Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu tại Lisbon, Bồ Đào Nha, từ ngày 28-30/10. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Nhận lời mời của Chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh phụ nữ toàn cầu Irene Natividad, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu (GSW) với chủ đề bao trùm là "Phụ nữ thay đổi kinh tế" trong bối cảnh thế giới đang tập trung, nỗ lực phối hợp chính sách và hành động ứng phó với dịch Covid-19, hướng tới phục hồi sau đại dịch, được tổ chức tại Lisbon, Bồ Đào Nha từ ngày 28-30/10.
Ngoài Phiên Khai mạc và Bế mạc, Hội nghị gồm 10 phiên toàn thể và 8 phiên thảo luận chuyên đề về nhiều chủ đề mang tính thời sự như đối tác công-tư trong việc thúc đẩy bình đẳng, các xu hướng lớn hậu Covid-19, chuyển đổi nền kinh tế xanh, tăng cường trách nhiệm doanh nghiệp, chuyển đổi công nghệ trong công nghiệp, phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, phát triển doanh nghiệp và tiếp cận người tiêu dùng nữ, phát triển mạng lưới đối tác và thương hiệu…
Chuyến đi đa mục tiêu
Theo Đại sứ Việt Nam tại Pháp, kiêm nhiệm Bồ Đào Nha Đinh Toàn Thắng, chuyến tham dự Hội nghị thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu tại Lisbon và tiến hành một số hoạt động song phương tại Bồ Đào Nha của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tới Bồ Đào Nha lần này có ý nghĩa quan trọng cả về đa phương lẫn song phương.
Về đa phương, kể từ khi được thành lập năm 1990, GSW đã trở thành một diễn đàn quốc tế quan trọng, thường được coi là “Davos của Phụ nữ”, nơi kết nối và tập hợp nhiều phụ nữ có tên tuổi, có tầm ảnh hưởng để đóng góp tiếng nói, tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề liên quan đến phụ nữ hiện nay.
Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ Toàn cầu hoạt động từ năm 1990 với mục đích thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, mở rộng cơ hội kinh tế cho phụ nữ, khuyến khích vai trò lãnh đạo và đóng góp của phụ nữ trong phát triển kinh tế quốc gia và kinh tế toàn cầu. Hội nghị được tổ chức hằng năm, luân phiên ở các khu vực. Việt Nam luôn tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ Toàn cầu ở cấp cao (Phó Chủ tịch nước làm Trưởng đoàn) và có nhiều đóng góp thực chất. Năm 2008, Việt Nam đã đăng cai tổ chức Hội nghị tại Hà Nội với chủ đề “Phụ nữ và châu Á - Động lực của nền kinh tế toàn cầu”. |
Hội nghị lần này tại Bồ Đào Nha có chủ đề bao trùm là “Phụ nữ thay đổi kinh tế”, sẽ đi sâu vào sự đóng góp của phụ nữ đối với các vấn đề kinh tế-xã hội, các vấn đề toàn cầu đang đặt ra.
Đại sứ Đinh Toàn Thắng nhấn mạnh, đây là dịp để trao đổi, để suy nghĩ, để đưa ra những ý tưởng, hướng đi hay, phù hợp về thúc đẩy vai trò của phụ nữ hiện nay trong một thế giới đang biến đổi nhanh chóng, nhất là về kinh tế, với nhiều thách thức và cơ hội đan xen.
Không chỉ vậy, đây cũng là dịp để Đoàn Việt Nam nêu những quan điểm của mình về các vấn đề được thảo luận, trình bày các kinh nghiệm, thành tựu nổi bật của phụ nữ Việt Nam trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội nói chung cũng như trong công tác phòng chống dịch, phục hồi kinh tế và trong các hướng đi của Việt Nam thời gian tới, nhất là các chiến lược của đất nước đã được Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân sẽ có phát biểu quan trọng tại lễ khai mạc và đại diện cho Việt Nam nhận Giải thưởng Lãnh đạo Quốc gia tại Lễ trao giải Lãnh đạo nữ trong khuôn khổ Hội nghị.
Tham gia đoàn công tác, ngoài lãnh đạo các bộ, ngành còn có Lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam, các doanh nghiệp nữ tiêu biểu của Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam. Các đại biểu đều sẽ có đóng góp tại các tọa đàm, trao đổi và kết nối tại Hội nghị.
Về song phương, theo Đại sứ Đinh Toàn Thắng, các hoạt động, nội dung trao đổi của đoàn dự kiến rất phong phú.
Ngoài các gặp gỡ bên lề Hội nghị, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân sẽ có các cuộc gặp với lãnh đạo cấp cao của Bồ Đào Nha như Tổng thống Marcelo Rebelo de Sousa, Bộ trưởng Ngoại giao Augusto Santos Silva và một số lãnh đạo nghị viện, bộ, ngành Bồ Đào Nha.
Đây là những tiếp xúc, gặp gỡ nhằm tăng cường trao đổi cấp cao giữa hai nước, đồng thời là dịp để hai bên thống nhất các biện pháp thúc đẩy hợp tác Việt Nam-Bồ Đào Nha trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, phát triển bền vững, phát triển kinh tế biển, trao đổi văn hóa, hợp tác đào tạo…
Trong khuôn khổ chuyến đi, Phó Chủ tịch nước cũng sẽ dự, phát biểu khai mạc Diễn đàn Kinh tế Việt Nam-Bồ Đào Nha và gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Bồ Đào Nha.
