm bảo đảm cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước.
Hai bên cũng nhất trí phối hợp trong công tác chuẩn bị cho chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mauricio Macri vào năm tới, nhân dịp hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Bộ trưởng Faurie và Thứ trưởng Trần Quốc Khánh tin tưởng chuyến thăm của Tổng thống Macri tới đây sẽ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện “mang tầm chiến lược” giữa hai nước.
Kể từ khi thiết lập quan hệ đối tác toàn diện năm 2010, quan hệ Việt Nam-Argentina đã có những bước phát triển ấn tượng trên mọi mặt. Kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Argentina đã tăng gấp 10 lần trong vòng 10 năm trở lại đây, từ khoảng 300 triệu USD năm 2006 lên mức hơn 3 tỷ USD vào năm ngoái, tăng 16,7% so với năm 2015.
Bộ trưởng Ngoại giao Argentina Jorge Faurie trao đổi với Thứ trưởng Công Thương Việt Nam Trần Quốc Khánh thúc đẩy thương mại hai bên. |
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại Việt Nam - Argentina đạt 2,62 tỷ USD, tăng 8,87% so với cùng kỳ năm 2016, và dự kiến đạt 3,5 tỷ USD vào cuối năm.
Hai nước vẫn còn nhiều tiềm năng mở rộng xuất nhập khẩu các mặt hàng mới. Argentina hiện là một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh, trong khi Việt Nam là bạn hàng thương mại lớn thứ 6 của Argentina với các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo là giày dép, hàng điện tử, hàng dệt may, máy nông nghiệp.
Trong khi đó, Argentina đang là nhà cung cấp nông sản, thực phẩm lớn thứ 2 vào Việt Nam, chiếm tỷ trọng 11%, với các mặt hàng đậu tương, dầu ăn, ngô, lúa mỳ, dược phẩm.