Tăng cường hợp tác
Chia sẻ về quan hệ Việt Nam-Bồ Đào Nha, Đại sứ Đinh Toàn Thằng nhấn mạnh, đây là mối quan hệ đặc trưng bởi những kết nối xuất hiện từ rất sớm.
Cách đây hơn 500 năm, những nhà buôn và truyền giáo người Bồ Đào Nha đã đến Hội An và các địa điểm khác của Việt Nam tại miền Trung. 100 năm sau đó, một người Bồ Đào Nha có tên Francisco de Pina đã mày mò nghiên cứu, xây dựng những nền móng đầu tiên cho sự hình thành chữ viết của người Việt Nam hiện nay.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Cộng hòa Bồ Đào Nha Đinh Toàn Thắng chụp ảnh lưu niệm cùng Tổng thống Bồ Đào Nha Marcelo Rebelo de Sousa tại lễ trình Thư ủy nhiệm, tháng 10/2021. (Nguồn: Presidencia.pt) |
Sau những cách trở trong lịch sử, quan hệ hai nước bước vào giai đoạn mới, và đã trải qua hơn 45 năm kể từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (1975-2021). Quan hệ Việt Nam-Bồ Đào Nha hiện nay đang có nhiều bước phát triển tốt đẹp trên các lĩnh vực.
Về chính trị, mặc dù cách xa về địa lý, hai bên nỗ lực duy trì các trao đổi, tiếp xúc ở nhiều cấp, thông qua các hoạt động trao đổi đoàn, các cuộc tiếp xúc bên lề tại các diễn đàn, hội nghị quốc tế và qua các Đại sứ quán kiêm nhiệm (Đại sứ quán Việt Nam tại Paris (Pháp) và Đại sứ quán Bồ Đào Nha tại Bangkok (Thái Lan)).
Bồ Đào Nha luôn ủng hộ việc tăng cường quan hệ giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU). Nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên EU của Bồ Đào Nha trong 6 tháng đầu năm 2020 trùng với nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Việt Nam đã là dịp để hai bên cùng phối hợp thúc đẩy hợp tác giữa hai khối.
Cùng với việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) chính thức đi vào hiệu lực từ 1/8/2020, quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư Việt Nam-Bồ Đào Nha đang có những tín hiệu tích cực.
Kim ngạch trao đổi thương mại song phương 9 tháng đầu năm 2021 đạt gần 500 triệu USD, tương đương với toàn bộ năm 2020, trong đó, kim ngạch xuất khẩu lớn gấp gần 4 lần nhập khẩu. Những lĩnh vực mà hai nước có thế mạnh và nhu cầu gia tăng hợp tác như kinh tế biển, du lịch, chế biến cũng đã được các bộ, ngành, đối tác hai bên tích cực trao đổi và thúc đẩy.
Hợp tác về văn hóa, ngôn ngữ là một nội dung truyền thống giữa hai nước. Nhiều sinh viên Việt Nam hiện đang học tập tại các trường đại học tại Bồ Đào Nha. Từ năm 2014, Bồ Đào Nha đã hỗ trợ thành lập và cung cấp giáo viên tiếng Pháp cho Khoa tiếng Bồ Đào Nha thuộc Đại học Hà Nội.
Bên cạnh đó, cộng đồng người Việt Nam ở sở tại cũng đang phát triển, tạo chỗ dựa cho kết nối giữa các đối tác hai nước.
Sau một thời gian khó khăn vào thời điểm đầu đại dịch, hiện nay, Bồ Đào Nha là một trong những nước dẫn đầu thế giới về tỷ lệ tiêm phòng Covid-19 với hơn 85% dân số đã được tiêm chủng.
Trong chuyến công tác lần này của Phó Chủ tịch nước, hai bên dự kiến cũng sẽ có những trao đổi, chia sẻ sâu về kinh nghiệm, phối hợp phòng chống Covid-19.
Theo Đại sứ Đinh Toàn Thắng, các vấn đề hợp tác về vaccine, vật tư y tế sẽ được đề cập trong các khuôn khổ song phương và đa phương. Hiện Bồ Đào Nha cũng đang có các khoản viện trợ vaccine quan trọng cho Việt Nam qua cơ chế COVAX.
Đại sứ Việt Nam nhận định, tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch là rất lớn, nhất là khi hai nền kinh tế đều được đánh giá sẽ có sự phục hồi mạnh mẽ.
Với việc EVFTA đã đi vào hiệu lực và Bồ Đào Nha đang thúc đẩy sớm thông qua Hiệp đinh bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA), quan hệ hợp tác về kinh tế, thương mại và đầu tư song phương sẽ còn nhiều dư địa phát triển trong thời gian tới.
Ngoài ra, còn rất nhiều lĩnh vực tiềm năng chưa được hai bên khai phá như kinh tế biển, hàng hải, năng lượng, cơ sở hạ tầng, dệt may, du lịch…